Đến Việt Nam, cựu Thủ tướng Ehud Barak hé lộ vì sao Israel có nhiều kỳ lân công nghệ

Theo cựu Thủ tướng Ehud Barak, nền văn hóa khuyến khích sáng tạo, không coi thất bại là vết nhơ chính là động lực giúp Israel hình thành nên rất nhiều công ty kỳ lân công nghệ.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, cựu Thủ tướng Israel – Ehud Barak mới đây đã có buổi talkshow tại Nhà hát lớn (Hà Nội). Tại đây, ông đã chia sẻ những lý do khiến Israel trở thành một quốc gia sáng tạo cùng những bài học mà Việt Nam có thể áp dụng để phát triển đất nước.

Quốc gia có ngành công nghệ chiếm 50% giá trị xuất khẩu

Theo cựu Thủ tướng Ehud Barak, Israel không bằng Việt Nam về cả dân số và diện tích lãnh thổ. Một nửa diện tích Israel là sa mạc, còn biển là biển chết – nơi cá cũng không thể sống được. Israel cũng thiếu nước sinh hoạt, một nửa số nước sử dụng hàng ngày tại Israel được tách ra từ nước biển.

Giống như Việt Nam, Israel đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Mới đây nhất, hàng loạt các quả tên lửa đã bắn vào Israel, tuy nhiên không có một ai thương vong cả nhờ hệ thống bắn chặn tên lửa Vòm sắt”, ông Ehud Barak nói.

Sau 75 năm lập quốc, dân số Israel đã tăng 14 lần và GDP tăng 70 lần. Israel giờ đây được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp với số lượng công ty xuất hiện trên sàn chứng khoán NYSE, NASDAQ chỉ đứng sau Mỹ và Canada

Cựu Thủ tướng Israel - Ehud Barak trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đạt)

Cựu Thủ tướng Israel - Ehud Barak trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đạt)

Năm 2021, Mỹ có 45 công ty kỳ lân công nghệ, Trung Quốc có 25 công ty startup unicorn. Cùng trong khoảng thời gian đó, Israel – một quốc gia nhỏ hơn Mỹ và Trung Quốc nhiều lần nhưng đã đóng góp tới 17 kỳ lân công nghệ.

Theo cựu Thủ tướng Ehud Barak, để có được thành công này, chính phủ Israel đã tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, đồng thời đổ rất nhiều tiền một cách có trọng điểm nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, mở đường cho các công ty công nghệ phát triển.

Hiện Israel tập trung phát triển 4 lĩnh vực chính gồm năng lượng tái tạo và xử lý nước. Tiếp đến là khoa học đời sống, trong đó có y tế, công nghệ sinh học và nông nghiệp, công nghệ thủy canh. Thứ 3 lĩnh vực là trí tuệ nhân tạo, học máy và các công nghệ liên quan. Cuối cùng là công nghệ không gian. Ngành công nghệ cao hiện đóng góp 50% tổng giá trị xuất khẩu của Israel

Đế chế công nghệ tỷ USD xây dựng bằng văn hóa dám thất bại

Lý giải cho sự thành công của Israel, cựu Thủ tướng Ehud Barak cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là nước này có nền văn hóa khuyến khích sự sáng tạo từ rất sớm. Đó là một nền văn hóa không coi thất bại là vết nhơ.

“Nếu không thử làm sao biết đúng hay sai? Làm sao biết con đường đó có đi tới thành công hay không? Thất bại sẽ mang tới kinh nghiệm để từ đó có được thành công trong tương lai”, cựu Thủ tướng Ehud Barak nói.

Chia sẻ thêm về văn hóa này, cựu Thủ tướng Ehud Barak cho biết, ở Israel, cấp dưới luôn được khuyến khích đưa ra câu hỏi trong quá trình lên kế hoạch bởi họ là người trực tiếp làm và có nhiều vấn đề còn rõ hơn lãnh đạo.

Ông Ehud Barak cho rằng văn hóa sáng tạo, dám thất bại đã làm nên thành công của người Israel. (Ảnh: Trọng Đạt)

Ông Ehud Barak cho rằng văn hóa sáng tạo, dám thất bại đã làm nên thành công của người Israel. (Ảnh: Trọng Đạt)

Theo cựu Thủ tướng Ehud Barak, sau khi thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người cả cuộc đời đã đấu tranh cho công cuộc chống ngoại xâm của Việt Nam dù chưa từng học qua một trường lớp quân sự nào, ông tin rằng người Việt Nam cũng có thể có được những thành công tương tự.

Nói về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, theo cựu Thủ tướng Israel, đây là cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano và công nghệ số.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi thế giới. Ngày xưa, đất nước nào có diện tích lớn, nhiều tài nguyên thiên nhiên sẽ trở thành nước phát triển. Còn với ngày nay, điều quan trọng nhất là nguồn lực chất xám.

Trong cuộc cách mạng này, thế hệ trẻ sẽ là những người mở màn cho một thời đại phát triển mới. Đây không phải là quá trình mà riêng một ai đó có thể làm được. Thay vào đó, cần có sự lãnh đạo từ cấp cao nhất để đưa ra tầm nhìn và biến tầm nhìn đó trở thành sự thực.

Theo cựu Thủ tướng Ehud Barak, sau khoảng 2 tuần ở Việt Nam và ngắm nhìn đường phố, ông cảm nhận được sự hiện diện của một nguồn năng lượng rất lớn.

"Nếu có sự lãnh đạo đúng đắn, sau từ một đến hai thập kỷ nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trong hàng ngũ các quốc gia phát triển trên thế giới. Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel để biến mục tiêu đó thành hiện thực", ông Ehud Barak nói.

Trọng Đạt

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuu-thu-tuong-ehud-barak-he-lo-vi-sao-israel-co-nhieu-ky-lan-cong-nghe-2050236.html