Đề xuất xây dựng 2 đập điều hòa trên sông Ba để bảo đảm nguồn nước vùng hạ lưu
Trước thực trạng môi trường sinh thái và mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lượng nước trên sông Ba chảy qua địa bàn quá thấp, UBND thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã đề xuất xây dựng 2 đập điều hòa để khắc phục các bất cập.
Thời điểm hiện tại dù Tây Nguyên đã bước vào đầu mùa mưa nhưng mực nước trên sông Ba đoạn chảy qua địa bàn thị xã An Khê vẫn rất thấp. Tại đoạn sông Ba chảy qua trung tâm thị xã An Khê hiện chỉ như lạch nước nhỏ rộng chừng 10m, nhiều diện tích của lòng sông trước đây đang trơ trọi đá hoặc cỏ.
Ông Nguyễn Trọng Minh (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho biết: Trước khi xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak, dòng sông là nguồn sống của người dân ở đây, cả làng làm nghề chài lưới. Từ khi thủy điện chặn dòng, thay đổi dòng chảy, dòng sông dường như đã chết, nước sông chỉ róc rách như suối nhỏ, nhiều người phải chuyển nơi khác sinh sống hoặc kiếm kế sinh nhai khác. “Ở đầu nguồn có nhà máy đường và nhà máy mì xả thải, nước sông ít không cuốn trôi đi hết đã làm không khí trở nên ngột ngạt, bao nhiêu năm nay người dân ở đây quá khổ sở rồi”, ông Minh nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Minh Tâm, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP 4 phường Tây Sơn bày tỏ: Từ khi thủy điện tích nước, dòng sông gần như kiệt nước, mùa nắng nóng nước hôi thối, cá chết nổi lềnh bềnh càng thêm ô nhiễm. Cử tri địa phương đã nhiều lần kiến nghị có giải pháp khắc phục nhưng bao năm nay vẫn không thay đổi. “Hãy trả lại dòng sông Ba ngày nào cho chúng tôi. Nếu không thể giống như trước đây thì chí ít cũng có giải pháp cải thiện sức sống cho dòng sông Ba”, ông Tâm bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak thuộc bậc trên cùng của hệ thống thủy điện sông Ba gồm Nhà máy Thủy điện An Khê có công suất lắp đặt 160MW, hồ chứa có dung tích hữu ích là 5,6 triệu m3 nằm trên địa bàn thị xã An Khê và Nhà máy Thủy điện Ka Nak có công suất lắp đặt 13MW, hồ chứa có dung tích hữu ích 285 triệu m3 nằm trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai được khánh thành năm 2011. Quá trình hoạt động, thủy điện này đã chuyển dòng lượng lớn nước ở tỉnh Gia Lai về sông Kôn, tỉnh Bình Định khiến người dân bức xúc.
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2014, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị nghiên cứu xây dựng đập dâng trên sông Ba đoạn sau thủy điện An Khê-Ka Nak. Đồng thời, cử tri và chính quyền tỉnh Gia Lai đã nhiều lần có ý kiến, đề xuất Trung ương hỗ trợ xây dựng đập điều hòa trên sông Ba nhằm khắc phục hậu quả của thủy điện gây thiếu nước vào mùa khô do thủy điện tích nước và ngập lụt vào mùa mưa bão do thủy điện xả nước. Đồng thời, khắc phục tình trạng ô nhiễm của sông Ba, cải tạo cảnh quan đoạn qua địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Đối với các đề xuất của địa phương, mới đây nhất, Bộ NN&PTNT đã có ý kiến trả lời nêu: Qua nghiên cứu, Bộ nhận thấy việc điều tiết nước dòng chảy sông Ba (sau Thủy điện An Khê-Ka Nak) không chỉ đơn thuần thực hiện bằng giải pháp công trình mà cần kết hợp cả về vận hành khai thác, các giải pháp phi công trình khác, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, qua rà soát các quy hoạch liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hiện không có công trình đập điều hòa sông Ba trong danh mục các dự án đầu tư xây dựng.
Do vậy, để thực hiện điều tiết nước dòng sông Ba phục vụ các nhu cầu, trong đó có phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân cần phải xem xét, nghiên cứu trên cơ sở bài toán tổng thể. Từ đó, đề xuất giải pháp (công trình, phi công trình, kết hợp các giải pháp) và rà soát, bổ sung nội dung, giải pháp vào các quy hoạch để làm căn cứ đầu tư xây dựng theo quy định.
Bộ NN&PTNT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có ý kiến để UBND tỉnh chỉ đạo việc nghiên cứu tính toán, rà soát quy hoạch tỉnh. Bộ sẽ tham gia phối hợp về kỹ thuật; đồng thời, chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch ngành để xem xét cụ thể phương án thực hiện đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quốc Hoài Huy, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê thông tin: Cử tri và chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất xây dựng đập điều hòa nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm của sông Ba và tạo cảnh quan đô thị. Địa phương rất mong muốn công trình sớm được bổ sung quy hoạch, xây dựng, đáp ứng được mong mỏi của người dân.
“Thực hiện ý kiến của Bộ NN&PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh, địa phương đang phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất làm 2 đập điều hòa với tổng kinh phí đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Hai đập này cách nhau khoảng 1.300m thuộc địa phường An Bình và phường Tây Sơn nhằm điều tiết nước, tạo cảnh quan khu vực trung tâm thị xã cũng như phát triển kinh tế - xã hội”, ông Huy thông tin thêm.