Đến thiết bị y tế cũng 'không chuẩn'
Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi 190 số công bố thiết bị y tế vì... 'không phù hợp với định nghĩa thiết bị y tế'. Lý do thu hồi là do các sản phẩm công bố sai mục đích sử dụng, vi phạm quy trình quản lý, mục đích sử dụng không thỏa mãn tiêu chí của một thiết bị y tế...
V iệc Sở Y tế Hà Nội ra quyết định thu hồi các sản phẩm thiết bị y tế “không chuẩn” là điều hết sức đúng đắn, đáng được hoan nghênh. Song, việc người dân phải sử dụng các sản phẩm là “đồ rởm” trong thời gian dài thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện, xử lý vô số hàng giả, hàng kém chất lượng khiến người dân vô cùng phấn khởi. Song, có nằm mơ cũng không ai có thể nghĩ rằng, các thiết bị y tế chuyên để cứu người, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành lại có không ít “hàng rởm”. Nếu như sản phẩm hàng hóa thông thường là hàng giả thì người tiêu dùng chỉ mất tiền oan, có những thứ không nguy hại tới sức khỏe. Nhưng nếu sản phẩm là các thiết bị y tế “không chuẩn” thì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, mà rất có thể còn ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.
Trong danh sách thu hồi các công bố sản phẩm thiết bị y tế có đủ loại sản phẩm có thể trực tiếp gây hại tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng như: Cồn y tế, xịt mũi họng, xịt tai, máy đo đường huyết, bộ xét nghiệm HIV, xét nghiệm cúm, bộ dụng cụ bơm xi măng cột sống, bộ dụng cụ phẫu thuật, kim chọc cột sống các loại, hệ thống máy khoan đa năng... Nếu như xịt mũi, họng, tai là “hàng rởm” chỉ có thể gây kích ứng, thậm chí có hại từ từ cho sức khỏe người bệnh, thì bộ dụng cụ bơm xi măng cột sống, bộ dụng cụ phẫu thuật... là “đồ rởm” có thể sẽ khiến xảy ra những tai nạn y tế đáng tiếc, tước đi mạng sống bệnh nhân.
Đặc biệt, trong số những công bố sản phẩm bị thu hồi có cả bộ xét nghiệm HIV, xét nghiệm cúm... khiến nhiều người lo lắng bất an. Làm sao có thể yên tâm khi mà các công cụ dùng để chẩn đoán, phát hiện các loại bệnh chết người, có thể lây lan trên diện rộng thành đại dịch, lại không đảm bảo được thuộc tính vốn có của nó? Giả sử, chỉ là giả sử thôi, bộ xét nghiệm HIV, xét nghiệm cúm vừa bị thu hồi vốn không thể giúp ngành y tế xác định người bệnh có mắc các loại bệnh này hay không thì sẽ nguy hại cho xã hội biết nhường nào? Khi mà không thể phát hiện bệnh, làm sao để khống chế, kiểm soát?
Thuốc chữa bệnh và các thiết bị y tế là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, nhất là người bệnh. Vì thế, lẽ ra những sản phẩm này cần phải được quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, cấp phép lưu hành cho tới khi sử dụng chẩn trị và chữa bệnh. Song, có vẻ như thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã buông lỏng quản lý, chưa quan tâm đúng mức dẫn đến vấn nạn hàng nhái, giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Thậm chí có những sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sản xuất, lưu hành, để rồi sau đó lại thu hồi vì... “không chuẩn”.
Liên quan đến vấn đề này, có thể nói các cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi, ai dám đảm bảo trong số những thiết bị y tế bị thu hồi không có những sản phẩm sở dĩ được sản xuất, lưu hành là do có tiêu cực, “bôi trơn”? Thực tế đã có hiện tượng cơ quan quản lý nhà nước không ngần ngại thông đồng để hàng giả là thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế tuồn vào các bệnh viện, nhà thuốc!
Trở lại câu chuyện Sở Y tế Hà Nội ra quyết định thu hồi 190 công bố sản phẩm là thiết bị y tế “không phù hợp với định nghĩa thiết bị y tế”. Dư luận xã hội đòi hỏi các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ việc có hay không tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu hành các sản phẩm thiết bị y tế không đạt yêu cầu. Từ đó đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe, trấn áp những người đã, đang và sẽ có ý định cấu kết, thông đồng sản xuất, lưu thông thiết bị y tế “rởm” gây họa cho người bệnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/den-thiet-bi-y-te-cung-khong-chuan-10309518.html