Dẹp loạn công ty ma, dự án ảo
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày tinh vi, xảo quyệt, như: sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản hoặc tạo ra những công ty ma, dự án ảo đánh vào tâm lý hám lợi, sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân để lừa đảo với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương.
Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời gian qua, cơ quan chức năng xác định tội phạm này có xu hướng tăng về số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt hơn, trong đó nổi lên là việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội. Ngoài việc giả danh cán bộ cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số đối tượng còn tạo ra các đường link chứa mã độc, khi người dân truy cập vào sẽ bị hack tài khoản, sau đó các đối tượng sẽ giả mạo họ để lừa đảo tài sản của bạn bè, người thân của họ.
Liên quan thủ đoạn này, tháng 12/2023, Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện qua mạng internet. Theo đó, 5 đối tượng: Nguyễn Hồng Hận (sinh năm 1999), Nguyễn Khánh Duy (sinh năm 1995), cùng ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu); Huỳnh Thanh Toàn (sinh năm 1997), Trần Thị Kiều (sinh năm 1970, cùng ngụ phường 1, TP Bạc Liêu) và Lê Huyền Trân (sinh năm 2004, ngụ xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã cắt ghép thông tin, hình ảnh các hoàn cảnh khó khăn rồi đăng lên các hội, nhóm thiện nguyện trên Facebook để kêu gọi hỗ trợ, qua đó chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng của hàng trăm người dân trên cả nước.
Trước đó, cuối tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Tân (sinh năm 1991, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, đầu tư, xây dựng Linh Yến Phi, địa chỉ khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, năm 2022, Tân thành lập nhiều chi nhánh công ty nhưng thực tế không hoạt động. Sau đó lợi dụng tư cách pháp nhân của Công ty Linh Yến Phi, đưa ra thông tin gian dối như: đầu tư dự án, đóng thuế dự án, vay đáo hạn ngân hàng, trả phiếu thu mua tôm... để nhiều người đầu tư tiền vào Công ty Linh Yến Phi rồi chiếm đoạt với hơn 25 tỉ đồng. Không chỉ kêu gọi đầu tư vào các dự án ảo, các đối tượng thậm chí còn tinh vi hơn khi tự tạo cho mình vỏ bọc giám đốc của những “công ty ma” để lừa người dân sập bẫy.
Điển hình, ngày 18/11/2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố Phạm Thị Tím (sinh năm 1982, ngụ Ấp 12, xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để có tiền tiêu xài, Tím đưa ra thông tin bản thân là chủ sở hữu một Công ty thủy sản, kêu gọi người dân đầu tư tiền vào công ty bằng hình thức mua cổ phần để được hưởng lợi nhuận từ 3-5%/ tháng (cao hơn lãi suất gửi ngân hàng) nên có nhiều bị hại đầu tư tiền vào công ty và bị Tím chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua điều tra, công ty này là một công ty ma, hoàn toàn không có thật.
“Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời gian qua, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kịp thời điều tra, làm rõ các vụ án, thu hồi tài sản cho người dân”, Thượng tá Trần Văn Đức, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế và Môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ. Tính riêng 10 tháng của năm 2024, Công an các cấp trong tỉnh Bạc Liêu đã điều tra, làm rõ 33 vụ, 29 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều vụ án, nhiều bị can bị truy tố, đưa ra xét xử, bảo đảm tính răn đe chung cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo. Qua đó, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 980 cuộc, với 103.515 lượt người tham dự; tuyên truyền bằng loa lưu động và trên không gian mạng được 23.916 cuộc; phát 96.794 tờ rơi tuyên truyền tại địa bàn dân cư; góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức đấu tranh, tố giác của quần chúng nhân dân trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo một chuyên gia kinh tế, để bịt lỗ hổng thành lập công ty ma, công tác hậu kiểm của các cơ quan liên quan như đăng ký kinh doanh, thuế… cần được tiến hành thường xuyên hơn. Ngoài cơ quan thuế, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị có trách nhiệm của cơ quan khác như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quản lý thị trường, Công an, chính quyền địa phương… trong công tác hậu kiểm sau cấp phép, doanh nghiệp có tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không. Khi thành lập doanh nghiệp, cần có quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp. Có quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật. Đồng thời quy định rõ thời gian tối thiểu mỗi lần thành lập doanh nghiệp do một người đứng tên để tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan như hiện nay.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt đừng vì hám lợi trước mắt mà nhẹ dạ cả tin, trở thành con mồi của bọn lừa đảo.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/dep-loan-cong-ty-ma-du-an-ao-i751906/