ĐHĐCĐ VRG: Lợi nhuận 5 tháng đạt 1.108 tỷ đồng, chia cổ tức 1.200 tỷ đồng năm 2023
Trong 5 tháng đầu năm 2024, VRG ghi nhận doanh thu 7.119 tỷ đồng, đạt 28,5% so với kế hoạch, lợi nhuận 1.108 tỷ đồng, đạt 32,2% so với kế hoạch.
Thông tin được ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (VRG; HoSE: GVR) đưa ra trong phiên họp cổ đông thường niên 2024, diễn ra ngày 17/6.
Theo ông Kha, năm 2024 tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế, những thay đổi bất lợi về thời tiết, lãi suất và các yếu tố chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá thị trường của cao su và gỗ chưa có chuyển biến tích cực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Năm nay, VRG đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác 24.999 tỷ đồng (bằng 101,2% so với năm 2023), lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng (bằng 102% so với năm 2023).
Để đạt được kết quả trên, trong mảng trồng, khai thác, chế biến và tiêu thu cao su, Tập đoàn cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, khai thác đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm 2024. Đồng thời theo dõi diễn biến của thị trường cao su để điều hành giá sản phù hợp, kịp thời nhằm mang lại hiệu quả và quản trị hàng tồn kho ở mức phù hợp.
Mỗi năm, VRG sản xuất bình quân 500.000 tấn cao su, chiếm khoảng 30% diện tích và sản lượng cao su cả nước. Tập đoàn hiện có 59 nhà máy, xưởng chế biến mủ với tổng công suất thiết kế 636.400 tấn, không chỉ đủ năng lực chế biến hết lượng mủ khai thác, các nhà máy còn chế biến và gia công cho khối cao su tiểu điền bình quân hơn 80.000 tấn/năm.
“Đến nay, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn đạt 150.000 tấn, đạt 29% so với kế hoạch với giá bán bình quân 38,4 triệu đồng/tấn. Giá bán năm nay thuận lợi hơn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ là tín hiệu đáng mừng, hy vọng giá bán duy trì tăng trưởng những tháng cuối năm”, ông Kha thông tin thêm.
Đối với lĩnh vực chế biến gỗ, Tập đoàn cho biết sẽ chủ động rà soát tình hình hoạt động của các công ty gỗ để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doah lĩnh vực gỗ ốn định và phát triển trong thời gian tới. Bảo đảm khả năng cung ứng nguyên liệu cao su, gỗ cao su cho ngành công nghiệp cao su, ngành chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu.
Hiện, VRG đang có thế mạnh và nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu. Với diện tích cao su thanh lý bình quân dao động 10.000 - 12.000 ha/năm, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu để chế biến, sản xuất các sản phẩm gỗ.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, VRG hiện đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Nam Tân Uyên, An Điền, Tân Bình, Long Khánh, Bình Long, Cộng Hòa, Thống Nhất, VRG Long Thành, Nam Pleiku).
Với 16 dự án, tổng diện tích hơn 6.566 ha, nằm tập trung tại các tỉnh/thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai. Những năm qua, các khu công nghiệp chia cổ tức bình quân trên 40%, một số khu công nghiệp trên 60%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân trên 60%.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh việc tập trung thực hiện thủ tục pháp lý các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 2.921 ha, VRG sẽ tiếp tục làm việc với các cấp thẩm quyền địa phương và bộ ngành để làm tiền đề cho việc triển khai phát triển thêm 16.592 ha.
Trong đó, Tập đoàn làm chủ đầu tư 10.977 ha tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, các đơn vị đầu tư 5.615 ha. Tổng diện tích phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho tầm nhìn năm 2025 dự kiến là 23.444 ha
Thông tin thêm về tình hình đầu tư các dự án khu công nghiệp trên đất cao su, ông Kha cho biết, căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt, VRG đang báo cáo và trình cấp có thẩm quyền để xin ưu tiên cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su do Tập đoàn quản lý.
“Diện tích cụ thể sẽ do các cấp thẩm quyền quyết định”, ông Kha nói.
Tại Đại hội, cổ đông đã thông qua tờ trình báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất, phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Theo đó, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 3%/vốn điều lệ, tương ứng 1.200 tỷ đồng.
Đại hội đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026, gồm: ông Đỗ Hữu Phước, Phó tổng giám đốc (giữ chức thành viên HĐQT) và ông Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP.HCM (giữ chức thành viên HĐQT độc lập).
Đồng thời, Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn nhiệm kỳ 2021 - 2026, đối với ông Đỗ Khắc Thăng nghỉ hưu theo chế độ và bầu ông Phạm Văn Hỏi Em, Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát Tập đoàn.