Dệt nên một tương lai xanh

Lâm Đồng, mảnh đất cao nguyên đầy thơ mộng, không chỉ nổi tiếng với những vườn hoa rực rỡ mà còn sở hữu một kho tàng rừng tự nhiên vô cùng quý giá. Với quyết tâm cao và những giải pháp đồng bộ, tỉnh Lâm Đồng đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong việc phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân.

Một cánh rừng thông xanh ngát ở cửa ngõ TP Đà Lạt

Một cánh rừng thông xanh ngát ở cửa ngõ TP Đà Lạt

BỨC TRANH TOÀN CẢNH VỀ LÂM NGHIỆP

Lâm Đồng hiện có 596.642 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên của tỉnh, gồm: Đất có rừng 540.104 ha (rừng tự nhiên 455.867 ha, rừng trồng 84.237 ha); đất chưa có rừng 56.538 ha (đất trống không có cây gỗ tái sinh 5.058 ha; đất sản xuất nông nghiệp trên diện tích quy hoạch lâm nghiệp 49.415 ha; đất khác 2.065 ha). Trong đó, rừng đặc dụng 84.224 ha (chiếm 14,1%); rừng phòng hộ 172.826 ha (chiếm 28,97%); rừng sản xuất 339.592 ha (chiếm 56,91%) với tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Hiện nay, tổng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ đạt 445.512 ha, với 15.743 hộ dân (trong đó có 11.690 hộ dân tộc thiểu số ) và 36 tổ chức nhận khoán.

Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, Lâm Đồng tự hào sở hữu một hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú. Quyết định số 895/QĐ-TTg của Chính phủ như một luồng gió mới thổi vào ngành Lâm nghiệp Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ cho Lâm Đồng trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Để đạt được những thành tựu đáng kể như hiện nay, Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng”. Nhờ đó, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng đã được kiểm soát hiệu quả, diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể so với trước đây. Trên địa bàn tỉnh, các địa phương cũng đã triển khai nhiều mô hình trồng rừng bền vững, kết hợp với phát triển các sản phẩm lâm nghiệp có giá trị gia tăng cao. Ngành Lâm nghiệp thời gian qua cũng đã tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, sống gần rừng, người đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với rừng thông qua các hoạt động giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng...

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đã tăng đáng kể, góp phần cải thiện môi trường và khí hậu. Các hoạt động bảo vệ rừng được tăng cường, giảm thiểu đáng kể tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Ngoài ra, Lâm Đồng đã triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng và chế biến sản phẩm lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trồng cây xanh

Trồng cây xanh

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Lâm nghiệp Lâm Đồng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh khu dân cư, vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sơ hở để khai thác rừng trái phép cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Thêm vào đó, ngân sách đầu tư cho ngành Lâm nghiệp còn hạn chế đã phần nào khiến cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Như Việt - Trưởng ban Ban Quản lý rừng Lâm Viên cho biết, việc quản lý và bảo vệ gần 14.110 ha rừng tại Đà Lạt gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, ranh giới rừng chồng lấn với đất sản xuất và khu dân cư. Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, thiếu trang thiết bị và chế độ đãi ngộ chưa hợp lý càng làm trầm trọng thêm tình hình.Công tác giải tỏa diện tích rừng bị lấn chiếm cũng gặp nhiều trở ngại. Giá trị đất đai cao khiến người dân có những thủ đoạn tinh vi để lấn chiếm, thậm chí chống đối lực lượng chức năng.

Tuần tra quản lý, bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên

Tuần tra quản lý, bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên

Để giải quyết những vấn đề trên, Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường với việc bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng thông qua các chính sách hỗ trợ. Việc ứng dụng công nghệ như camera giám sát và flycam cũng được đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả quản lý.

Ông Võ Thanh Sơn - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, việc tăng cường trang thiết bị, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm cũng là một giải pháp cấp bách. Chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải tỏa kịp thời diện tích rừng bị lấn chiếm. Đồng thời, việc phân cấp, phân quyền rõ ràng trong công tác quản lý rừng cho lực lượng kiểm lâm cũng là một yêu cầu cấp thiết.

Với những nỗ lực không ngừng, Lâm Đồng đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202501/det-nen-mot-tuong-lai-xanh-a085f4e/