'Di sản dành cho cuộc sống' - nơi tôn vinh giá trị làng nghề
Mở đầu cho chuỗi hoạt động hưởng ứng sự kiện Tuần Du lịch Ninh Bình năm nay, chương trình 'Di sản dành cho cuộc sống' hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa mới mẻ, hấp dẫn.

Không gian làng nghề Ninh Bình được tái hiện ở Bến xe Đồng Gừng, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư.
Sau thành công của các sự kiện văn hóa thường niên và chuỗi lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi… , ngành Du lịch tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025. Một trong những hoạt động mở đầu là chương trình “Di sản dành cho cuộc sống” với nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn.
Theo đó, chương trình sẽ diễn ra từ ngày 2-4/5/2025 tại Bến xe Đồng Gừng, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động. Đến với chương trình, du khách và nhân dân sẽ được hòa mình vào nhiều trải nghiệm độc đáo như: tham quan không gian trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề và thưởng thức trà; thưởng thức chương trình nghệ thuật thời trang “Di sản dành cho cuộc sống”; diễu hành xe đạp và sản phẩm làng nghề.
Điểm nhấn đặc biệt là chương trình nghệ thuật thời trang sẽ diễn ra vào tối ngày 2/5 với sự xuất hiện của nhiều ca sỹ nổi tiếng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú uy tín như: NSND Thanh Lam, NSND Thái Bảo, NSND Phương Thảo, Rocker Phạm Anh Khoa… cùng hàng trăm diễn viên múa, người mẫu, hoa hậu.
Chương trình không chỉ là buổi hòa nhạc đặc biệt mà còn hứa hẹn mang đến một không gian nghệ thuật làng nghề độc đáo, mới lạ với những tiết mục trình diễn thời trang đến từ các nhà thiết kế nổi tiếng trong cả nước kết hợp cùng các nghệ nhân nghề thêu ren, nghề gốm, nghề dệt cói Ninh Bình.

Du khách tham quan khu vực trưng bày, triển lãm nghề gốm.
Theo đại diện Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, không gian Làng nghề được bố trí trên diện tích 3.500m2 tại Bến xe Đồng Gừng. Đến nay, các gian nhà gỗ đã được dựng xong, nhiều nghệ nhân đã vận chuyển sản phẩm về đây để trưng bày, trình diễn.
Không gian được trang trí bắt mắt với 300 bức tranh đồ họa về Ninh Bình, gần 1.000 bóng đèn thủy tinh được nghệ nhân đan lát thắt như những chiếc lồng đèn tạo ánh sáng huyền ảo. Tô điểm bên ngoài là những khoảnh đất trồng dâu tằm, hoa cảnh càng làm không gian thêm phần sống động.
Ông Đỗ Văn Tấn, xóm 2, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn cho biết: Tôi rất vui vì được mang nghề cói của ông cha đến với khách du lịch. Ngoài các sản phẩm như túi, đĩa, làn, mũ cói, năm nay tôi còn mang đến các sản phẩm nón cói, quạt cói. Đây là những vật dụng sẽ được trang trí, bày bán và sử dụng trong đêm trình diễn thời trang. Chúng tôi cũng bố trí thêm khu vực trải nghiệm để du khách có cơ hội tìm hiểu về giá trị độc đáo của nghề cói Kim Sơn.

Ông Đỗ Văn Tấn, xóm 2, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn sáng tạo nên những chiếc nón cói đặc sắc trưng bày ở không gian.
Còn nghệ nhân ưu tú, Nhà thiết kế Lan Hương chia sẻ: Ngay khi nhận được lời mời tham gia chương trình, bản thân tôi vô cùng háo hức và tràn đầy ý tưởng thiết kế. Tôi đã dành thời gian tìm hiểu về lịch sử của làng nghề thêu ren Văn Lâm và tìm gặp nghệ nhân nơi đây để lắng nghe, cảm nhận rõ hơn bút pháp tài hoa của tiền nhân để lại.
Đến với chương trình, tôi cho ra mắt bộ sưu tập mang tên “Dòng chảy tinh hoa” khắc họa những bức tranh tuyệt đẹp về miền quê Ninh Bình với hình ảnh người nông dân cần cù, an nhiên mà hạnh phúc. Bộ sưu tập vừa kết hợp giữa nét tạo hình tinh hoa của kỹ thuật rua ren Văn Lâm, vừa có kỹ thuật thêu tay của thế hệ kế thừa.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành Du lịch đã chủ động định hướng và triển khai xây dựng, làm mới nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, tạo nên trải nghiệm bốn mùa cho du khách.
Trong đó chương trình “Di sản dành cho cuộc sống” đươc tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như thêu ren Văn Lâm, dệt cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát...; là nơi giao lưu, kết nối giữa nghệ nhân và công chúng, tạo động lực tiếp nối nghề truyền thống. Đồng thời quảng bá hình ảnh Ninh Bình là điểm đến giàu bản sắc, thân thiện, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
“Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần Du lịch Ninh Bình, chúng tôi hi vọng mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ về thiên nhiên, văn hóa, con người vùng đất Cố đô. Đồng thời khẳng định nỗ lực của Ninh Bình trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác bền vững các giá trị di sản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh”- đồng chí Giám đốc Sở Du lịch thông tin thêm.

Du khách tham quan không gian Làng nghề.
Để chương trình diễn ra chu đáo, hiệu quả, Sở Du lịch đã ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng ban, bộ phận chuyên môn; đồng thời phối hợp với Trường Đại học Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động triển khai các nhiệm vụ liên quan đảm bảo tổ chức thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, góp phần tích cực phát triển ngành du lịch cũng như văn hóa Ninh Bình.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này, nhiều khu, điểm du lịch cũng làm mới sản phẩm để thu hút du khách như: Khu du lịch sinh thái Thung Nham khai trương cụm decor biểu tượng với mô hình bản đồ Việt Nam bằng nón lá truyền thống tượng trưng cho sự đoàn kết 54 dân tộc; chương trình nghệ thuật “Nhuộm màu ký ức” tại Phố cổ Hoa Lư với sự tham gia của các ca sỹ Ưng Hoàng Phúc, Akira Phan, Đức Phúc…
Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa truyền thống đặc sắc và những sản phẩm linh hoạt, sáng tạo đã góp phần đưa Ninh Bình là điểm đến của du lịch xanh, bền vững và hiếu khách. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Ninh Bình đón gần 5,61 triệu lượt khách, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch ước đạt gần 6.057 tỷ đồng, tăng 31,02%.
Kết quả này không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến Ninh Bình mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu đón trên 9,1 triệu lượt khách, doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mà ngành đặt ra trong năm 2025.