'Đêm cháy': Cái nhìn của người bên kia chiến tuyến

Năm 2021, với tiểu thuyết 'Đêm cháy' tác phẩm viết về những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tác giả Nguyễn Duy Hiến đã được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước trao giải thưởng cuộc thi Sáng tác biểu tượng (logo) tỉnh Bình Phước và Giải thưởng Văn học, nghệ thuật tỉnh lần thứ I, giai đoạn 2016-2020. 'Đêm cháy' lấy bối cảnh lịch sử từ trận đánh của Trung đoàn 88, Sư đoàn 5 tấn công Đồn Phước Quả (Chi khu Phước Bình - Phước Long) rạng sáng 27-10-1967.

“Đêm cháy” không đơn thuần là câu chuyện kể về chiến tranh mà còn là những tâm sự của một người lính bên kia chiến tuyến, sau khi tham gia chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường ông đã viết tiếp câu chuyện ý nghĩa của mình…

Đọc “Đêm cháy”, rất nhiều độc giả như quên mất tác giả, thậm chí có những đoạn người đọc tưởng như tác giả Duy Hiến là người được nhân vật nhờ kể lại toàn bộ câu chuyện của mình. Với văn phong mộc mạc, đơn giản, không lớp lang, câu chuyện của nhân vật Phương Xuân khiến người đọc cảm thấy rất gần gũi. Thỉnh thoảng, với sự nhạy cảm của người từng khoác áo lính, tác giả đã làm độc giả “giật mình” với những tình huống khai thác nội tâm, con người khi đứng giữa ranh giới chính nghĩa và bạo tàn; hay sự ác liệt, rùng rợn của chiến tranh đã đẩy con người đi đến tận cùng của số phận như thế nào. Duy Hiến viết: “Giữa trưa, nắng hắt sáng một vùng bên kia chân núi. Phương Xuân dừng lại dưới trảng bằng lăng tím, tiếng chim bắt cô trói cột nghe mỗi lúc một gần. Vừa dịch xong bức điện đưa lên thủ trưởng, Phương Xuân không về lán mà tạt vào rừng phía sau đơn vị. Anh muốn lòng mình thanh thản hơn sau áp lực của trận chiến vừa qua. Anh thong thả bước đi dưới tán rừng già, lòng bâng khuâng ngắm những tia nắng chiếu qua vòm lá chấp chới nhiều sắc màu. Một thảm cây nổi lên màu cánh cam khi mặt trời đứng núi. Những người lính ở miền Bắc mới vào Tây Nguyên chưa hình dung rõ các mảng rừng cao thấp. Đứng lưng chừng núi khó phân biệt được đâu là đỉnh, đâu là khe, bởi mọi loại cây đều vươn lên tìm ánh sáng”.

Mượn lời kể của nhân vật, với bút pháp chân thật, xuyên suốt, “Đêm cháy” là câu chuyện về chiến tranh với nhiều bi thương nhưng oanh liệt. Đó là những mất mát to lớn mà quân và dân ta đã phải đánh đổi để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Điều đặc biệt ở “Đêm cháy” là nhân vật chính là một người lính “phía bên kia” nên càng làm cho người đọc day dứt khôn nguôi trước tội ác chiến tranh. Hơn nữa, không gian lịch sử của tác phẩm được lấy từ một địa danh, trận đánh có thật ở Bình Phước đã làm cho người đọc khắc sâu hơn sự tàn phá của chiến tranh.

Trong tiểu thuyết “Đêm cháy”, tôi viết về trung đoàn chủ lực quân giải phóng đánh vào căn cứ Phước Quả, nay thuộc xã Phước Tín, thị xã Phước Long đêm 26, rạng sáng 27-10-1967. Tác phẩm là trang sử bi tráng của một đơn vị lực lượng vũ trang. Trận đánh đêm đó đã khiến 134 chiến sĩ trung đoàn nằm lại căn cứ địch. Sau trận đánh, địch gom xác bộ đội ta về chôn lấp gần Sân bay quân sự Phước Bình. “Đêm cháy” nói về số phận của người lính phía bên kia, nỗi trăn trở đã theo anh trong suốt nửa thế kỷ và nguyện làm nhân chứng đặc biệt cho Đội K72 tìm kiếm bộ đội hy sinh trong trận đánh Phước Quả.

Tác giả NGUYỄN DUY HIẾN

Tiểu thuyết "Đêm cháy" của Nguyễn Duy Hiến mang lại cho người đọc cái nhìn khác lạ về chiến tranh, khắc họa về truyền thống đấu tranh cách mạngn trên quê hương Bình Phước gian lao mà anh dũng. Theo tác giả Duy Hiến, cảm hứng viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang trên quê hương Bình Phước trong ông không hề cạn. Sự hy sinh của bộ đội, thanh niên xung phong, của nhân dân và những bi kịch tang thương, thảm khốc trong chiến tranh vệ quốc luôn ám ảnh, thôi thúc ông cầm bút. Cho đến nay, 2/3 số bài viết của ông trên các trang báo hay sách đều nói đến nội dung này. Tác giả mong rằng qua các tác phẩm, độc giả, nhất là thế hệ trẻ tạc dạ và tri ân công lao to lớn của những người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm xuống vì hòa bình thống nhất đất nước.

Mời quý độc giả tìm đọc và giới thiệu cho nhiều người cùng đọc!.

CÂU HỎI CÓ THƯỞNG THÁNG 7: Bạn cho biết một số thông tin về trận đánh của Trung đoàn 88, Sư đoàn 5 tấn công Đồn Phước Quả (Chi khu Phước Bình - Phước Long) rạng sáng 27-10-1967?

Chương trình sẽ nhận câu trả lời trong vòng 7 ngày, tính từ ngày đăng tải trên Báo Bình Phước. Câu trả lời đúng và hay nhất sẽ được Thư viện tỉnh tặng một phần quà sách có giá trị. Các bạn tham gia trả lời xin gửi đáp án về email: sachhaybptv@gmail.com. Hoặc gửi thư về chuyên mục: “Sách - Người bạn tốt”, Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228 đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Nội dung email ghi rõ họ tên, địa chỉ để chuyên mục gửi quà tặng.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/54/160546/dem-chay-cai-nhin-cua-nguoi-ben-kia-chien-tuyen