Đến với bài thơ hay: Sẽ chẳng còn nữa tiếng ru?

Chẳng còn nữa tiếng võng đưa kẽo kẹt. Chẳng còn nữa những tiếng ru à… ơi… trong các gia đình có trẻ thơ.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Nguyễn Khoát

Tiếng ru một thuở...

“À… ơi…” lời tự ngàn đời

Bao nhiêu cái ngủ mỉm cười trong mơ

“À… ơi…” nguội nắng lặng mưa

Tan giông tạnh bão tràn bờ yêu thương

“À… ơi…” lời tự suối nguồn

Nghìn con sông hóa đại dương mặn mòi

“À… ơi…” lời tự ngàn đời

Bao người góc bể chân trời tìm nhau

“À… ơi…” nắng dãi mưa dầu

Vọng phu đá tạc nên câu nghĩa tình

“À… ơi…” một kiếp nhân sinh

Ru con mình lại ru mình, ru ta

“À… ơi…” xanh lá thắm hoa

Bãi Nhân Bờ Nghĩa phù sa đắp bồi

“À… ơi…” lời ấy đâu rồi

Võng thôi kẽo kẹt nhạc sôi xập xình?

Bao nhiêu cái thức qua đình

Bao nhiêu nón đội vô tình dửng dưng?

Bao nhiêu cái thức qua sông

“À… ơi…” quên lối mà không đắm đò?

Giong buồm về với ngày xưa

Ta đi tìm lại ấu thơ một thời…

“À… ơi…” lời tự ngàn đời

Ai thao thức giữa “À… ơi…” đôi bờ.

Thế hệ 5X trở về trước, có ai không lớn lên từ những lời ru của bà, của mẹ. Mỗi khi hát ru, bao giờ cũng mở đầu bằng hai tiếng rất đỗi ngọt ngào “À ơi…”?

Những kỷ niệm trong ngần trong ký ức ấy đã khơi nguồn để nhà giáo Nguyễn Khoát sáng tác nên bài thơ “Tiếng ru một thuở” được nhiều người yêu thích.

Thi phẩm là nỗi nhớ thương và hoài niệm da diết những kỷ niệm tuổi thơ qua lời ru xưa nay chỉ còn “vang bóng”.

Lời ru của mẹ, của bà chính là tiếng lòng gửi gắm bao mong ước để đứa trẻ hay ăn, mau lớn, sống yên ấm giữa cuộc đời. Nhiều em bé nhờ hát ru mà ngủ ngon lành với những giấc mơ đẹp với “miệng cười trong mơ” thật đáng yêu biết bao.

Với tình yêu tha thiết, nghe được hát ru, tác giả có cảm tưởng vũ trụ dù đang giận dữ bỗng trở nên thanh bình:

“À… ơi…” nguội nắng lặng mưa

Tan giông tạnh bão tràn bờ yêu thương”.

Nghệ thuật nhân hóa khiến trời đất cũng như có hồn, cũng biết lắng nghe câu hát ru mà trở nên hiền hòa.

Người hát ru có thể vô tình hay có ý thức, bao giờ cũng bộc bạch tình cảm qua lời hát, giúp đứa trẻ cảm nhận được tình yêu thương và đạo lý làm người. Sống trong tình yêu thương và đạo nghĩa thủy chung qua những lời ru nên “bao người góc bể chân trời”, vì sinh kế hay bất cứ lý do gì, sống xa xôi đến mấy vẫn gắn bó yêu thương “tìm nhau”, cho dù cuộc sống đầy thử thách “nắng dãi mưa dầu” đến đâu chăng nữa.

Lời hát ru con hay ru cháu nào cũng đều mang ý nghĩa giáo dục và nhắn nhủ, có khi là tự mình nói với lòng mình:

“À… ơi…” một kiếp nhân sinh

Ru con mình lại ru mình, ru ta

“À… ơi…” xanh lá thắm hoa

Bãi Nhân Bờ Nghĩa phù sa đắp bồi”.

Ở đây, hình ảnh “Bãi Nhân Bờ Nghĩa” được tác giả viết hoa có dụng ý. Lời hát ru nào cũng gửi gắm trong đó bao mong ước tốt lành. Mỗi câu, mỗi bài như tích tụ từng lớp phù sa bồi đắp nhân cách, khuyên con người sống theo nhân nghĩa, đạo lý ở đời, nghĩa là biết yêu thương con người, biết ứng xử sao cho hợp với tình người và phong tục, tập quán của ông cha. Một khi ai đó cất lên tiếng hát ru cũng tức là bản thân người đó đã một phần tự thanh lọc tâm hồn mình.

Nghệ thuật trong bài được sử dụng đa dạng. Tác giả khéo dùng nhiều từ láy - điệp ngữ “À… ơi…” tới hơn mười lần, cùng với phép điệp cú pháp và sử dụng thể thơ lục bát nhuần nhị đã tạo nên nhạc điệu êm đềm rất hợp khi viết về hát ru.

Song hành với biện pháp tu từ nhân hóa, cách sử dụng nhiều ẩn dụ kép có ý nghĩa biểu tượng khiến cho ngôn ngữ thơ hàm súc: mưa/ nắng, giông/ bão, sông/ đại dương, góc bể/ chân trời… Đây cũng là những hình ảnh, chất liệu rất quen thuộc trong thơ ca dân gian, tạo nên không gian nghệ thuật vừa gần gũi vừa mới lạ rất thú vị.

Nghệ thuật tiểu đối trong thơ: “nguội nắng/ lặng mưa, tan giông/ tạnh bão” cùng với lối ngắt nhịp lẻ: “Nghìn con sông/ hóa đại dương mặn mòi” cũng là sáng tạo của tác giả. Nhờ đó bài thơ tạo được ấn tượng và dễ neo đậu trong lòng người đọc.

Từ quá khứ, tác giả liên hệ tới hiện tại. Phần cuối bài thơ nói về cuộc sống hối hả của thời công nghệ kỹ thuật số hôm nay. Chẳng còn nữa tiếng võng đưa kẽo kẹt. Chẳng còn nữa những tiếng ru à… ơi… trong các gia đình có trẻ thơ. Hậu quả của nó là lối sống thiếu vắng tình người “Bao nhiêu nón đội vô tình dửng dưng?”.

Tác giả thao thức nuối tiếc quá khứ, cho rằng con người thời nay chai lì, vô cảm có lẽ một phần là do thiếu tiếng hát ru.

Vì vậy, bài thơ là lời cảnh báo nhưng cũng là lời nhắn nhủ: Hãy đừng để cuộc sống của chúng ta thiếu vắng tiếng hát ru, hãy đừng để tâm hồn trẻ thơ bị khô cằn vì, nói theo nhà thơ Nguyễn Duy: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”.

Nguyễn Thị Thiện (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-se-chang-con-nua-tieng-ru-post694220.html