Đi chùa lễ Phật thế nào cho đúng | Hà Nội tin mỗi chiều
Cứ vào ngày rằm mùng 1 âm lịch hay đầu xuân năm mới, phật tử Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc lại đi chùa lễ Phật. Đây là hoạt động văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Việt, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần của người Việt, thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Tuy nhiên đi chùa lễ Phật thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết. Chương trình hôm nay sẽ bàn về chủ đề cần được minh định này.
Đi chùa lễ Phật thế nào cho đúng
Ngày nay, do nhiều tác động của đời sống vật chất, cộng thêm tâm lý đám đông mà ở đâu đó, vẫn còn có những lệch lạc, dẫn đến hành động chưa đúng, thậm chí là sai lệch, gây ra những biến tướng trong các hoạt động văn hóa tâm linh. Do vậy, việc hiểu đúng ý nghĩa của đi lễ chùa sẽ giúp mỗi người tránh lãng phí tiền của, thời gian và không có những hành động đi ngược lại giáo lý tốt đẹp của nhà Phật.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, đi lễ đầu xuân năm mới là tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt, có sự kế thừa và không trái pháp luật. Theo quan niệm xưa, người Việt đi du xuân trong tâm thế hoan hỉ, tận hưởng không khí mùa xuân ấm áp, nhìn ngắm vạn vật nảy nở, sinh sôi. Đi chùa đầu năm mới không chỉ để ước nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là thời gian để tìm về chốn tâm linh, hiểu thêm về văn hóa truyền thống. Nhưng hiện nay số người vãn cảnh thì ít, mà đến cầu cạnh, xin công danh, tiền bạc là nhiều. Điều này khiến bản chất ban đầu của đi lễ đầu năm bị hiểu sai.
Những ngày qua, những lùm xùm của chùa Ba Vàng thu hút sự quan tâm của giới Phật tử và người dân cả nước. Đây chỉ là một trong nhiều biểu hiện lệch lạc dùng niềm tin Phật giáo để thu hút một bộ phận công chúng chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của việc đi chùa. Tâm lý đám đông, tâm lý cầu cúng cộng với ý nghĩ thần thánh hóa đức Phật hay một vị tăng sĩ như một đấng tối cao đã khiến không ít người tìm đến Phật để cầu tiền tài, may mắn, địa vị thậm chí xin thay đổi vận mệnh thông qua các khóa lễ. Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam cho biết, Đức Phật chưa bao giờ nói Ngài là một đấng cao siêu, quyền năng có thể ban phát điều gì đó khi mọi người kính tín Ngài. Đức Phật dạy rằng, chính mọi người mới là người quyết định tương lai, vận mệnh của chính người đó.
Những năm gần đây, nạn đốt vàng mã, thắp hương khóa lễ, công đức tiền lẻ đã phần nào giảm bớt tại các cơ sở tôn giáo. Song không thể phủ nhận vẫn tồn lại một tâm lý thiên vị vô hình về việc “thiêng hơn” giữa chùa này và chùa khác trong một bộ phận người đi lễ. Thậm chí, cứ vào đầu năm mới, nhiều người còn có tâm lý “chạy đua” đi lễ, với suy nghĩ đi càng nhiều càng nhận được nhiều phước báu, được giảm rủi ro.
Thực tế, Phật giáo là một tư tưởng Triết học lớn do đức Thích ca Mâu ni là người khởi xướng. Hình tượng Đức Phật chính là đại diện cho tư tưởng Triết học mà giáo lý Đức Phật muốn mang đến cho người dân đó là phương pháp chuyển hóa khổ đau bằng trí tuệ và sự tỉnh thức chứ không phải bằng sự cầu xin hay tham vọng.
Từ ngàn đời nay, đạo Phật ăn sâu, bén rễ vào đời sống tinh thần của dân tộc là bởi giáo lý của nhà Phật thấm nhuần tính nhân bản, chỉ con người nhìn thẳng vào thực tại. Trong giáo lý ấy, Đức Phật dạy về tứ trọng ân mà con người phải báo đáp, đó là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc gia xã hội và ơn tam bảo. Đây là những nền tảng đạo lý và đạo đức căn bản của con người. Trong dân gian cũng có câu: “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Như vậy, hướng về đạo Phật thì mỗi người cần làm trọn nghĩa vụ căn bản, lễ Phật từ tâm thì trong tâm luôn có Phật. Đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc bởi muốn bình an thì chúng ta phải biết rõ giá trị cuộc sống, để sống và làm việc theo đúng Hiến pháp, pháp luật, đúng đạo lý. Còn muốn ấm no, hạnh phúc thì không có cách nào khác là làm việc và lao động chân chính. Theo đó, mọi tư tưởng sống gấp, lười lao động, thiếu tu dưỡng đạo đức đều dẫn đến bất hạnh, không cần phải do thần linh hay số phận an bài.
Nóng trở lại câu chuyện quản lý tiền công đức
Những ngày đầu năm, người dân đến tham quan và dâng hương tại các lễ hội, các cơ sở tôn giáo nhiều hơn. Nhiều người đã cho tiền vào các thùng công đức thể hiện lòng thành kính và mong muốn tích thêm công đức đầu năm. Trước đây, việc quản lý tiền công đức trông chờ hết vào tinh thần tự kiểm. Nhưng kể từ ngày 19/3/2023, khi Thông tư 04 của Bộ Tài chính có hiệu lực, công tác này đã được điều chỉnh bởi những quy định có tính pháp lý. Sau hơn 10 tháng đi vào thực tế, việc thực hiện các quy định vẫn còn nhiều thách thức. Thông tư 04 quy định khi tiếp nhận tiền công đức, đơn vị tiếp nhận phải mở một tài khoản ở Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Với việc tiếp nhận tiền công đức bằng tiền mặt, Thông tư cũng yêu cầu các thực hiện ghi chép số tiền đã nhận, kiểm đếm và báo cáo tổng số tiền nhận được định kỳ. Các khoản tiền tạm thời chưa sử dụng sẽ được gửi vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để đảm bảo quản lý an toàn, minh bạch. Với những nội dung chi tiết, hướng dẫn cụ thể, Thông tư 04 được kỳ vọng là văn bản pháp lý quan trọng, góp phần quản lý minh bạch tiền công đức tài trợ.
Thực tế, tiền công đức ở nhiều nơi vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu tính minh bạch, công khai. Mới đây nhất, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại di tích quốc gia Đền Chợ Củi (được khởi dựng từ thời nhà Lê Sơ). Nhiều năm qua, ở đây diễn ra hiện tượng khoán tiền công đức cho hộ gia đình. Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Nghi Xuân, Ban quản lý di tích đền Chợ Củi, UBND xã Xuân Hồng do chưa thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước được giao, dẫn đến những bất cập, tồn tại tại di tích đền Chợ Củi. Trước những bất cập, tồn tại xảy ra tại di tích đền Chợ Củi, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan.
Hiện nay thực tế tồn tại xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế; còn để xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, nhất là các Khu di tích lịch sử quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt trong đó có di tích là cơ sở tôn giáo, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo. Tổng hợp từ báo cáo của 221 di tích tại Quảng Ninh, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng. Từ tiền lẻ gom thành tiền tỷ, rõ ràng trong bối cảnh các di tích đang cần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo, tiền công đức tài trợ thực sự là nguồn tài chính quan trọng. Chính vì vậy, dù xác định công tác quản lý còn nhiều thách thức, nhưng các địa phương vẫn đang rất nỗ lực để quản lý.
Tuy nhiên, việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình hiện nay bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Chính vì vậy, để quản lý tốt nguồn lực này, bên cạnh những quy định về quản lý tài chính thì cần tinh thần trách nhiệm, công tâm của con người, đặc biệt là những người được giao trực tiếp quản lý nguồn lực.
Công đức hay sự đóng góp các hoạt động lễ hội cho cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đều là sự thiện tâm. Người công đức luôn gửi gắm vào đó tâm nguyện và tấm lòng. Và dù ít hay nhiều thì sự đóng góp ấy cũng đều cần được trân trọng và sử dụng đúng mục đích. Chỉ khi đó thì nhân dân, mới thực sự tin tưởng và từ đó sẽ lan tỏa thêm nhiều điều tốt đẹp. Thực tế, nguồn thu công đức tài trợ bên cạnh sử dụng để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa thì còn được sử dụng trong các hoạt động cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ý nghĩa tốt đẹp của hai từ công đức vì vậy sẽ ngày càng được bồi đắp vững bền./.