Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang chia sẻ nỗ lực của địa phương để dạy và học tốt
Việc tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong ngành GD vừa là xu thế, vừa là yêu cầu và nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu.
Năm 2024, ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang có những hoạt động, thành tích nổi bật như có dự án đạt giải Nhất quốc gia và được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham dự Hội thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; Sở có văn bản chỉ đạo các trường về việc tổ chức các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa trong trường học; Tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục, lãnh đạo các trường phổ thông...
Để tìm hiểu cụ thể hơn về những hoạt động của địa phương trong năm vừa qua và những ưu tiên trong năm 2025, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang Vũ Đình Hưng.
PV: Năm 2024 là năm thứ 2 liên tục học sinh của tỉnh có dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn dự thi Hội thi khoa học quốc tế tại Hoa Kỳ. Ngành giáo dục địa phương có những kế hoạch nào để thúc đẩy hoạt động này?
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Năm 2024, Tuyên Quang tiếp tục có một dự án đạt giải Nhất quốc gia và được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham dự Hội thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh giáo dục STEM, gắn với đó là hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục trung học. Qua đó nhằm có nhiều sản phẩm STEM chất lượng cao tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế.
Sở cũng định hướng các nhà trường tập trung vào các lĩnh vực vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, hệ thống nhúng để phù hợp với định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghiệp mới;
Tiếp tục hợp tác, phối hợp với các trường đại học, học viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các chuyên gia để nâng cao chất lượng các dự án dự thi, góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
PV: Vừa qua, một trong những quy định thu hút sự quan tâm lớn của giáo viên, phụ huynh là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hànhThông tư số 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Ông có chia sẻ gì xung quanh Thông tư? Như quy định tại Thông tư 29, tới đây, hoạt động dạy thêm ôn thi cho học sinh cuối cấp trong nhà trường sẽ không được thu tiền, vậy các trường sẽ xử lý ra sao nếu đã thu tiền?
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Việc ban hành Thông tư số 29 thay thế Thông tư số 17/2012 trước đây về dạy thêm, học thêm là cần thiết để quản lí tốt hoạt động này, hạn chế tối đa việc dạy thêm, học thêm tràn lan, gây lãng phí nguồn lực và bức xúc trong xã hội.
Để thực hiện Thông tư 29, hiện nay, Sở đang tiến hành quy trình đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo đúng thẩm quyền.
Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí, cũng như mức hỗ trợ cho giáo viên trực tiếp ôn tập cho học sinh các lớp cuối cấp. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn của tỉnh trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện.
Hiện nay, các nhà trường đang tổ chức ôn tập cho học sinh lớp cuối cấp có thu tiền theo quy định của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Việc thu tiền được tính trên cơ sở số buổi học sinh tham gia nên sẽ không có vướng mắc gì trong nội dung này.
PV: Quay trở lại một vấn đề được cho là khá vướng khi triển khai đó là hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ. Hiện tại, các cơ quan liên quan đang lấy ý kiến để sửa đổi Nghị định này. Trong những năm vừa qua, công tác triển khai thực hiện Nghị định 116 được địa phương triển khai ra sao? Địa phương có những khó khăn, thuận lợi nào trong việc triển khai nội dung này?
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Công tác triển khai thực hiện hỗ trợ sinh viên ngành sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP được tỉnh triển khai theo đúng quy định. Hiện nay, ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc về nguồn kinh phí và việc lập dự toán đối với việc hỗ trợ trợ tiền đóng học phí. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, bởi vì các em không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 116/2020/NĐ-CP hoặc có các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, thì địa phương sẽ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo đúng quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
PV: Một trong nội dung được nhiều sinh viên sư phạm quan tâm là công tác tuyển dụng của địa phương. Ông có chia sẻ gì về công tác tổ chức thi tuyển, chất lượng ứng viên dự tuyển… viên chức giáo viên, lãnh đạo nhà trường? Dự kiến năm 2025, Sở có dự kiến chỉ tiêu thi tuyển hai đối tượng trên ra sao?
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Trong những năm qua, công tác tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ và của tỉnh. Chất lượng giáo viên được tuyển dụng đều đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm dự tuyển.
Về thi tuyển chức danh lãnh đạo nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu thi tuyển và tổ chức thực hiện theo đúng trình tự, quy định tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 và Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 24/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Các ứng viên dự tuyển đều đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển và có năng lực, phong cách lãnh đạo, tư duy của cán bộ quản lý giáo dục.
Năm 2025, Sở tiếp tục thực hiện tuyển dụng viên chức giáo dục và thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý theo Kế hoạch và Đề án phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đây là việc liên quan đến tuyển dụng và thi tuyển, vì vậy công tác tổ chức thi tiếp tục được thực hiện bám sát theo các quy định của Nhà nước và của tỉnh.
PV: Được biết, trước đây nhiều trường phổ thông tại Tuyên Quang không có nhân viên thiết bị, thí nghiệm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy thực hành và sử dụng thiết bị dạy học được trang bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong năm vừa qua, địa phương đã có những giải pháp để khắc phục tình trạng trên?
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Trên thực tế, trong những năm qua trên địa bản tỉnh thiếu biên chế sự nghiệp giáo dục. Vì vậy biên chế phải để dành cho việc tuyển dụng giáo viên, nên thiếu viên chức thiết bị, thí nghiệm tại các cơ sở giáo dục.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí giáo viên bộ môn kiêm nhiệm phụ trách thiết bị, thí nghiệm.
Đồng thời, thực hiện lập sổ theo dõi việc thực hành, sử dụng thiết bị dạy học được trang cấp cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo từng ngày/tuần. Đến thời điểm hiện nay đồ dùng, thiết bị được trang cấp vẫn đảm bảo việc dạy học.
PV: Ngoài việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy của chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc tu sửa, sửa chữa cơ sở vật chất cũng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Các trường tại địa phương trong năm qua đã triển khai việc này ra sao và kế hoạch 2025 như thế nào để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất?
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành các kế hoạch đầu tư xây dựng mới, xây bổ sung cơ sở vật chất cho các trường.
Cụ thể như, Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 10/8/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang về xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 04/10/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang về đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 25/5/2021 về phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở các kế hoạch này, các đầu điểm đầu tư được đưa vào kế hoạch đầu tư công xây dựng giai đoạn 2021-2025 để thực hiện. Ngoài ra, các nhà trường còn được tu sửa, sửa chữa cơ sở vật chất hàng năm từ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Đơn cử như, tỷ lệ phòng học kiên cố các bậc học đạt 72% (mầm non đạt 55,7%, tiểu học 67,6%, trung học cơ sở 91,2%, trung học phổ thông 98,5%).
Toàn tỉnh hiện có 312/455 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 68,6%, vượt so với Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 5,9%.
Trong năm 2025, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố cùng triển khai các kế hoạch đầu tư xây dựng mới, xây bổ sung cơ sở vật chất cho các trường như đã nêu ở trên. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng, kết thúc năm 2025, các tỷ lệ phần trăm về phòng học kiên cố, tỷ lệ phần trăm trường đạt chuẩn quốc gia sẽ tăng lên.
Cũng trong năm 2025, ngành giáo dục sẽ chủ trì để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các kế hoạch để thực hiện các mục tiêu tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, có Chương trình tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2026-2035 và Kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2026-2030, với mục tiêu: Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên 65%; Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên 83%; Trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia trên 83%; Trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên 60%.
PV: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy là một trong những ưu tiên của nhiều địa phương trong năm 2025. Trong hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, địa phương đã có những kết quả ra sao? Có những khó khăn, thuận lợi nào trong việc triển khai nội dung này, thưa ông?
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường sử dụng hiệu quả đồ dùng, thiết bị dạy học, đặc biệt là màn hình tương tác thông minh trong các hoạt động dạy học;
Với hoạt động dự giờ, tư vấn chuyên môn trực tuyến tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tập trung vào công tác tư vấn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ôn thi cho học sinh cuối cấp.
Tổ chức xây dựng video bài giảng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để định hướng rõ hơn việc đổi mới phương pháp dạy học;
Tổ chức kết nối, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nền tảng dạy học trực tuyến, lớp học trực tuyến, lớp học mở, trường học mở KAV trên nền tảng Khan Academy, phần mềm ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông K12.online, phần mềm khảo thí online trong kiểm tra định kỳ và thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông,…
Sở đã tổ chức tập huấn cho giáo viên toàn tỉnh về ứng dụng AI và các nền tảng số trong quản lí, dạy học.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đã được cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo trong tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, một số trường hiện vẫn gặp những khó khăn nhất định như thiếu máy vi tính cho học sinh thực hành; nhận thức và năng lực công nghệ thông tin, năng lực số của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế.
Tuy nhiên, việc tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong ngành giáo dục vừa là xu thế tất yếu, vừa là yêu cầu và nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Do đó, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục có các giải pháp căn cơ để đáp ứng yêu cầu này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!