Giảng viên Việt xuất ngoại dạy học
Một số cơ sở GD đại học bắt đầu hướng đến việc 'nhập khẩu' công nghệ đào tạo thông qua trao đổi giảng viên dạy học.
“Quốc tế hóa” giảng viên
PGS.TS Võ Thắng Nguyên - Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đang trong thời gian giảng dạy - nghiên cứu theo diện trao đổi tại Trường Đại học Mie (Nhật Bản). Theo đó, PGS.TS Võ Thắng Nguyên đảm nhận giảng dạy môn Hóa học môi trường và Phân tích công cụ tại Trường Đại học Mie cho đến ngày 15/5/2025.
PGS.TS Võ Thắng Nguyên chia sẻ, làm quen với môi trường sống, làm việc ở một đất nước mới không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. “Về phía trường bạn, họ không làm cho mình cảm thấy áp lực, ngược lại còn tạo điều kiện để tôi giảng dạy những học phần phù hợp với chuyên môn và tham gia hướng nghiên cứu tương đồng hoặc hỗ trợ nhóm nghiên cứu của bản thân tại Việt Nam.
Tuy nhiên, áp lực lại đến từ chính mình khi phải luôn cố gắng để không tạo ra sự cách biệt quá lớn giữa giảng viên bản xứ và nước ngoài trong mắt sinh viên”, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng bày tỏ.
Những giờ giảng đầu tiên, PGS.TS Võ Thắng Nguyên thừa nhận có bỡ ngỡ về cách tương tác với sinh viên, cách phân bổ thời gian buổi học cho các hoạt động học tập khác nhau. Nhưng với sự hỗ trợ của các giáo sư bản xứ, giảng viên đến từ Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường dạy học mới.
“Nhìn chung, giảng dạy ở Trường Đại học Mie tương đối tương đồng với một buổi học ở Việt Nam. Có thể một phần do môi trường dạy học ở Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tiệm cận với mặt bằng chung của giáo dục đại học ở nhiều nước. Vì vậy, khi giảng dạy ở Nhật Bản, tôi không gặp quá nhiều trở ngại lớn”, cô Nguyên chia sẻ.
PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, vài năm trở lại đây, số lượng giảng viên của trường thực hiện thỉnh giảng ở các trường đại học tăng hằng năm, nhất là các môn khoa học cơ bản. Đây cũng là một trong những lợi thế của nhà trường trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, tiến tới quốc tế hóa đại học.
Ngoài đưa giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, một số cơ sở giáo dục đại học bắt đầu hướng đến việc “nhập khẩu” công nghệ đào tạo thông qua trao đổi giảng viên dạy học. Theo GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, xu hướng mới trong ký kết hợp tác quốc tế giữa các trường đại học, sẽ có hoạt động trao đổi giảng viên nghiên cứu - giảng dạy, giao lưu sinh viên, giảng viên.
Giảng viên một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được mời thỉnh giảng ở nước ngoài dựa trên kết quả triển khai nghiên cứu chung giữa hai bên, nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, có một số giảng viên Việt Nam có cơ hội thỉnh giảng ở các trường đại học ở nước ngoài trên cơ sở kết quả của các hội nghị khoa học quốc tế. Một hướng khác nữa là một số ít người được tiến cử từ các giảng viên có uy tín, từng học tập hay giảng dạy ở trường đối tác.
Tương tự, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có khoảng mười giảng viên từng được các trường đại học ở nước ngoài mời thỉnh giảng hoặc đồng hướng dẫn nghiên cứu luận án với giáo sư các nước sở tại.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường, đây là một tín hiệu cho thấy uy tín của giảng viên Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế. Chất lượng, trình độ của giảng viên trong nước đã khác trước, mức độ hội nhập quốc tế không chỉ ở khía cạnh nghiên cứu khoa học, mà còn năng lực giảng dạy, cập nhật và tiếp cận công nghệ.
Chuyển giao công nghệ
PGS.TS Trịnh Đăng Mậu - Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) vừa kết thúc chương trình Trao đổi học giả tại Đại học Chicago (Hoa Kỳ).
Một trong những nội dung của đợt trao đổi học giả, theo PGS.TS Trịnh Đăng Mậu, là chuyển giao công nghệ nghiên cứu liên quan đến sàng lọc độc tính theo hướng liên kết đa ngành cho Phòng thí nghiệm Sinh học Biển thuộc Đại học Chicago.
“Với đề tài nghiên cứu này, ở Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), ngoài kiến thức chuyên ngành sinh học, chúng tôi còn kết hợp cả tin học và vật lý tạo ra một công nghệ mới và chuyên sâu hơn. Cụ thể là hệ thống ứng dụng kênh dẫn vi lưu, công nghệ thị giác máy tính và học máy trong xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sinh học dựa vào hành vi di chuyển động vật phù du.
Đây là điểm mới so với hướng nghiên cứu đơn ngành đang tiến hành tại Phòng thí nghiệm Sinh học Biển của Đại học Chicago”, Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thông tin.
PGS.TS Trịnh Đăng Mậu có hơn mười năm nghiên cứu đa dạng sinh học, trong đó kinh nghiệm chuyên môn tập trung vào các lĩnh vực đa dạng sinh học động vật phù du, hệ sinh thái tảo và ô nhiễm vi nhựa trong các hệ sinh thái thủy sinh.
Nghiên cứu của PGS.TS Trịnh Đăng Mậu khám phá sự đa dạng và vai trò sinh học của động vật phù du, đặc biệt là loài luân trùng (Rotifer) trong các hệ sinh thái nước ngọt - một lĩnh vực quan trọng nhưng chưa được nghiên cứu sâu rộng ở Đông Nam Á.
Trong thời gian công tác tại Trường Đại học Mie, ngoài giảng dạy, PGS.TS Võ Thắng Nguyên còn tham gia vào nhóm có cùng hướng nghiên cứu về các loại vật liệu mới. Các hoạt động nghiên cứu ở môi trường làm việc mới của PGS.TS Võ Thắng Nguyên vì vậy diễn ra khá trôi chảy.
Chia sẻ của PGS.TS Võ Thắng Nguyên, bản thân đã và đang học được nhiều điều từ các giáo sư, đồng nghiệp Nhật Bản không chỉ về nội dung học thuật, hoạt động chuyên môn, mà còn về cách tổ chức một nhóm nghiên cứu.
“So sánh cách thức tổ chức giữa 2 nhóm nghiên cứu mà mình tham gia ở 2 trường đại học, tôi nhận thấy việc tạo ra các hoạt động có tính định kỳ như báo cáo kết quả, câu lạc bộ báo chí hằng tuần, gặp mặt nhóm đầu ngày… sẽ góp phần xây dựng nên một nhóm nghiên cứu có tính tổ chức và sẽ có kết quả công việc tốt hơn. Tôi dự định sẽ áp dụng mô hình này cho nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) khi trở về nước”, nữ PGS chia sẻ.
Hướng tới mục tiêu kép
PGS.TS Võ Thắng Nguyên đã vận dụng những trải nghiệm giảng dạy ở các trường đại học đối tác để bổ sung vào những nội dung mà cô chịu trách nhiệm. Chẳng hạn như cập nhật trong các học phần do cô đảm nhiệm dạy học những nội dung mới, phù hợp với xu hướng phát triển chung.
Đơn cử với môn Phân tích công cụ, cô Nguyên đã thay các nội dung về phương pháp phân tích cổ điển bằng phương pháp phân tích mới. Với vấn đề thuộc quyền quản lý của các cấp lãnh đạo, như chương trình đào tạo, cô Nguyên dự định đưa ra góp ý phù hợp trong những đợt rà soát, cập nhật chương trình.
Trao đổi về hành trình học thuật của mình tại Phòng thí nghiệm Sinh học Biển, Đại học Chicago, PGS.TS Trịnh Đăng Mậu chia sẻ: “Tôi hy vọng nghiên cứu có thể cung cấp thêm thông tin về hành vi của các loài động vật phù du, đặc biệt là nhóm Rotifers.
Hơn thế nữa, hệ thống cảnh báo sớm sinh học dựa trên hành vi di chuyển của các loài động vật phù du mà chúng tôi đang phát triển có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng giám sát và quản lý hệ sinh thái, đồng thời cung cấp công cụ có giá trị cho các nhà nghiên cứu khác”.
Ngoài nghiên cứu, PGS.TS Trịnh Đăng Mậu còn dự định thúc đẩy hợp tác quốc tế và chuyển giao phương pháp nghiên cứu tiên tiến cho Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).
Thông qua chia sẻ kiến thức và kỹ năng, năng lực nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) được nâng cao, đóng góp cho những nghiên cứu khoa học toàn cầu và thúc đẩy nỗ lực bảo tồn môi trường.
Tiêu chuẩn có giảng viên tham gia giảng dạy ở các trường đại học uy tín ở nước ngoài rất được chú trọng trong xếp hạng đại học bởi các tổ chức quốc tế. GS.TS Trần Văn Nam cho biết, giảng viên Việt Nam tham gia giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài sẽ cập nhật phương pháp tổ chức dạy học, cách thức đánh giá và quản lý tiên tiến trên thế giới để áp dụng khi quay trở lại dạy học ở trong nước.
Ở một khía cạnh khác, trải nghiệm dạy học quốc tế sẽ giúp giảng viên các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy trì mối quan hệ với cộng đồng khoa học toàn cầu. Hợp tác quốc tế vì thế sẽ hỗ trợ tích cực cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong công tác đào tạo cán bộ, cập nhật chương trình, hình thành các bộ môn chuyên ngành mới, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Võ Thắng Nguyên cho biết, tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở Nhật Bản đã mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu mới cho cá nhân và các nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Các buổi hội thảo đã giúp cho giáo sư ở Trường Đại học Mie hiểu về nghiên cứu của nhóm ở Việt Nam và tìm thấy sự tương đồng, tiếng nói chung. Từ đó có những trao đổi về hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo trong tương lai.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giang-vien-viet-xuat-ngoai-day-hoc-post715955.html