Đi đến tận nơi, thấu hiểu và chia sẻ - để không ai bị bỏ lại phía sau!

Trong suốt gần 5 tháng trời, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã đi thực tế tại hàng chục 'điểm nóng' về thiên tai, sạt lở ở gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với 'tư liệu sống' từ thực tế và hàng chục cuộc trao đổi, phỏng vấn với giới chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, nhóm đã triển khai xây dựng loạt bài chuyên đề 'Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!' với hy vọng không để ai bị bỏ lại phía sau! Tác phẩm đã được trao giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII.

Những câu chuyện nghề xông pha và xúc động… Từ những tác phẩm báo chí công phu, sáng tạo được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII đánh giá cao, có thể thấy rõ, những người làm báo Việt Nam tiếp tục bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được, đặc biệt tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước. Phía sau các tác phẩm báo chí công phu, sáng tạo, giàu tinh thần dấn thân ấy là những câu chuyện nghề xông pha và xúc động…

Tuyến bài rơi nước mắt nhiều nhất…

Những ngày giữa tháng 7/2023, trời mưa rả rích ở nhiều nơi trên cả nước. Sau mỗi trận mưa lớn, trượt, sạt lở đất lại dồn dập xảy ra, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, kinh tế mà còn kéo theo thiệt hại về người.

Trước thực tế đó, theo yêu cầu của Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn, nhà báo Hùng Võ cùng cộng sự là phóng viên ảnh Hoài Nam nhanh chóng lên kế hoạch cho hành trình đi thực tế tại một loạt khu vực “điểm nóng” sạt lở ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để ghi nhận thực trạng.

Nhà báo Hùng Võ kể: “Trong quá trình tác nghiệp, tôi và Hoài Nam đã chứng kiến và ghi nhận vô số hình ảnh, câu chuyện tai nạn thương tâm do sạt lở đất gây ra. Trong đó nguyên nhân không chỉ mỗi thiên tai, mà còn bởi sự tác động của bàn tay con người - nhân tai.

Đó là tình trạng bạt núi, phá rừng làm nhà ở, khu du lịch, trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy tự phát; hàng nghìn điểm sạt lở đất ven đường giao thông do không được kè chắn. Cũng bởi thế, có những vụ sạt lở nghiêm trọng “cướp đi” hàng chục sinh mạng xảy ra trước đó nhiều năm, nhưng đến nay vẫn còn hiện hữu nỗi lo, ám ảnh với người sống”.

Trên cơ sở thông tin ghi nhận được trong suốt gần 4 tháng đi sâu vào thực tế tìm hiểu, cùng ý kiến của giới chuyên gia, lãnh đạo các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, đầu tháng 12/2023, nhà báo Hùng Võ đã xâu chuỗi nội dung và xây dựng loạt bài chuyên đề “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!”

 Nhà báo Hùng Võ và Hoài Nam tác nghiệp tại điểm sạt lở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Nhà báo Hùng Võ và Hoài Nam tác nghiệp tại điểm sạt lở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

“Đây là loạt bài chuyên đề mà tôi rơi nước mắt nhiều nhất; trải qua nhiều pha thoát chết bởi hành trình một mình lái xe xuyên ngày đêm trên muôn nẻo đường khó khăn ở giữa rừng, hẻm núi đang trượt lở. Vì thế, sau mỗi chuyến đi, đối diện hiểm nguy ở hiện trường, ghi nhận những vụ việc thương tâm, tôi luôn trăn trở và mong muốn loạt bài sẽ “thức tỉnh” được người sống. Và tôi đã dành suốt 1 tháng trời, có nhiều đêm trắng nghiên cứu để hoàn thành tác phẩm tâm huyết” - nhà báo Hùng Võ xúc động.

Đồng hành cùng nhà báo Hùng Võ, phóng viên ảnh Hoài Nam chia sẻ, chuyến đi vừa rồi để lại rất nhiều cảm xúc cho anh, bởi những câu chuyện chẳng ai giống ai nhưng đều chung một nỗi đau từ thảm họa thiên tai sạt lở đất đá.

Hoài Nam vẫn ám ảnh mãi câu chuyện về 3 mẹ con không thoát khỏi cửa tử trong đêm định mệnh vì sự tắc trách từ chính quyền. Người ra đi còn quá trẻ, người ở lại bên cạnh di ảnh vẫn khói nhang nghi ngút là nỗi đau còn mãi với thời gian.

Cũng chuyến đi đó, câu chuyện về hai vợ chồng ra đi mãi mãi sau đêm mưa như xối nước xuống quả đồi sau nhà, vụ sạt lở đã cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà xuống mênh mông đồng nước. Nhưng, người ra đi cũng chẳng có chỗ kê ban thờ, người con trai cả trong gia đình phải gửi di ảnh ở nhà thờ.

“Nhà báo Võ Mạnh Hùng vẫn bảo tôi, “đi tận nơi, đến những điểm nóng để có những câu chuyện thực tế từ người dân, lắng nghe để thấu hiểu và chia sẻ…”. Có rất nhiều cảm xúc trong chuyến tác nghiệp này, những câu chuyện khiến 2 anh em chúng tôi quên đi mệt mỏi để đi tìm gốc rễ vấn đề, để sao cho những nỗi đau từ thảm họa khốc liệt từ thiên tai chẳng kéo dài thêm nữa…” - Hoài Nam tâm sự.

Lời “khẩn cầu” trách nhiệm vì tương lai

Một vụ việc sạt lở bờ kè nghiêm trọng đã vùi lấp ngôi nhà cấp bốn khiến 3 mẹ con (người mẹ sinh năm 1994 và 2 con ruột - bé gái 5 tuổi, bé trai 2 tuổi) tử nạn xảy ra vào rạng sáng 30/4/2023, tại phường Duyệt Trung, TP. Cao Bằng. Trong chuyến đi thực tế tại tỉnh vùng cao này, ngay khi biết tin, nhà báo Hùng Võ và Hoài Nam đã tìm tới gia đình thắp nén nhang và xin phép tìm hiểu lại vụ việc cũng như chia sẻ câu chuyện như lời cảnh tỉnh với người sống.

Nhà báo Hùng Võ nhớ lại, hôm ấy, vào một chiều đầu tháng 10, bên trong phòng trọ rộng khoảng hơn 8 m2. Trong câu chuyện với khách, trước ống kính máy quay, Dương Hiếu nghẹn ngào cho hay trước thời điểm xảy ra sự cố trên, Hiếu bán hàng áp phiên cho dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, sau khi trở về nhà, vì giữa đêm khuya, vợ và 2 con đang ngủ say - sợ mẹ con tỉnh giấc nên Hiếu không vào ngủ cùng mà nằm ở ngoài phòng khách. Đến khoảng hơn 2 giờ sáng, nghe tiếng đổ sập như sấm, Hiếu bật dậy thì xung quanh thấy toàn bụi và đất đá. Lo lắng tột cùng, Hiếu gọi vợ con, nhưng không thấy ai trả lời.

Trong tận cùng nỗi đau ấy, Hiếu đã không ít lần nguyện cầu “giá như!” Và điều cậu muốn gửi gắm là lấy “bài học nhân tai” gây ra cái chết thương tâm của người thân mình, để thức tỉnh người sống - nhất là cán bộ, chính quyền các cấp địa phương khi “cho phép” triển khai xây dựng các công trình hạ tầng hãy tính toán trách nhiệm và thận trọng hơn, để không bất cẩn gây ra những vụ việc đau lòng, mất mát tính mạng của người dân vô tội.

Trong loạt bài, nhà báo Hùng Võ không chỉ phản ánh toàn diện các vấn đề liên quan đến tác động của thiên tai lũ quét, sạt lở đất trong thời gian qua, mà còn phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, trực tiếp, gián tiếp. Từ đó, đề cập tới lời “khẩn cầu” trách nhiệm vì tương lai, cũng như đưa ra những giải pháp căn cơ, hiệu quả và an toàn bền lâu nhất, để góp phần giảm thiểu tối đa những rủi ro do thiên tai, sạt lở có thể xảy ra.

 Nhà báo Hùng Võ trong cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh.

Nhà báo Hùng Võ trong cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh.

Loạt bài này bao gồm lời giới thiệu và 5 bài viết, được thể hiện theo hình thức Mega - story - một kiểu báo chí chất lượng về cả nội dung và hình thức được trình bày công phu, không chỉ giúp độc giả tiếp cận những bài báo tử tế, sang trọng; mà còn mang đến cho người đọc nội dụng chuyên sâu với “mâm thông tin” đầy đủ và giá trị nhất, chính xác nhất.

Nhà báo Hùng Võ cho biết, đáng mừng là ngay sau khi loạt bài đăng phát và được chia sẻ rộng rãi, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, rà soát các điểm nguy cơ sạt lở để kịp thời nắm bắt tình hình và khắc phục. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần phải có những giải pháp cụ thể, tuyệt đối không chủ quan trước thiên tai, biến đổi khí hậu.

Đánh giá rất cao nội dung loạt bài, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh thời gian tới, cùng với công tác cảnh báo sớm, các địa phương cần phải hành động sớm đối với các điểm nguy cơ xung yếu; kiên quyết di dời các công trình, nhà ở khỏi các điểm được đánh giá “tổn thương” cao do thiên tai.

Về phía quốc tế, sau khi đọc loạt bài này, Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam - bà Ramla Khalidi nhấn mạnh thời gian tới UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa một Việt Nam Xanh, bền vững và tự cường hơn.

Hùng Võ mượn lời người xưa để kết thúc câu chuyện với tôi: “Đừng ăn quá no để dạ dày còn co bóp, đừng mặc quá ấm để còn cảm nhận thời tiết”. Thiên nhiên, môi trường cũng vậy, nếu o ép quá sẽ gây ra hệ lụy khôn lường. Vậy nên hãy bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau!”

Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/di-den-tan-noi-thau-hieu-va-chia-se--de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-post299577.html