Đến 2030, cần hơn 3 triệu tỷ đồng để đầu tư 20 dự án trọng điểm quốc gia?
Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự kiến có 20 dự án sẽ nghiên cứu thành dự án trọng điểm quốc gia. Tổng vốn đầu tư của 20 dự án này dự kiến là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó có hơn 390 nghìn tỷ đồng là vốn đầu tư công.
Bộ KH&ĐT nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm giai đoạn 2021- 2030, dự kiến vốn đầu tư phát triển giai đoạn này đạt khoảng 35,0% GDP, tương đương khoảng 50 triệu tỷ đồng. Trong đó, hơn 3 triệu tỷ đồng dự kiến dành cho các dự án quan trọng quốc gia.
Dự thảo đặt mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên so với thời kỳ trước, hệ số hiệu quả sử dụng vốn giai đoạn 2021 - 2030 giảm xuống mức 4,9 so với khoảng 7,0 của thời kỳ 2011-2020.
Để có nguồn lực thực hiện quy hoạch, Bộ KH&ĐT dự kiến cơ cấu huy động vốn từ các khu vực: Nhà nước, tư nhân, và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong đó, vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước cần huy động hơn 10 triệu tỷ đồng, khoảng 20,0% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến khoảng hơn 33,0 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 66,0% tổng vốn đầu tư. Thu hút vốn FDI cần đạt hơn 7,0 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 270 tỷ USD, chiếm 14,0% tổng vốn đầu tư.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách và doanh nghiệp Nhà nước, dự thảo đề cập việc tăng cường nguồn thu cho ngân sách từ đấu giá, đấu thầu đất đô thị ở các đô thị lớn để đầu tư cho kết cấu hạ tầng đô thị. Cùng với đó, đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, thực hiện giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình.
Các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ quy hoạch được xây dựng căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; một số vùng động lực có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; các hành lang kinh tế trọng điểm; các đô thị động lực.
Các dự án dự kiến được nghiên cứu thành dự án trọng điểm quốc gia được chia làm 3 giai đoạn thực hiện: 2021 – 2025, 2026 – 2030, và sau 2030. Ở giai đoạn thứ nhất, chỉ có dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông (2021-2025), tổng số vốn đầu tư 262.783 tỷ đồng, trong đó nguồn từ đầu tư công là 258.196 tỷ đồng.
Các dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, và 2026 – 2030, gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3 TPHCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai 4 vùng TPHCM, đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Các dự án thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030, và sau 2030, gồm: Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh, cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đường sắt TPHCM – Cần Thơ, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (phương án 180 – 200 km/h). Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án có tổng số vốn đầu tư cao nhất, theo dự kiến là hơn 1,3 triệu tỷ đồng.
Duy nhất dự án cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên thời gian thực hiện vắt qua cả 3 giai đoạn.