Đến nơi gà 'đi bar', lợn nhẩn nha nghe nhạc
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Điện Biên để đưa ngành sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, sự cần cù chịu khó và mạnh dạn đổi mới của người dân, trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử này đang xuất hiện những mô hình trang trại quy mô lớn, có nhiều cách làm sáng tạo.
Một bản tình ca lãng mạn, lại thêm những tiếng lao xao. Bạn đừng nhầm với không gian của một quán cà phê nhé! Chúng tôi đang ở trong một trại gà của gia đình chị Lương Thị Toan, Công ty TNHH Huy Toan ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Âm thanh lao xao lẫn trong nhạc là tiếng của 15.000 "chị gà mái" đang lim dim mắt, thư thái nghe nhạc hoặc vừa nghe nhạc vừa đủng đỉnh ăn. Không gian chuồng thoáng mát, không có mùi hôi nhờ hệ thống thông gió, quạt gió hết sức hợp lý và khoa học.
Tại sao lại cho gà nghe nhạc và nó có tác dụng gì, chị Toan chia sẻ: "Xuất phát từ ý tưởng là trong chuồng gà rất kín, yên tĩnh, khi công nhân vào cho ăn, lấy trứng hay dọn chuồng gà hoảng sợ chạy xô khắp chuồng, con thì kẹp cánh, con kẹp đầu, trứng vỡ… thế nên nảy ra ý nghĩ cho gà nghe nhạc hàng ngày để quen dần tiếng động, không bị hoảng loạn".
Gà không stress nên khỏe hơn, ăn uống tốt hơn, thời gian đẻ cũng kéo dài nhiều ngày hơn. 15.000 con cho 12.000-13.000 quả mỗi ngày nên lợi nhuận cũng cao hơn. Nhưng không chỉ có vậy đâu ạ.
"Chất lượng trứng cũng thơm ngon hơn nên bán được giá. Chi phí một quả trứng là 1.700 đồng và bán ra tại chuồng là 3.000 đồng/quả trứng trắng và 2.300 đồng/quả trứng đỏ, thu về hơn 10 triệu mỗi ngày riêng tiền trứng" - chị Toan cho biết thêm.
Cách đó không xa, cũng trong khuôn viên trang trại của chị Toan là trại lợn thịt và lợn nái vài nghìn con. Con nào con nấy béo tốt, lông trơn mượt, da đỏ hồng, nằm thảnh thơi nghe nhạc. Nhạc có tác dụng làm chúng vui vẻ, thoải mái, không stress nên ăn nhiều hơn, lợn nái thì mắn đẻ, còn lợn thịt thì tăng cân nhanh, thịt chắc khỏe. Mỗi tháng trang trại chị xuất chuồng khoảng 1.000 con, thu về 5 tỷ đồng.
Trang trại Huy Toan rộng 10ha, ngoài chăn nuôi lợn gà, còn có mấy nghìn vịt, trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, ổi, táo... Toàn bộ quy trình khép kín theo mô hình hữu cơ và tuần hoàn. Phân gà, lợn thì ủ bón cho cây trồng, đàn vịt thì thả rông ăn cỏ dưới gốc cây ăn trái và bắt ốc sên, các loại sâu khác nên nhà chị không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tổng doanh thu mỗi tháng của trang trại trung bình 6 tỷ đồng, 20 công nhân. Hàng làm ra bán không kịp vì nhu cầu tiêu thụ lớn.
Theo chị Toan: "Tết này lượng lợn thịt cung ứng ra thị trường tăng gấp đôi, 2.000 con để đáp ứng nhu cầu và đang tiếp tục gia tăng thêm".
Buôn có bạn bán có phường. Trang trại chị không chỉ biết cách làm thương hiệu, mà còn liên kết với các đầu mối nông sản và các siêu thị ở cả miền ngược và dưới xuôi; rồi liên kết với ngân hàng để vay vốn, mở rộng sản xuất.
"Tôi vay ngân hàng 9 tỷ đồng, không có ngân hàng thì không thể mở rộng được như ngày hôm nay" - chị Toan bày tỏ.
Theo đại diện ngân hàng, trong chuyến kiểm tra hoạt động của các chi nhánh và tìm hiểu thực tế các mô hình sản xuất kinh doanh để có những chính sách hỗ trợ sát và tốt hơn cho ngành nông nghiệp, cũng sẵn sàng làm tư vấn viên khi chị Toan băn khoăn các phương thức vay. Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng, nhưng phải tính vòng đời sản phẩm là 3-6 tháng rồi lại quay vòng nên vay khoản ngắn hạn, lãi suất sẽ phù hợp, rẻ hơn. Vòng đời ngắn mà vay dài hạn thì em chịu lãi nhiều hơn, tiền vay nhàn rỗi nhiều hơn hiệu quả sẽ thấp đi.
Hiện mô hình trang trại hàng chục tỷ trên Điện Biên mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ. Các mô hình trang trại ở đây đang phát triển nhanh. Bởi địa phương có nhiều nông sản nổi tiếng như gạo Điện Biên, ngô nếp nương. Các trái cây khác như mít, bưởi da xanh du nhập về đây cho trái cũng rất ngon do hợp thổ nhưỡng, khí hậu.
Du khách đến với Điện Biên thăm những địa danh lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa ngày càng nhiều, rồi hạ tầng đường sá, cảng hàng không được đầu tư bài bản. Ngân hàng luôn đồng hành và là bà đỡ cho nông dân, chủ hợp tác xã và doanh nghiệp bứt phá. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng trên địa bàn là hơn 7.000 tỷ đồng.
Cánh đồng Mường Thanh nói riêng, Điện Biên Phủ nói chung cách đây 70 năm đã chứng kiến sự chiến đấu gian khổ và anh dũng của các thế hệ cha anh, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngày nay trên mặt trận kinh tế, người Điện Biên đang nỗ lực biến Mường Thanh thành cánh đồng mầu mỡ, trù phú, biến vùng đất Điện Biên thành vùng đất của sự phát triển và hội nhập.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/den-noi-ga-di-bar-lon-nhan-nha-nghe-nhac-post1072047.vov