Đền Ông Hoàng Bảy - Di tích linh thiêng nơi biên cương Tổ quốc
Ẩn mình dưới chân Đồi Cấm, bên dòng sông Hồng hiền hòa, Đền Ông Hoàng Bảy (hay còn gọi là Đền Bảo Hà) từ lâu đã trở thành một điểm đến linh thiêng trong đời sống tâm linh của người dân vùng Tây Bắc và du khách thập phương. Không chỉ là nơi thờ tự một vị anh hùng có công trấn giữ biên cương, đền còn là chứng nhân lịch sử, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng đất biên viễn.

Bàn thờ Ông Hoàng Bảy
Theo sử liệu dân gian, vào cuối thời Lê Trung hưng (1740 - 1786), vùng Quy Hóa - đặc biệt là Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn thường xuyên bị giặc quấy phá. Cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào cảnh điêu linh, đói khổ. Trước tình hình đó, triều đình nhà Lê đã cử viên tướng thứ bảy của họ Nguyễn - được nhân dân gọi là Hoàng Bảy lên trấn giữ vùng biên.
Với tài thao lược, ông không chỉ đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi Châu Văn Bản mà còn xây dựng căn cứ Bảo Hà vững chắc, góp phần ổn định đời sống nhân dân và củng cố tuyến phòng thủ biên giới. Trong một trận giao tranh ác liệt, ông đã anh dũng hy sinh. Thi thể trôi theo dòng sông Hồng và dạt vào bến Bảo Hà. Người dân địa phương lập miếu nhỏ thờ ông, ghi nhớ công ơn vị anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước.
Từ một am miếu nhỏ, nơi thờ phụng Ông Hoàng Bảy dần trở thành một ngôi đền khang trang, uy nghi giữa non nước hữu tình. Hình ảnh vị thần vệ quốc đã vượt khỏi không gian địa phương, lan tỏa trong đời sống tín ngưỡng nhân dân cả nước.
Với những giá trị đặc biệt cả về lịch sử và văn hóa, năm 1997, Đền Ông Hoàng Bảy đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây không chỉ là nơi người dân thể hiện lòng biết ơn đối với người anh hùng dân tộc, mà còn là điểm đến linh thiêng trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam.
Đền tọa lạc cách ga Bảo Hà khoảng 800m, bao quanh bởi cảnh sắc thiên nhiên hài hòa: lưng tựa núi, mặt hướng sông - thế đất được cho là "tụ linh tụ phúc". Kiến trúc của đền được xây dựng theo lối truyền thống, với các hạng mục như: cổng tam quan, sân đền, tòa đại bái, cung cấm, phủ Chúa Sơn Trang, cùng các cung thờ cộng đồng. Mỗi không gian thờ tự mang một câu chuyện riêng, gắn liền với những nhân vật được phụng thờ như Ông Hoàng Bảy, Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Tranh…

Cổng vào đền thờ Ông Hoàng Bảy
Khuôn viên đền rợp bóng cây xanh, tiểu cảnh “trên bến, dưới thuyền” tạo nên một không gian thanh tịnh, gần gũi thiên nhiên. Giữa nơi linh thiêng này, con người như được tách biệt khỏi những xô bồ thường nhật để tìm về sự an yên nội tại.
Với tín ngưỡng thờ Mẫu và hệ thống Tam phủ - Tứ phủ đặc sắc, Đền Ông Hoàng Bảy trở thành nơi cầu nguyện linh ứng cho công danh, tài lộc, sức khỏe và bình an. Người dân trong vùng thường truyền nhau câu nói: “Cầu tài Ông Bảy, cầu quan Ông Mười”, cho thấy đền không chỉ là nơi tưởng nhớ anh hùng dân tộc, mà còn là chốn tâm linh được tin tưởng rộng khắp.
Đặc biệt, những người làm ăn, kinh doanh, bất động sản thường đến dâng lễ cầu may, xin lộc đầu năm hoặc trong các dịp trọng lễ. Đền trở thành điểm tựa tinh thần của nhiều thế hệ, nhất là trong hành trình mưu cầu hanh thông, thành đạt.
Mỗi năm, vào các dịp quan trọng như: Lễ Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng). Lễ tiệc Quan Tuần Tranh (25/5 âm lịch). Giỗ Tướng Nguyễn Hoàng Bảy (27/7 âm lịch). Lễ tất niên (cuối năm). Lễ hội Đền Bảo Hà (15 - 17/7 âm lịch) … hàng vạn tín đồ và du khách lại nô nức hành hương về đền để tham dự các nghi lễ truyền thống, cầu an, cầu phúc.
Đặc biệt, Lễ hội Đền Bảo Hà được tổ chức quy mô lớn trong 3 ngày (15 - 17/7 âm lịch), đúng dịp giỗ Ông Hoàng Bảy, với các hoạt động trang trọng như: 15/7: Lễ cầu an, thả đèn hoa đăng, tế thần. Đêm 16/7: Chương trình nghệ thuật dân gian. Sáng 17/7: Lễ rước kiệu, lễ hội đường phố sôi động.
Lễ hội không chỉ là dịp tưởng niệm, tri ân tiền nhân mà còn là không gian giao lưu văn hóa - nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.

Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển đã tham gia chương trình Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Ông Hoàng Bảy, diễn ra vào năm 2024
Đền Ông Hoàng Bảy không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn là nơi quy tụ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng đậm đà bản sắc Việt. Về Bảo Hà, đứng giữa không gian linh thiêng, ai cũng cảm nhận được hơi thở của quá khứ vọng về - nhắc nhở chúng ta trân trọng những giá trị truyền thống, hun đúc tinh thần yêu nước và gìn giữ biên cương Tổ quốc.