Đến Đồng Nai trải nghiệm rừng tự nhiên

Tỉnh Đồng Nai có diện tích rừng tự nhiên lớn ở phía Nam. Rừng của Đồng Nai có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và là nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, mở ra nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh.

Du khách thưởng thức tiết mục đánh cồng chiêng bên lửa trại đêm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Minh Luận

Du khách thưởng thức tiết mục đánh cồng chiêng bên lửa trại đêm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Minh Luận

Đồng Nai được đánh giá là tỉnh bảo vệ rừng tự nhiên khá tốt. Việc này tạo thuận lợi để tỉnh bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái rừng. Trong thời đại 4.0 hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng, quảng bá tiềm năng du lịch đòi hỏi có những đổi thay khác trước. Nhiều công nghệ hiện đại đã và đang được ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quảng bá du lịch, phục vụ khách tham quan. Ghi nhận tại Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập.

Kiểm soát toàn diện, nhanh và chính xác

Với hơn 25 ngàn hécta rừng, VQG Bù Gia Mập sở hữu hệ sinh thái rừng đa dạng, lớn nhất khu vực phía Nam và là nơi lưu trữ, bảo tồn nhiều loài động, thực vật có nguồn gen quý hiếm. Hơn lúc nào hết, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy tài nguyên rừng luôn được đặt lên hàng đầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này ở VQG Bù Gia Mập đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Các thiết bị bay không người lái được trang bị cảm biến và hệ thống GPS cho phép thu thập dữ liệu liên tục về rừng, giúp phân tích và đưa ra các quyết định quản lý rừng hiệu quả. Đặc biệt, thông qua thiết bị bay không người lái giúp Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập có thể thu thập dữ liệu về độ cao, độ đa dạng của rừng, di chuyển tới những vị trí mà con người khó tiếp cận, từ đó xác định tình trạng rừng và phát hiện cháy rừng.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi lưu trữ, bảo tồn nhiều loài động, thực vật có nguồn gen quý hiếm. Ảnh: Minh Luận

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi lưu trữ, bảo tồn nhiều loài động, thực vật có nguồn gen quý hiếm. Ảnh: Minh Luận

Giám đốc VQG Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết, nhờ được trang bị các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, công tác quản lý, quảng bá, bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập ngày càng hiệu quả. Những cánh rừng luôn xanh, thảm thực vật rừng đa dạng. Không chỉ giúp giảm áp lực cho lực lượng kiểm lâm và cộng đồng nhận khoán, công nghệ còn giúp Ban Quản lý vườn quản lý hiệu quả toàn bộ diện tích rừng, nhất là khu vực giáp ranh, công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng và phát huy tiềm năng du lịch.

Hơn 400 mã QR đã được gắn vào cây rừng

Là cánh rừng nguyên sinh với sự đa dạng sinh học, nhiều kiểu địa hình, nơi có suối, thác và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, VQG Bù Gia Mập luôn là lựa chọn không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi đến với Đồng Nai. Theo chia sẻ của Ban Quản lý vườn, công nghệ đã góp phần đắc lực trong công tác quản lý và phát triển du lịch tại đây. Đến nay, hơn 400 mã QR đã được gắn vào các thân cây cổ thụ, các cây rừng trong khu hành chính dịch vụ của vườn. Từ đây, khách tham quan có thể tự do vui chơi, tìm hiểu về chủng loại, giá trị của từng cây rừng mà không cần cán bộ hướng dẫn hay thuyết minh viên.

Bên cạnh đó, với độ phân giải cao, bẫy ảnh kỹ thuật số đã và đang được cán bộ, nhân viên VQG Bù Gia Mập sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu bảo tồn và phát triển du lịch. Bẫy ảnh kỹ thuật số ghi lại sắc nét hoạt động của các loài động vật vào ban đêm hoặc với những loài nhạy cảm với sự xuất hiện của con người. Nhờ bẫy ảnh kỹ thuật số, cán bộ nghiên cứu đã ghi nhận được hình ảnh một số loài thú nguy cấp, quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phục vụ khách tham quan.

Soi thú đêm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Minh Luận

Soi thú đêm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Minh Luận

Ông Vương Đức Hòa cho biết thêm, với hơn 25 ngàn hécta rừng, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập luôn được đánh giá cao. Những cánh rừng nguyên sinh trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm, nơi nghiên cứu khoa học phục vụ công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học động, thực vật rừng.

Minh Luận

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202507/den-dong-nai-trai-nghiem-rung-tu-nhien-cfa1953/