Di dời trụ sở các Bộ, ngành: Cần một cơ chế đặc thù cho Hà Nội
Chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội ô Hà Nội để hình thành các khu hành chính tập trung, hiện đại đã có trong quy hoạch Thủ đô năm 1992. Tuy nhiên, từ mốc năm 1992 đến nay, mới chỉ di dời được 6 bộ, ngành: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Công an, Ngoại giao ra ngoài khu trung tâm.
Năm 2019, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) lập phương án di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra ngoài trung tâm TP Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có bộ, ngành nào trong số trên di dời. Trong khi trụ sở của các bộ, ngành này tập trung ở các quận trung tâm, tạo áp lực cho hạ tầng giao thông đô thị.
Trong cuộc họp báo đầu tháng 7 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà nội đã nêu lại hiện trạng này. Ông Tuyến cho rằng, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Xây dựng thực hiện việc di dời các cơ quan ra khỏi nội đô, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản trả lời lại UBND TP, khẳng định, cơ quan này đã có văn bản nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội thực hiện nhiệm vụ được giao về việc di dời theo quy hoạch. Bộ Xây dựng cho biết, căn cứ Luật Thủ đô 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành và UBND TP Hà Nội.
Theo đó, Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan Trung ương), trình Thủ tướng phê duyệt; giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo quy hoạch.
Bộ Tài chính xây dựng cơ chế chính sách về tài chính để khuyến khích, khai thác quỹ đất có hiệu quả, đảm bảo theo tiến độ và lộ trình di dời của TP Hà Nội và từng bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất phương án tài chính để đầu tư xây dựng trụ sở các bộ, ngành tại địa điểm mới bảo đảm tính khả thi. UBND TP Hà Nội được giao tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng các quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời...
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (bao gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.
Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây. Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành Trung ương, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2022, làm cơ sở triển khai các bước đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Tuy nhiên, ngay cả các Bộ, ngành đã chuyển ra làm việc tại trụ sở mới nhưng nhiều cơ quan vẫn chưa trả trụ sở cũ. Các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xin tiếp tục được làm việc tại trụ sở cũ nằm ở mặt đường các tuyến phố trung tâm của Thủ đô với lý do trụ sở mới bị quá tải. Một nguyên nhân nữa khiến các bộ, ngành chưa muốn di dời, bàn giao lại đất cho UBND TP Hà Nội là vướng Luật Đất đai.
Chiều 17/7, trao đổi với chúng tôi, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, muốn thay đổi được tình trạng trên, phải tạo ra cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Vì không chỉ với các trụ sở bộ, ngành. Ngay cả việc di dời các trường học, các cơ sở công nghiệp cũng vướng vấn đề Luật Đất đai.
“Tôi được biết, Luật Thủ đô đang sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm nay có nội dung để cho Hà Nội có quyền được tiếp nhận, thu hồi đất đai của các bộ, ngành, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã có trong danh sách di dời, đã được bố trí trụ sở mới. Sau khi tiếp nhận, Hà Nội sẽ xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh. Hy vọng, nếu Quốc hội thông qua thì Hà Nội mới có thể thực hiện được”, ông Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.