Dẹp 'loạn' thị trường cây giống: Muộn còn hơn không
Trong khi các hoạt động kiểm tra, xử lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn được thực hiện thường xuyên và tương đối quyết liệt thì vấn đề giống cây trồng kém chất lượng, sai chủng loại, hay nói cách khác là 'cây giả', lại chưa được quan tâm đúng mức.

Một điểm bán cây giống tại ĐBSCL. Ảnh: N.K
Cây giống là khởi điểm của cả quá trình sản xuất. Một loại phân bón kém chất lượng có thể gây thiệt hại kinh tế trong một vụ mùa, nhưng nếu giống sai chủng loại hay không đạt chuẩn có thể khiến người nông dân mất trắng sau nhiều năm chăm sóc. Không chỉ gây giảm năng suất và chất lượng trước mắt, giống cây trồng trôi nổi còn từng bước làm suy giảm uy tín thị trường và năng lực cạnh tranh của cả ngành trồng trọt.
Thế nhưng gần đây, dư luận lại xôn xao khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra các nhà vườn kinh doanh cây giống. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, thậm chí phản ứng khi bị yêu cầu xuất trình giấy tờ, hồ sơ về nguồn gốc giống cây. Nhưng thay vì lăn tăn với câu hỏi “có nên kiểm tra hay không”, dư luận cần nhìn nhận thẳng thắn là: việc chấn chỉnh là hoàn toàn cần thiết, và thậm chí, giờ mới làm nghiêm túc thì cũng đã là khá muộn.
Trên thực tế, các yêu cầu pháp lý về điều kiện kinh doanh, công bố tiêu chuẩn giống, truy xuất nguồn gốc không phải đến bây giờ mới có. Hệ thống văn bản pháp luật đã định hình từ nhiều năm trước, với Thông tư 18/2012/TT-BNNPTNT ở giai đoạn trước đây (quy định về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, công nhận và lưu hành giống cây trồng); Luật Trồng trọt 2018, Nghị định 94/2019/NĐ-CP (về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng). Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, việc triển khai các quy định này diễn ra một cách cầm chừng, thiếu đồng bộ và không hiệu quả(1).
Hệ thống pháp luật hiện hành cũng không thiếu công cụ để xử lý vi phạm, cụ thể là Nghị định 31/2023/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực trồng trọt. Theo đó, các hành vi như kinh doanh giống không rõ nguồn gốc, sai chủng loại hoặc không công bố tiêu chuẩn đều có thể bị phạt hàng chục triệu đồng, kèm theo hình phạt bổ sung như buộc tiêu hủy hoặc đình chỉ kinh doanh.
Không ít nơi, cây giống trôi nổi, kém chất lượng được bán tràn lan, dẫn đến tình trạng nhiều người dân lỡ mua về trồng rồi rơi vào cảnh thua lỗ, phải chặt bỏ cả vườn cây sau nhiều năm chăm sóc cực khổ và tốn kém.
Theo số liệu điều tra sơ bộ của ngành nông nghiệp, trong số khoảng 1.600 cơ sở kinh doanh giống ở đồng bằng sông Cửu Long, có tới hơn 700 cơ sở đang hoạt động tự do, không đăng ký hoặc không có hồ sơ kiểm soát chất lượng(2). Thậm chí, ngay cả trong số các cơ sở đã đăng ký, việc tuân thủ quy định về chất lượng giống đến đâu vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Điều này không chỉ phản ánh sự lỏng lẻo trong công tác quản lý và giám sát, mà còn cho thấy nguy cơ lớn về việc giống cây trồng sai chủng loại hoặc kém chất lượng len lỏi vào thị trường.
Đặc điểm thị trường cây giống ở nước ta hiện tại vẫn là đang phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu kiểm soát. Không ít nơi, cây giống trôi nổi, kém chất lượng được bán tràn lan, dẫn đến tình trạng nhiều người dân lỡ mua về trồng rồi rơi vào cảnh thua lỗ, phải chặt bỏ cả vườn cây sau nhiều năm chăm sóc cực khổ và tốn kém. Điều đáng nói là nhiều trường hợp không biết kêu ai vì mua cây giống ngoài chợ, không giấy tờ gì. Thậm chí, ngay cả khi mua giống từ vườn ươm có địa chỉ rõ ràng, thì việc “bắt đền” người bán cũng rất khó đi đến đâu, vì không có cơ sở kỹ thuật rõ ràng để xác định giống đạt chuẩn hay không, cũng chẳng ai đứng ra kiểm chứng chất lượng tại thời điểm bán. Sau vài ba năm cây mới ra trái thì lấy gì để đối chiếu, để chứng minh?
Vì vậy, việc dẹp “loạn” cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không có kiểm định chất lượng là hoàn toàn cần thiết. Dù có muộn thì cũng không thể trì hoãn thêm.
Tuy nhiên, để việc chấn chỉnh thị trường giống cây trồng đạt được hiệu quả thực sự, không thể triển khai theo kiểu thảng hoặc tiến hành kiểm tra đột xuất, xử phạt rồi lại bỏ lửng. Kiểm tra và xử lý vi phạm cần được thiết kế như một quá trình có lộ trình cụ thể, thường xuyên, trong đó phải bao gồm bước đầu tiên là truyền thông, hướng dẫn và giải thích rõ ràng để người dân hiểu được lý do và yêu cầu của chính sách.
Trên thực tế, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, nhất là ở khu vực nông thôn, chưa từng được tiếp cận hoặc hỗ trợ để làm sao đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp lý, thủ tục. Vậy nên, nếu kiểm tra được thực hiện mà không kèm theo giải thích hoặc tài liệu hướng dẫn cụ thể, thì phản ứng bằng sự hoang mang, thắc mắc là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh việc xử phạt khi cần thiết, mỗi đợt kiểm tra nên được xem là cơ hội để phổ biến chính sách, giúp người dân điều chỉnh hành vi và từng bước tuân thủ quy định. Chỉ khi đó, các quy định cụ thể mới thực sự đi vào đời sống một cách hiệu quả và bền vững. Rồi sau đó nếu nảy sinh vi phạm, cứ căn cứ vào quy định mà xử lý, có lẽ sẽ chẳng ai có lý do gì để “kêu”.
Cũng cần nhìn nhận Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với những thách thức trong quản lý thị trường giống cây trồng. Ở Ấn Độ, việc nông dân mua giống bông biến đổi gen không rõ nguồn gốc từng khiến nhiều vụ mùa thất bại, dẫn đến khủng hoảng nợ nần đầu những năm 2000(3). Tại Indonesia, giai đoạn 2000-2010, giống lúa lai và ngô nhập lậu không kiểm soát đã gây ra thất thu nghiêm trọng(4). Thái Lan trước khi ban hành Luật Bảo hộ giống năm 1999 cũng từng đối mặt với tình trạng buôn bán giống trôi nổi, không kiểm định(5).
Nhìn từ những kinh nghiệm này, có thể thấy: nếu không sớm chấn chỉnh thị trường giống cây trồng, nền nông nghiệp sẽ phải đối mặt với những thiệt hại khó lường.
Ở Israel, mỗi giống cây mới đều phải trải qua kiểm nghiệm nghiêm ngặt trước khi được lưu hành. Hà Lan xem giống cây như một loại tài sản trí tuệ, chỉ các giống được đăng ký và kiểm định chất lượng mới được phép buôn bán. Nhật Bản yêu cầu người sản xuất giống phải được đào tạo, cấp chứng nhận kỹ thuật và tuân thủ hậu kiểm định kỳ(6). Tại Thái Lan, Luật Bảo hộ giống cây trồng được ban hành từ năm 1999 được triển khai song song với việc đào tạo nông dân, công khai danh mục giống được phép lưu hành và cấp chứng nhận cho các đại lý giống(7).
Những mô hình này đều nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của Nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng giống từ khâu đăng ký đến lưu hành thương mại. Thành công của họ không chỉ đến từ luật lệ nghiêm, mà còn cần thực thi đồng bộ và truyền thông hiệu quả. Mục tiêu sau cùng là bảo đảm nông dân được tiếp cận với những giống cây có chất lượng cao, phù hợp điều kiện canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Đó là hướng đi cần thiết cho Việt Nam nếu chúng ta muốn bảo vệ người nông dân, nâng cao chất lượng nông sản và giữ được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
(1) https://nhandan.vn/nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-giong-cay-trong-post610633.html
(2) https://dantocmiennui.baotintuc.vn/nang-cao-chat-luong-giong-cay-an-qua-cac-tinh-phia-nam-post334933.html
(3) https://allianceforscience.org/blog/2018/08/complicated-truth-behind-gmo-cotton-india/
(4) https://asianfarmers.org/case-documentation-indonesian-farmers-prosecuted-for-breeding-their-own-seeds/?utm_source=chatgpt.com
(5) Tình hình trước đó tồn tại nhiều bất cập là một trong những lý do quan trọng nhất khiến Thái Lan ban hành đạo luật.
(6) https://www.oecd.org/content/dam/oecd/en/topics/policy-sub-issues/seeds/Rules%20and%20Regulation%20ENG.pdf
(7) https://faolex.fao.org/docs/pdf/tha41032.pdf
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dep-loan-thi-truong-cay-giong-muon-con-hon-khong/