Đi bộ một lúc đã đau chân là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm
Không ít người chỉ đi bộ vài chục mét đã đau chân, buộc phải nghỉ ngơi rồi mới tiếp tục quãng đường. Đây có thể là dấu hiệu của căn bệnh liên quan tim mạch đã tiến triển nặng, nguy cơ cắt cụt chi.
Bệnh động mạch chi dưới mạn tính (thiếu máu mạn tính chi dưới) là bệnh hay gặp ở người cao tuổi do thành mạch dễ xơ vữa. Bản thân bệnh nhân cũng thường mắc thêm nhiều bệnh lý phối hợp như tiểu đường, tăng huyết áp và có tiền sử lâu năm như hút thuốc lá, thuốc lào.
Bệnh này dẫn đến sự giảm hoặc mất tưới máu cho bộ phận chi dưới, gây đau nhức chân khi vận động (hay còn gọi là đau cách hồi). Khi bệnh diễn tiến nặng lên sẽ khiến quãng đường đi bộ được liên tục của người bệnh ngày càng ngắn dần, có thể chỉ đi lại được vài chục mét đã đau, phải nghỉ mới đi lại tiếp được.
Muộn hơn, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức chi dưới liên tục ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Cuối cùng là các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử đen bàn ngón chân, phải cắt cụt chi gây tàn phế cho người bệnh hoặc nhiễm trùng huyết.
Có đến 20% số người trên 70 tuổi sẽ bị bệnh động mạch chi dưới. Khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, thiếu máu trầm trọng chi dưới, 20% số bệnh nhân phải cắt cụt chi.
Tại Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), hằng năm có khoảng 300 bệnh nhân cao tuổi được mổ và can thiệp điều trị tắc động mạch chi dưới. Đa phần là các trường hợp thiếu máu trầm trọng chi do phát hiện muộn hoặc điều trị chưa dứt điểm, nhiều ca phải cắt cụt ngón chi sau can thiệp, phẫu thuật.
Dấu hiệu và triệu chứng
Theo các bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, triệu chứng kinh điển của bệnh là đau ở chân khi hoạt động thể chất (như đi bộ), sẽ đỡ hơn sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cứ 10 người bị bệnh động mạch chi dưới thì có tới 4 người không bị đau chân. Các triệu chứng đau, nhức hoặc chuột rút khi đi lại (đi khập khiễng) có thể xảy ra ở hông, đùi hoặc bắp chân.
Các dấu hiệu thực thể ở chân gồm: Teo cơ (yếu); rụng lông; da mỏng, sáng bóng; da lạnh khi chạm vào đặc biệt nếu kèm theo đau cách hồi khi đi bộ (thuyên giảm khi ngừng đi bộ); giảm hoặc mất mạch ở bàn chân; vết loét ở chân hoặc bàn chân không lành; ngón chân lạnh hoặc tê.
Ngăn ngừa bệnh động mạch chi dưới bằng cách nào?
- Thực hiện nhiều hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ để giúp ngăn ngừa bệnh động mạch chi dưới hoặc cải thiện các triệu chứng của bệnh động mạch chi dưới.
- Không hút thuốc lá, cả chủ động cũng như thụ động. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới và làm cho các triệu chứng của bệnh động mạch chi dưới trở nên tồi tệ hơn.
- Kiểm soát huyết áp cao, quản lý cholesterol trong máu cao và bệnh tiểu đường.
Bệnh động mạch chi dưới được chẩn đoán như thế nào?
Nếu một người có các triệu chứng của bệnh động mạch chi dưới, bác sĩ sẽ đo chỉ số cổ chân cánh tay (ABI). Đây là một thăm dò không xâm lấn để đo huyết áp ở cổ chân và so sánh với huyết áp ở cánh tay khi nghỉ ngơi và sau khi tập thể dục. Thầy thuốc cũng có thể thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm Doppler mạch máu, chụp cắt lớp vi tính đa dãy dựng hình mạch máu để chẩn đoán chính xác bệnh, mức độ và định hướng xử trí.