Dệt mùa xuân
41 thành phần dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn đã tạo nên bức tranh đa sắc màu trong cộng đồng các dân tộc ở Bình Phước. Với đồng bào dân tộc S'tiêng, bên cạnh tiếng cồng, tiếng chiêng và những món ăn đặc trưng như: cơm lam, gà nướng, canh thụt, canh bồi… sắc màu thổ cẩm của họ cũng mang nét đặc trưng riêng có, mà chỉ nhìn thôi là chúng ta có thể phân biệt được với các thành phần dân tộc khác.
Đưa cuộc sống vào từng vuông thổ cẩm
Chọn cuộc sống bình yên ở các vùng nông thôn gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy, bao đời nay, đồng bào S’tiêng ở Bình Phước vẫn duy trì các làng nghề truyền thống, phong tục tập quán riêng có. Những tổ nghề dệt thổ cẩm “cha truyền con nối” vẫn hiện diện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ. Tranh thủ lúc nông nhàn, những phụ nữ S’tiêng lại ngồi bên khung cửi, vừa truyền dạy cho thế hệ trẻ biết yêu và giữ lấy hồn cốt của dân tộc mình. Người S’tiêng quan niệm, nam giới phải biết đan gùi, đan giỏ mới đủ trưởng thành, phụ nữ phải biết se tơ, dệt vải, đan đủ 3 tấm mền mới được đàng trai yêu thương và chọn về làm vợ. Cứ như thế, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các chị, các mẹ trong từng đường kim, sợi chỉ đã tạo ra sản phẩm thổ cẩm xinh xắn với những đường nét hoa văn tinh xảo nổi bật trên nền vải, mô phỏng hình ảnh về công cụ lao động, hình cỏ cây, chim thú lung linh, rực rỡ sắc màu.
Bà Thị Mương, Tổ nghề dệt thổ cẩm ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản cho biết: “Hoa văn trên thổ cẩm của người S’tiêng thường có hình con trâu, răng trâu, bông lúa, cán xà gạc, hình con người, mặt trời, sao trời, mặt trăng. Hoa văn càng cầu kỳ thì tấm thổ cẩm càng có giá trị vì mất nhiều công dệt và luôn đòi hỏi sự sáng tạo, khéo tay, tỉ mỉ của người dệt”.
Với mong muốn lưu truyền nghề dệt thổ cẩm trong các thế hệ con cháu, nhiều tổ, hội, câu lạc bộ dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng đã được thành lập. Tham gia các tổ, hội, câu lạc bộ, phụ nữ S’tiêng cùng trao đổi kỹ thuật, cách phối màu để làm ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp và tinh xảo nhất, qua đây cũng đồng thời nhắc nhớ con cháu phải biết yêu và giữ lấy nghề.
Bà Thị Cấp, thành viên Tổ nghề dệt thổ cẩm ấp Bù Dinh, xã Thanh An cho rằng: “Hoa văn trên thổ cẩm của đồng bào S’tiêng có từ thời ông bà, mình không thể sáng tạo nên được, mình phải học từ từ mới biết. Lớp trẻ bây giờ không biết đâu. Mình phải truyền dạy lại cho chúng”.
Người con gái S’tiêng ngày nay nhận thức rằng, trong việc cưới hỏi, gái phải theo chồng và trong sính lễ về nhà chồng không thể không có thổ cẩm. Thông qua tấm thổ cẩm, mình có thể gửi gắm hết tình yêu thương vào đấy và biếu tặng bên chồng. Tấm thổ cẩm là món quà tặng gia đình bên chồng nên tất cả người con gái S’tiêng phải gìn giữ và phải biết dệt để làm quà về nhà chồng, nhà chồng mới thương mình.
Chị ĐIỂU THỊ XIA, thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng
Sinh ra và lớn lên ở vùng căn cứ kháng chiến một thời giã gạo nuôi quân, ngay từ khi còn nhỏ, chị Điểu Thị Xia ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng đã được mẹ hun đúc trong tư tưởng về giá trị, cũng như tầm quan trọng của nghề dệt thổ cẩm đối với phụ nữ S’tiêng. Chính tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng với nghề đã thôi thúc chị đau đáu tìm hướng đi và luôn có những sáng tạo với nghề. Cẩn trọng trong từng nét hoa văn, chị vừa kể cho chúng tôi nghe về đặc sắc hoa văn trên những vuông thổ cẩm của đồng bào và nét độc đáo, giá trị nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào và khát vọng đưa làng nghề vươn xa.
Đau đáu với nghề
Phong phú về màu sắc, đa dạng về họa tiết, hoa văn và ở mỗi vùng miền, hoa văn trên thổ cẩm của đồng bào S’tiêng lại mang đặc trưng riêng. Tuy nhiên, trên mỗi tấm thổ cẩm ấy luôn có 3 gam màu chủ đạo. Màu đen tượng trưng cho đất, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và màu xanh của cỏ cây, hoa lá. Và, ở mỗi độ tuổi, phụ nữ S’tiêng lại khéo léo kết hợp các sắc màu với nhau để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm phù hợp. Nếu là cô gái S’tiêng đang tuổi hẹn hò, yêu đương thì họ luôn chọn thổ cẩm với gam màu tươi sáng, thêu những hoa văn uốn lượn và cuốn hút. Còn các bà, các mẹ thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét hoa văn rắn rỏi và có sự chiêm nghiệm về cuộc sống.
Không chỉ là vật sính lễ quý giá không thể thiếu trong tục cưới hỏi của người S’tiêng, ngày nay, khi du lịch Bình Phước phát triển, cùng với sự đồng hành của các cấp chính quyền, bằng đường kim, mũi chỉ, phụ nữ S’tiêng đã góp phần dệt nên ấm no, hạnh phúc và tham gia có hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ngày càng đa dạng về mẫu mã, không đơn thuần chỉ là trang phục hằng ngày của nam, nữ S’tiêng mà đã trở thành sản phẩm du lịch, đem lại giá trị vật chất và tinh thần to lớn.
Tuy nhiên, là những sản phẩm được dệt thủ công với nhiều công đoạn, chi tiết hoa văn cầu kỳ đội giá thành lên cao đã gây khó khăn cho hoạt động tiêu thụ. Ông Trịnh Công Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết: Việc duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng luôn được các cấp, ngành của huyện, chính quyền địa phương quan tâm. Trong những năm qua, mặc dù kinh tế còn khó khăn, song lãnh đạo UBND huyện, chính quyền địa phương đã có một phần động viên và hỗ trợ. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng đã dành một căn nhà cho bà con có chỗ để sinh hoạt, duy trì tổ làng nghề. Sắp tới, UBND huyện sẽ sửa chữa lại để bà con dân tộc S’tiêng có chỗ duy trì làng nghề, sinh hoạt thuận tiện hơn...
Độc đáo trong từng đường nét hoa văn, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào S’tiêng không đơn thuần là đồ dùng mà còn là sản phẩm văn hóa đặc sắc, thường hiện diện trong các lễ hội của đồng bào. Chính đường nét hoa văn trên từng tấm thổ cẩm là thông tin quan trọng để nhận biết đặc trưng văn hóa vùng và văn hóa của từng dân tộc. Tuy nhiên, để lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống, phục vụ phát triển du lịch trải nghiệm, đòi hỏi phải có sự quan tâm đồng bộ của các cấp, ngành trong việc định hướng sáng tạo, hạ giá thành và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/130143/det-mua-xuan