Đến với bài thơ hay: Lắng nghe hơi ấm tỏa lan
Đối với cuộc đời mỗi con người, giàu sang hay nghèo khó, thành công hay thất bại đều bắt đầu từ đôi tay của họ.
Thế nên, cha ông ta mới có câu rằng: Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay.
Lại Thanh Hà
Gửi bàn tay thương mến
Này một bàn tay nhỏ
Lại thêm một bàn tay
Mình gọi là đôi tay
Thương là thương biết mấy
Nào cầm lược chải tóc
Nào vẽ những bông hoa
Nào viết thư cho ba
Nào xây lâu đài cát
Bàn tay không biết hát
Nhưng bàn tay biết vui
Những khi ai đó cười
Hai bàn tay vỗ vỗ
Bàn tay thì không khóc
Chỉ lau nước mắt buồn
Nếu bàn tay cô đơn
Cần thêm đôi tay khác
Và bên nhau một lát
Và thêm một cái ôm
Và để chắc chắn hơn
Mình ôm thêm một chút
Đôi bàn tay nhỏ bé
Đôi bàn tay hồng hồng
Biết buồn biết nhớ nhung
Thương là thương biết mấy.
Này một bàn tay nhỏ
Lại thêm một bàn tay
Mình gọi là đôi tay
Thương là thương biết mấy
Nào cầm lược chải tóc
Nào vẽ những bông hoa
Nào viết thư cho ba
Nào xây lâu đài cát
Bàn tay không biết hát
Nhưng bàn tay biết vui
Những khi ai đó cười
Hai bàn tay vỗ vỗ
Bàn tay thì không khóc
Chỉ lau nước mắt buồn
Nếu bàn tay cô đơn
Cần thêm đôi tay khác
Và bên nhau một lát
Và thêm một cái ôm
Và để chắc chắn hơn
Mình ôm thêm một chút
Đôi bàn tay nhỏ bé
Đôi bàn tay hồng hồng
Biết buồn biết nhớ nhung
Thương là thương biết mấy.
Và xã hội càng tiến bộ thì đôi tay càng trở nên quan trọng. Bởi nó không chỉ thực hiện hành vi lao động mà còn là phương tiện để gắn kết tình cảm, gặp gỡ giao lưu giữa những con người trong cuộc sống, trong công việc, trong quan hệ giao thương và lớn lao hơn là sự kết nối giữa những tổ chức, vùng miền hay quốc gia, dân tộc.
Tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm thơ văn viết về đôi tay với nhiều góc nhìn, nhiều cảm xúc khác nhau nhưng khi bắt gặp bài thơ “Gửi bàn tay thương mến” của tác giả Lại Thanh Hà dành cho thiếu nhi, bất chợt lòng dâng lên nỗi niềm khó tả.
Bài thơ không dài, không cầu kì về ngôn ngữ và nghệ thuật; không mô tả, không ngợi ca vẻ đẹp hay sự tài hoa, nhanh nhẹn, khéo léo của đôi tay mà chọn lối diễn đạt rất riêng, nhẹ nhàng, tự nhiên, thổi vào đó những thông điệp yêu thương không gì so sánh được.
Tác giả tạo ra ấn tượng cho bài thơ ngay khi đặt tựa đề bằng phép tu từ ẩn dụ. Gửi bàn tay thương mến chính là gửi cho tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ, non nớt bao điều tốt đẹp mà trái tim người viết hằng khát khao, ấp ủ. Chỉ động từ “gửi” thôi cũng đủ cho người đọc nhận ra nỗi niềm và tình yêu thương ấy to lớn biết nhường nào.
“Này một bàn tay nhỏ
Lại thêm một bàn tay
Mình gọi là đôi tay
Thương là thương biết mấy”
Khổ thơ đọc lên vẻ như chẳng có thông tin gì đặc biệt, thế nhưng chỉ một vài từ nối nhân xưng “như, này, lại và mình” mà nó trở nên mềm mại và cuốn hút.
Đặc biệt câu cuối “thương là thương biết mấy” thì chắc hẳn ai cũng chùng lòng xuống mà ngẫm ngợi, mà ngắm nghía đôi tay của mình. Nó làm được những gì mà tình thương trái tim dành cho nó không có con số cụ thể nào đếm đong được thế.
Và phép liệt kê ngay lập tức được vận dụng để nối tiếp mạch thơ theo cảm xúc và tư duy độc giả. Đôi tay làm vô số việc thực trên đời thì làm sao kể hết nhưng tác giả đã khái quát rất gọn ghẽ trong bốn câu thơ năm chữ mà toát lên đầy đủ những giá trị thiêng liêng mà đôi tay mang lại.
Đó là cầm lược chải tóc nghĩa là tự sửa soạn, chăm sóc cho bản thân, đó là vẽ những bông hoa nghĩa là làm đẹp cho đời, đó là viết thư cho ba nghĩa là biết sẻ chia, quan tâm và yêu thương người khác và xây lâu đài cát nghĩa là biết dệt, biết xây ước mơ tươi đẹp cho tương lai của cuộc đời mình mà vươn lên, cố gắng.
Đôi tay kì diệu thế thì làm sao các em không quý, không thương và càng không quên những câu thơ nhỏ mà đáng yêu, sâu sắc in trong tâm trí phải không nào.
Cảm xúc thăng hoa khi ngòi bút nâng tầm giá trị đôi tay lên một cấp độ đặc biệt. Đó là sự tinh tế trong thể hiện cảm xúc của mình.
Dù không biết hát, không biết nói lời tốt đẹp để ngợi khen người khác nhưng biết vỗ vào nhau như tiếng pháo rắn để động viên, cổ vũ cho niềm vui, cho tinh thần của họ, dù không có nước mắt rơi trước nỗi đau người đối diện nhưng biết cảm nhận và thể hiện nỗi buồn, biết sẻ chia với họ bằng hành vi nắm lấy đôi tay kia mà động viên, an ủi.
Đây mới là sự chân thành lớn nhất trong tình cảm giữa người với người. Lời nói có thể dối gian nhưng việc làm thì không thể. Người tinh tế và sâu sắc họ dễ dàng nhận ra tính cách, sự thành thật của người trước mặt qua cách nắm tay, hơi ấm bàn tay. Tác giả đã ngầm khẳng định điều ấy thêm một lần nữa cho ta hiểu rằng: “Và để chắc chắn hơn/ Mình ôm thêm một chút”. Nghĩa là hãy để đôi tay thay lời ta muốn nói và lắng nghe hơi ấm tỏa lan trên bàn tay ta đang nắm để yêu thương thêm gắn bó, ngọt ngào.
Khép lại bài thơ lại là dòng trạng thái cảm xúc, tình cảm như ban đầu. “Thương là thương biết mấy”. Phải rồi, đôi tay làm nên cuộc đời tốt đẹp cho chính chúng ta, cho người khác, cho sự đoàn kết, sẻ chia để xã hội càng văn minh, tiến bộ thì làm sao ta không thương cho được. Cũng như bản thân mỗi người vậy đó, nếu ai sống tốt, sống có ích, có nghĩa, có nhân thì sẽ được thương yêu và quý trọng.
Thông điệp nhân văn được gửi gắm qua từng câu chữ thật nhẹ nhàng, sâu lắng, thật giản dị mà xúc động, thể hiện sự tinh tế trong quan sát và lắng nghe chạm vào trái tim người đọc. Đó là sự thành công cho một tác phẩm thơ mà ngòi bút tài hoa Lại Thanh Hà chạm tới, cũng là khát khao mơ ước của bao người yêu mến văn chương.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-lang-nghe-hoi-am-toa-lan-post709789.html