Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (đền quan Trạng, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị Trạng nguyên triều Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tọa lạc giữa không gian rộng lớn. Đền bao gồm các hạng mục: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ Thân phụ, Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm; am Bạch Vân; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định; quảng trường, tượng đài… Hiện Đền còn lưu giữ một số cổ vật, có giá trị, niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX như: bản chúc, bát bửu, long ngai, bài vị, câu đối, Bia đá “Từ vũ bi kí...” thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736), nội dung bia nhắc đến việc dựng lại đền Nguyễn Bỉnh Khiêm vào năm 1736...

Khuôn viên trước và sau đền

Khuôn viên trước và sau đền

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1491 âm lịch ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Phủ Hạ Hồng, thị trấn Hải Dương nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê Sơ, ông không chỉ nổi danh nhờ tài học sâu rộng có tầm nhìn chiến lược và là một nhà văn hóa lớn của dân tộc mà còn được người đời tôn kính vì những lời sấm truyền tiên tri vô cùng chính xác.

Tương truyền ông là người đưa các lời khuyên giúp nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê thoát khỏi khó khăn, vận hạn…

Theo một số nguồn tư liệu, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng sau khi ông mất và hoàn thành vào cuối năm 1586… Vào năm 1928, đền tiếp tục được trùng tu, với kiến trúc chữ “đinh”, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Năm 1991, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, di tích được tu bổ, phục hồi, mở rộng, dựng tượng đài, lập quảng trường, xây hồ bán nguyệt, với quy mô và cảnh quan như hiện nay.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ 16. Trong lĩnh vực giáo dục, ông được coi là bậc Quốc sư, bậc phu tử, người đã đào tạo ra nhiều bậc kỳ tài cho dân tộc, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Nguyễn Dữ… Trong lĩnh vực văn học, ông đã để lại cho đời sau một di sản đồ sộ với hàng ngàn bài thơ chữ Nôm, chữ Hán.

Lễ hội đền Trạng Trình

Lễ hội đền Trạng Trình

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn ẩn chứa giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, thể hiện vai trò quan trọng trong tâm thức, đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Lễ hội đền Trạng được tổ chức từ ngày 27 - 29 tháng 11 âm lịch hàng năm, với những nghi thức như Lễ mộc dục, rước văn, cáo yết và nhiều chương trình văn hóa văn nghệ của các địa phương (đấu vật, cờ tướng, múa tứ linh, đua thuyền, pháo đất, đu sòng/đu tiên, múa rối cạn, rối nước)…

Hàng năm, nhân dịp khai giảng năm học mới, thành phố Hải Phòng còn tổ chức Lễ biểu dương học sinh - sinh viên tiêu biểu xuất sắc ngay tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là nét văn hóa, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, giáo dục về tấm gương sáng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tạo động lực cho thế hệ trẻ phấn đấu trên bước đường học tập và lập nghiệp.

Am Bạch Vân

Am Bạch Vân

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 ).

Trước đó, tháng 7/2023, TP Hải Phòng đã quyết định thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất của ông (1585-2035).

Diệu Linh/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/den-tho-trang-trinh-nguyen-binh-khiem-post1148026.vov