Đi đúng hướng, nông nghiệp sẽ tạo sức lan tỏa

Chiến lược nông nghiệp bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược dài hạn đầu tiên của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ giải quyết tốt những vấn đề nội tại để đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển bền vững. Xoay quanh chiến lược nêu trên, KTSG đã có cuộc trao đổi với ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Minh Hoan.

KTSG: Chiến lược nông nghiệp bền vững đến 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là chiến lược dài hạn đầu tiên của ngành nông nghiệp. Ông muốn chia sẻ điều gì về chiến lược này?

– Ông Lê Minh Hoan: Cần xây dựng chiến lược này vì những vấn đề liên quan đến nông nghiệp là rất rộng. Chúng ta tổ chức rất nhiều diễn đàn, hội thảo để “mổ xẻ” mặt mạnh cũng như nhược điểm; đưa ra quá nhiều vấn đề và mong muốn sẽ giải quyết được ngay.

Ngành nông nghiệp liên quan đến cả chục triệu hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; liên quan tới vấn đề khí hậu, thời tiết cực đoan; liên quan tới xu thế của thị trường; liên quan tới những cam kết của Việt Nam, trong đó có việc tạo ra nông sản có trách nhiệm.

Chính vì vậy, chúng ta không thể nào tư duy “muốn là được ngay”, mà phải có một chiến lược dài hạn để giải quyết từng nút thắt; vừa làm vừa tổng kết từng giai đoạn; đưa những giá trị, những thay đổi… Bởi, như vậy mới không quá háo hức với những thành quả ban đầu và ngược lại cũng không quá băn khoăn vì sao chưa đạt kết quả.

Tìm hướng đi quan trọng hơn kiểm soát hướng đi, bởi có hướng đi đúng thì sẽ có giải pháp đúng. Ví dụ, “tư duy sản xuất nông nghiệp” với “tư duy kinh tế nông nghiệp” là hai mục tiêu cách biệt rất xa. Nếu chúng ta cứ mãi mê với “tư duy sản xuất nông nghiệp”, tức lấy sản lượng làm mục tiêu, thì tất cả mọi giải pháp sẽ phục vụ cho mục tiêu đó. Còn nếu chuyển thành “mục tiêu kinh tế nông nghiệp”, thì mọi giải pháp, từ thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… phải đi theo hướng đó. Nếu tư duy sản lượng, thì bán nông sản thô và có thể giúp đứng nhất, đứng nhì thế giới (như xuất khẩu gạo). Nếu tư duy kinh tế, thì mục tiêu là chuỗi giá trị, giá trị gia tăng mới là quan trọng, dù có thể không đứng nhất, nhì.

Trên một đơn vị diện tích, độc canh cây lúa thì sản lượng sẽ cao hơn so với dành hai phần ba làm lúa và một phần ba nuôi tôm, nhưng rõ ràng giá trị mang lại trên cùng một đơn vị diện tích lúa-tôm sẽ cao hơn. Như vậy, chúng ta đi theo hướng đơn giá trị để đạt mục tiêu sản lượng hay tích hợp đa giá trị để tạo ra giá trị gia tăng, tức tăng thu nhập của người nông dân?

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử đất nước, hướng đi nêu trên (tăng sản lượng) là đúng. Thế nhưng, tài nguyên đã tới hạn, thậm chí chúng ta chưa tính hết giá trị tăng thêm trong thời gian vừa qua đã đánh đổi bao nhiêu chi phí vô hình không nằm trong bài toán hạch toán của nền nông nghiệp như chi phí môi trường, chi phí ảnh hưởng sức khỏe người nông dân, ảnh hưởng đa dạng sinh học…

Do đó, khi chúng ta thay đổi một loạt như vậy, thì không thể nào ngày một ngày hai, không thể thay đổi từ bảng chiến lược là xong, mà chiến lược đó phải đi vào đời sống của cả chục triệu hộ nông dân. Đã đến lúc phải định vị lại chiến lược dài hạn.

KTSG: Ông đề cập đến những vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp, đó là chi phí cao, chất lượng thấp; trọng sản xuất nhưng không gắn thị trường; ảnh hưởng đến môi trường… Vậy, trong chiến lược vừa được phê duyệt, những vấn đề này được giải quyết như thế nào?

– Chiến lược này có hai nhiệm vụ quan trọng.

Một là, giải quyết những vấn đề nội tại. Đó là một nền nông nghiệp mù mờ; một nền nông nghiệp đánh đổi; một nền nông nghiệp mà giá trị gia tăng không cao… Giải quyết những vấn đề nội tại đó không phải bằng chiến lược không, mà còn phải gợi mở ra một cái khung và bây giờ bắt đầu thực hiện ở từng cấp độ, bao gồm cấp độ cơ sở, cộng đồng dân cư; cấp độ huyện; cấp độ tỉnh; cấp độ vùng; cấp độ khu vực. Tùy cấp độ mà có kế hoạch hành động phù hợp dựa trên nền tảng liên kết hợp tác thị trường, chế biến tinh; giảm chi phí; nâng chất lượng.

Đồng thời, nhiệm vụ thứ hai, đó là đưa những giá trị mới của một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại; nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái vào.

Tức là một bên giải quyết những vấn đề nội tại, một bên đưa những giá trị mới vào. Hai nhiệm vụ này không phải thực hiện xong cái này, mới làm cái kia, mà quá trình đó vừa giải quyết vấn đề nội tại và bằng tri thức của nền nông nghiệp mới cùng tham gia xử lý.

Ví dụ, xưa nay bà con nông dân sử dụng quá nhiều phân thuốc, thì nay thay đổi bằng quy trình canh tác để làm sao giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng đầu ra; chuyển từ vô cơ sang hữu cơ… Hay nền nông nghiệp mù mờ đầu vào, đầu ra và cả quản lý, thì phải giải quyết bằng nông nghiệp số để có một nền nông nghiệp minh bạch, cung và cầu có thể khớp với nhau thông qua cơ quan quản lý nhà nước. Đại khái nó giải quyết những vấn đề như vậy.

KTSG: Xu hướng tiêu dùng của thế giới đã dần thay đổi, khách hàng không chỉ sử dụng sản phẩm ngon, chất lượng, mà còn chú trọng quá trình tạo ra sản phẩm đó phải không ảnh hưởng đến môi trường. Trong chiến lược cũng đề cập nội dung đó, vậy sắp tới vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào?

– Chúng tôi sẽ xây dựng những mô hình và truyền thông, tập huấn cho nông dân để họ thấy thay đổi tiêu dùng của thế giới sẽ xảy ra rất nhanh.

Thực tế, khi tôi tiếp xúc với các nhà tài trợ cho nông nghiệp Việt Nam và các cơ quan tham tán nước ngoài, họ cũng thông tin rằng không lâu nữa tất cả nông sản phải dán nhãn sinh thái. Năm ngoái, Chính phủ cũng đã ký ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh, trong đó, khuyến khích dán nhãn sinh thái vào sản phẩm của Việt Nam. Đó là thông điệp và cũng là cam kết của Việt Nam đối với thế giới.

Dĩ nhiên, mọi thay đổi so với những việc làm đã quen thuộc phải có khó khăn lúc đầu, nhưng không phải quá khó. Bởi, đằng sau sự thay đổi đó có cả một hệ thống cùng thay đổi với bà con nông dân để vừa khuyến khích được một mô hình, vừa tạo ra được thị trường cho sản phẩm theo xu thế tiêu dùng mới.

KTSG: Trước đây, nông nghiệp, nông thôn đi theo hai đường khác nhau, nhưng với chiến lược nông nghiệp bền vững, thì nó gắn bó hữu cơ với nhau. Ông có thể nói rõ hơn?

– Hãy xem nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực. Nền tảng là tạo ra cái nền, một cấu trúc xã hội ở nông thôn thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông thôn hoặc thông qua chương trình mang lại phúc lợi cho người dân nông thôn để tạo ra một cấu trúc bền vững, trong đó, người nông dân biết hợp tác, đoàn kết, sáng tạo… Tất cả những cái đó chính là động lực để cơ cấu lại nông nghiệp.

Cơ cấu lại nông nghiệp ở đây không có nghĩa là tăng tỷ trọng ngành này, giảm ngành kia, mà đưa ra những vấn đề chẳng hạn như hợp tác với nhau. Mười triệu hộ nông dân không thể mỗi một hộ cố thủ lại trong bờ bao, thửa ruộng của mình, mà phải liên kết lại. Liên kết đó, ngày xưa không biết đặt nó nằm bên nông nghiệp hay bên nông thôn. Còn bây giờ, hai cái đó hòa quyện lại, không thể nào có một nông nghiệp bền vững khi 10 triệu hộ nông dân cứ “mạnh người nào người nấy làm”, bởi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát là cái điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam.

KTSG: Với chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông kỳ vọng điều gì?

– Kỳ vọng nhất là thông qua bản chiến lược này, chúng ta định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mạng của nông nghiệp, nông thôn và cả nông dân trong cấu trúc kinh tế-xã hội đất nước trên con đường phát triển, công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu.
Chiến lược này cũng nhằm cho thấy bên cạnh thành tựu trong công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp, thì dư địa để phát triển đã chạm ngưỡng, thậm chí sẽ thu hẹp dần nếu không có cách tiếp cận khác, tư duy khác, mô hình khác thì sẽ tụt hậu không chỉ cho nông nghiệp mà sâu xa hơn là cho hàng chục triệu hộ nông dân. Nông nghiệp không nên chỉ nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội, là sự công bằng trên con đường đi đến thịnh vượng của đất nước.

Tóm lại, tôi kỳ vọng từ cấp độ quốc gia đến cấp độ địa phương đều thống nhất trong nhận thức rằng, bản thân nông nghiệp không phải là một ngành kinh tế độc lập đang chịu tác động của nhiều ngành kinh tế khác, mà ngược lại nếu phát triển đúng hướng sẽ có sức lan tỏa sang các ngành kinh tế và những lĩnh vực xã hội khác. Khi đã xác định đúng vai trò, vị trí, sứ mạng của nông nghiệp, nông thôn thì nguồn lực quốc gia, địa phương sẽ đầu tư nhiều hơn, cân đối hơn cho khu vực này. Khi ấy, nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ được cả guồng máy, xã hội trân quý, chăm chút nhiều hơn.

Trung Chánh thực hiện

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/di-dung-huong-nong-nghiep-se-tao-suc-lan-toa/