'Đèn xanh' cho việc mở rộng đoạn cao tốc An Phú - vành đai 2, TP. HCM
Đây là đoạn đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 4 km đang được UBND TP.HCM đề xuất nâng cấp, mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe.
Bộ GTVT vừa có công văn số 8218/BGTVT - KHĐT gửi Sở GTVT TP.HCM để tham gia ý kiến về Đề xuất chủ trương đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2.
Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết, Dự án xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,45%/năm1).
Theo tính toán của Tư vấn, phạm vi cao tốc từ TP. HCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26 km đã khai thác vượt quá 25% so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025 sẽ tiếp tục tăng áp lực lên đoạn tuyến cao tốc này.
Do vậy, Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc từ TP. HCM đến Long Thành bao gồm đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 là rất cần thiết và cấp bách.
Theo đề xuất của Sở GTVT TP. HCM, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 sẽ được mở rộng 2 bên, mỗi bên 4,75m, đảm bảo quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36 m, khổ cầu tương ứng với khổ đường. Tổng mức đầu tư Dự án là 1.105,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 0 đồng; chi phí xây dựng là 874 tỷ đồng; chi phí quản lý Dự án, tư vấn, chi phí khác là 87,4 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 144,2 tỷ đồng. Sở GTVT TP.HCM dự kiến phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư trong quý III/2023; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý IV/2023; lựa chọn nhà thầu thi công trong quý II/2024; tổ chức triển khai xây dựng từ quý III/2024 đến quý IV/2025.
Liên quan đến sự phù hợp quy hoạch, Bộ GTVT cho rằng, đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 dài khoảng 4 km (km0+00 - Km4+00) thuộc Dự án xây dựng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 đã được VEC bàn giao cho Sở GTVT TP. HCM quản lý, khai thác từ năm 2017.
Tại Hồ sơ đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2, Sở GTVT TP. HCM đề xuất đầu tư mở rộng từ quy mô 4 làn xe lên quy mô 8 làn xe là phù hợp với Quy hoạch phát triển GTVT TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013, đồng thời quy mô đầu tư mở rộng phù hợp với Quyết định số 344/QĐ- BGTVT ngày 13/02/2007 của Bộ GTVT phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển GTVT TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn Nha Trang - TP. HCM khổ 1.435mm và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành khổ 1.435mm được quy hoạch đi song song về phía bên phải của cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo hồ sơ đề xuất, đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 đã được GPMB và đang được địa phương quản lý theo lộ giới bề rộng 116m, trong đó đã cơ cấu đủ cho đường bộ cao tốc (quy mô 8 làn xe bề rộng 36m), 2 tuyến đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP. HCM và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành (bề rộng dải đất dành cho đường sắt rộng 40m) và đường đô thị song hành hai bên (mỗi bên rộng 20m).
Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 2 dự án đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP. HCM và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT TP. HCM quan tâm, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Ban QLDA Đường sắt trong quá trình tham gia ý kiến về hồ sơ các dự án.
Liên quan đến phạm vi, quy mô đầu tư Dự án mở rộng, tại Hồ sơ đề xuất phạm vi nghiên cứu đầu tư mở rộng có điểm đầu tại lý trình Km0+800 (điểm kết thúc dự án nút giao An Phú) và điểm cuối tại Km4+000 (theo lý trình bàn giao cho TP. HCM quản lý khai thác).
Theo Bộ GTVT, hiện nay, nút giao An Phú đang được UBND TP. HCM triển khai đầu tư xây dựng; đồng thời đoạn cao tốc từ Vành đai 2 đến Long Thành đang được Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC nghiên cứu đầu tư mở rộng.
Trong bước triển khai tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư dự án mở rộng lấy ý kiến thỏa thuận thống nhất về phạm vi đầu tư với chủ đầu tư các dự án có liên quan đảm bảo khớp nối đồng bộ giữa các dự án. Bộ GTVT cho rằng, quy mô đầu tư mở rộng theo Hồ sơ đề xuất đối với phần đường (mở rộng mỗi bên thêm 4,75m để đạt quy mô 8 làn xe bề rộng nền đường 36m) và phần cầu (mở rộng mỗi bên thêm 5,25m để đạt quy mô 8 làn xe) là phù hợp với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh tại Quyết định 344/QĐ-BGTVT ngày 13/2/2007 của Bộ GTVT phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Do Dự án mở rộng đã được Tư vấn nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT và hình thức đầu tư công nên nội dung đề xuất kiến nghị đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công sử dụng vốn ngân sách thành phố phù hợp với danh mục dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021-2025 được UBND TP. HCM chấp thuận tại văn bản số 2416/UBND-DA ngày 6/6/2023.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, trong đó cho phép Thành phố được áp dụng loại Hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với đường phố chính đô thị, đường trên cao và loại Hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước.
“Do đó đề nghị Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu việc áp dụng các chính sách đặc thù nêu trên đối với Dự án để đa dạng hình thức đầu tư, trình cấp thẩm quyền xem xét, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với nguồn lực của địa phương và hài hòa lợi ích của người dân trong khu vực”, Bộ GTVT khuyến nghị.