'Đi cày' hay 'cày bừa' đều đúng

Độc giả Phạm Văn Trường hỏi: 'Trong một chương trình giải trí về tiếng Việt, giám khảo yêu cầu người chơi hoàn thiện câu ca 'Ruộng đầm nước cả bùn sâu/ Suốt ngày anh với con trâu... ...'.

Anh An (Nguyễn Anh Minh), một người chơi mang hai dòng máu Nga - Việt (“sinh ra tại Nga và đi học tại Việt Nam”) trả lời ngay là “đi cày”! Thế nhưng người dẫn chương trình không chấp nhận, và khích lệ “Gần đúng rồi, chưa chính xác”!

Nguyễn Anh Minh nhanh chóng đưa ra câu trả lời khác là “đi đầm”, nhưng vẫn bị bác đi là “không phải”, khiến người chơi đành phải quyết định “bỏ qua” câu hỏi. Và, đáp án Chương trình đưa ra là “cày bừa”.

Vậy xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, dùng chữ “đi cày” hay “cày bừa” trong trường hợp này là đúng?

Trân trọng cảm ơn”.

Trả lời: Theo chúng tôi câu trả lời “đi cày” của Nguyễn Anh Minh không hề sai. Có nhiều cứ liệu vững chắc để khẳng định điều này:

1- Nguyên hai câu ca dao mà chương trình giải trí về tiếng Việt trích dẫn đầy đủ có 4 câu, được sách Tục ngữ ca dao Việt Nam (Mã Giang Lân biên soạn và giới thiệu – NXB Văn Học – 2023; trang 79) tuyển chọn như sau:

Rạng ngày vác cày ra đồng

Tay cầm mồi lửa tay dòng thừng trâu

Ruộng đầm nước cả bùn sâu

Suốt ngày cùng với con trâu đi cày.

Như vậy, câu trả lời của anh Nguyễn Anh Minh hoàn toàn chính xác, trùng khớp với câu ca dao có trong cuốn sách được NXB Văn Học ấn hành.

2- “Cày bừa”, hay “đi cày” trong ngữ cảnh câu ca dao đều nói lên cảnh lao động vất vả cực nhọc của người nông dân.

Cày (gốc Hán là chữ canh 耕) vốn chỉ việc lật đất, xới đất lên bằng cái cày, sau đó trở thành biểu tượng để chỉ người sống bằng nghề làm ruộng (như dân cày, người cày có ruộng). Vì cày là công việc vô cùng vất vả cực nhọc (Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày,... – Ca dao) nên về sau, khi phải dùng sức lực để làm một việc gì khó nhọc mới có được miếng ăn, người ta đều gọi là cày cả, bất kể là lao động chân tay hay trí óc. Ví như bút canh 筆耕 (cày bằng bút, lấy bút thay cho cày để mưu sinh); thiệt canh 舌耕 (cày bằng lưỡi - chỉ nghề dạy học để mưu sinh, hoặc sự khổ nhọc của việc học hành),v.v...

3- Trong thực tế, hai dị bản Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa, và Suốt ngày cùng với con trâu đi cày cùng tồn tại, đều được sách vở ghi nhận, và dùng cày bừa hay đi cày đều không làm thay đổi ý nghĩa câu ca dao. Thậm chí, ở một góc độ nào đó, đi cày còn hay hơn so với cày bừa, vì chỉ có từ này mới nói lên được tính chất lao động vất vả của nhà nông, như đã nói ở trên(*)

Nhân đây cũng cần nói thêm, bốn câu ca dao trên đây nói lên cảnh lao động vất vả, đầu tắt mặt tối của người nông dân nói chung, bất kể là “anh”, “ông”, “bà”, “bác”, hay “chị”,... Bởi vậy, câu “Suốt ngày CÙNG với con trâu cày bừa/đi cày”, bị thay bằng bản “Suốt ngày ANH với con trâu cày bừa”, là làm hẹp đi ý nghĩa của câu ca dao.

Hoàng Trinh Sơn

(*) Chúng tôi đánh giá người chơi có tên Nguyễn Anh Minh là người am hiểu tiếng Việt. Anh không chỉ đưa ra câu trả lời nhanh và chính xác “đi cày”, mà phương án “đi đầm” cũng rất khá. Vì “đi đầm” (còn gọi là “trâu quần”) chính là một kiểu làm đất ở các chân ruộng trũng rất cổ xưa. Người ta dùng trâu để dẫm nát đất, làm ngấu gốc rạ cùng cỏ dại, sau đó là cấy. Bởi vậy, có câu “Không có trâu bắt bò đi đẫm” là vậy.

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/di-cay-hay-cay-bua-deu-dung-35354.htm