Đền thờ Phạm Thượng Quận đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia
Sáng nay (29/3, tức ngày 22/2 năm Giáp Thìn), huyện An Dương (TP Hải Phòng) tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia Đền thờ Phạm Thượng Quận và kỷ niệm 310 năm ngày sinh của Tiến sĩ, Thượng thư Bộ binh Đại tướng quân Phạm Đình Trọng.
Đền Phạm Thượng Quận thờ Tiến sĩ, Thượng thư Bộ binh Đại tướng quân Phạm Đình Trọng, một danh thần nổi tiếng văn, võ toàn tài thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Ông là người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay là làng Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Ông đỗ Tiến sĩ, làm quan từ chức Cấp sự trung, trải thăng đến chức Bồi tụng, Thượng thư Bộ Binh, hàm Thái tử Thái bảo, tước Hải Quận Công...; là người có công dẹp phỉ Tầu Ô Quan Lan, được cử làm Đốc trấn Nghệ An, một trấn hiểm yếu của quốc gia. Sau khi Phạm Đình Trọng mất, triều đình sắc phong ông làm Phúc thần làng Khinh Dao.
Đền thờ Phạm Thượng Quận nằm trên gò đất cao tại làng Khinh Dao. Trải qua thăng trầm của lịch sử, thời gian, ngôi đền đã được tu bổ, tôn tạo, xây dựng lại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống và có giá trị mỹ thuật cao. Ngày 29/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4244 về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với di tích lịch sử Đền thờ Phạm Thượng Quận, xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định: Đền thờ Phạm Thượng Quận được công nhận là di tích lịch sử quốc gia không chỉ là sự tôn vinh danh nhân mà còn là sự ghi nhận những đóng góp của các thế hệ trong việc gìn giữ, phục dựng di tích, là kết quả của sự kế thừa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Ông Lê Khắc Nam yêu cầu huyện An Dương tiếp tục quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, giữ gìn hệ thống sắc phong, di sản quý giá của quê hương.
Ông Nam nói: "Tôi đề nghị các cấp, các ngành và huyện An Dương tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị lịch sử của di tích Đền thờ Phạm Thượng Quận bằng nhiều hình thức phong phú; lồng ghép với các hoạt động học tập, ngoại khóa nhằm giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh. Cùng với đó, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch".
Đến thời điểm này, TP Hải Phòng có hơn 960 di tích; trong đó gần 560 di tích đã được xếp hạng các cấp, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 120 di tích quốc gia cùng 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 21 bảo vật quốc gia.