Di sản Văn hóa Sa Huỳnh
Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Với giá trị lịch sử đặc biệt đó, Quảng Ngãi đang làm hồ sơ đề nghị công nhận nơi đây là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh gồm có 6 địa điểm: Thạnh Đức, Long Thạnh, Phú Khương, quần thể di tích Chămpa, đầm An Khê và lạch An Khê, với diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực I và II là hơn 500ha. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh nếu được đầu tư, tôn tạo và phát huy tốt sẽ hoàn toàn được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới với đầy đủ các yếu tố cần thiết để có thể biểu đạt các giá trị nổi bật toàn cầu của nó. Sau khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, Quảng Ngãi đang từng bước xúc tiến, nghiên cứu công tác xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Cụ thể, sẽ trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới sẽ được mở rộng ở 4 khu vực: Sa Huỳnh (cửa biển), Lý Sơn (hải đảo), Bình Sơn (nghĩa địa tàu cổ) và Sơn Hà (thung lũng núi) có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, tạo nên diện mạo đa sắc về phức hệ sinh thái văn hóa của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ, sự hiện diện của nền Văn hóa Sa Huỳnh cổ tại Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh, không phải nơi nào cũng có. Quảng Ngãi cần triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản gắn với phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên nghiên cứu, triển khai khảo cổ các điểm mới nhằm tiếp tục phát hiện những dấu tích của Văn hóa Sa Huỳnh đang còn chìm dưới lòng đất.
“Những di sản của Văn hóa Sa Huỳnh rất độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Vì vậy cần được đầu tư, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên vô giá này, đưa di tích Văn hóa Sa Huỳnh thành điểm đến của du lịch mang tầm khu vực và quốc tế. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia luôn sẵn lòng hỗ trợ để cùng với tỉnh Quảng Ngãi chung tay, góp sức bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản Văn hóa Sa Huỳnh xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt”, PGS.TS Bùi Văn Liêm khẳng định.
Còn theo GS.TS Trương Quốc Bình - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam, tính đến nay, ở Việt Nam có gần 4.000 di tích cấp quốc gia và gần 200 di tích văn hóa quốc gia đặc biệt, trong đó có Di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Để đưa Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh trở thành Di sản Văn hóa Thế giới trong thời gian tới, Quảng Ngãi cần đổi mới công tác quản lý, quan tâm đầu tư, xây dựng quy hoạch tổng thể công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Công tác bảo vệ di tích cần song song với việc mang lại nguồn lợi, tạo điều kiện, phát triển sinh kế người dân vùng di tích, gắn với phát triển du lịch. Trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích không phải của các cấp, các ngành mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện việc xây dựng hồ sơ cũng như tham gia bảo vệ để Văn hóa Sa Huỳnh sớm trở thành di sản văn hóa thế giới”, ông Bình nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới là cơ hội nhưng đồng thời cũng thách thức đối với tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, đòi hỏi phải tập trung nghiên cứu tham vấn ý kiến từ các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản. Để có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ngãi thực hiện công tác lập hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm hướng dẫn địa phương về quy trình, thủ tục, nội dung lập hồ sơ di tích, di sản văn hóa thế giới theo quy định.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202312/di-san-van-hoa-sa-huynh-f9e0eb2/