Ngày 14/11, các nghệ sĩ đang hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi bốt Hàng Đậu mở cửa cho khách tham quan từ 17/11 - 31/12. Khi đó, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian nghệ thuật lấy cảm hứng từ quan niệm Á Đông do nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự thực hiện.
Tháp nước Hàng Đậu (tên gọi khác của bốt Hàng Đậu) được người Pháp xây vào năm 1894, trước cả cầu Long Biên, nằm tại ngã 6 giao các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.
Triển lãm sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu hứa hẹn mang đến không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước. Triển lãm lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông. Lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển.
Ban tổ chức cho biết, đang hoàn thiện hệ thống tái hiện âm thanh của nước trong tự nhiên và sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về hình ảnh hiện vật được tái chế từ rác thải đô thị. Việc sắp đặt ánh sáng cơ bản đã hoàn thiện. Một mô đun bằng gỗ tái chế tạo thành đường đi hình tròn, men theo đường kính của bốt Hàng Đậu đã được đưa vào bên trong.
Họa sĩ Nguyễn Đức Phương cho biết, con đường gỗ được lắp đặt có thể tháo lắp dễ dàng, cùng lúc đón khoảng 20 - 30 khách mà không gây ảnh hưởng đến cấu trúc của bốt Hàng Đậu.
Nghe tin bốt Hàng Đậu sắp mở cửa đón khách tham quan, nhiều người có mặt để chụp ảnh. Bà Nguyễn Mỹ Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) tin rằng. với sự sắp đặt của các nghệ sĩ, nơi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn, kết nối với khu phố đi bộ Hoàn Kiếm.
Tháp nước Hàng Đậu được làm từ đá hộc, xi măng cốt thép. Khi phá thành Hà Nội vào năm 1894, đá được đưa về đây để làm bốt. Sau một thời gian bị xem là "di sản chết", đóng cửa với người dân, thì trong thời gian diễn ra Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, bốt Hàng Đậu sẽ được mở cửa cho công chúng tham quan.
Gắn bó với Hà Nội từ thời chiến tranh, ông Tạ Chí Thành (Ba Đình, Hà Nội) rất phấn khởi khi nghe tin bốt Hàng Đậu chuẩn bị mở cửa đón khách. Với ông Thành, nơi này gắn với nhiều kỷ niệm từ thời kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người dân Hà Nội coi tháp nước là nơi tránh bom đạn mỗi khi còi báo động vang lên.
Tuy nhiên, ông Thành lo ngại việc khu vực xung quanh tháp nước Hàng Đậu đang trở thành nơi phóng uế, thả rông vật nuôi. “Đoàn 5 người nước ngoài đi qua thì hai người dẫm phải phân chó, một người bắt gặp cảnh đái bậy”, ông Thành mong muốn ban quản lý sẽ đảm bảo vệ sinh khu vực này để có thể thu hút nhiều hơn khách du lịch.
Trong khi các nghệ sỹ đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm sắp đặt, thì bên ngoài bốt Hàng Đậu, một số người vẫn lén lút đi vệ sinh.
Việc phóng uế, đốt rác quanh quanh tháp nước Hàng Đậu khiến cảnh quan nơi đây nhếch nhác, ô nhiễm.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 - 26/11. Dịp này, nhà máy xe lửa Gia Lâm - một di sản công nghiệp được xây dựng từ thời Pháp thuộc sẽ được thiết kế lại, biến thành một tổ hợp sáng tạo, nơi sẽ diễn ra hơn 60 hoạt động sáng tạo khác nhau với các không gian triển lãm kiến trúc, hội họa, nhiếp ảnh, di sản đặc sắc.
Ngoài ra, người dân còn được tham gia các hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa sông Hồng, các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế, các chuỗi tọa đàm về sáng tạo...
Anh Hoàng