Đi thuyền trên sông Son
Tôi lần đầu biết đến sông Son và cũng là lần đầu được đi thuyền trên sông Son khi tham quan động Phong Nha. Nhớ lúc còn ngồi trên xe ô tô khi nghe cô phụ trách đoàn (cán bộ Nhà khách Bảo Ninh, TP Đồng Hới, của Bộ Công an) thông báo: 'Tiếp theo đây đoàn chúng ta sẽ tham quan động Phong Nha'. Tôi đã 'giãy nảy' lên vì trước đó chừng hơn tiếng chúng tôi mới tham quan động Thiên Đường về.
Đã đành nói về động Thiên Đường, tôi chỉ biết nói đúng 4 chữ: “Đúng là thiên đường”, bởi đây là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam. Nhưng thú thực, để lên tới được cửa vào động Thiên Đường tôi đã mệt bã cả người. Đường lên cứ lượn vòng, cứ thấy leo mãi mà chưa tới.
Nghe thông báo “Sẽ tham quan động Phong Nha” mà tôi phát hoảng. Tôi vội giơ tay nói: “Cá nhân tôi xin phép đợi đoàn ở bãi gửi xe, chứ tầm này sắp trưa rồi. Có bao nhiêu cơm cháo trong bụng giờ đã hết”. Cô phụ trách đoàn cười phá lên rồi nói: “Tham quan động Phong Nha đoàn ta không phải leo núi mà sẽ ngồi thuyền. Nếu cô chú nào thấy đói thì tới bãi đỗ xe đoàn sẽ nghỉ ít phút để các cô chú tranh thủ mua gì đó ăn tạm ạ”. Nghe thấy không phải leo núi là thấy ổn rồi, tôi lại vội giơ tay nói to: “Thế thì chú cũng đi cùng đoàn. Nhớ mua vé cho chú nhé”.
Thuyền bắt đầu rời bến để ngược dòng, tiếng máy nổ giòn tan khuấy động cả một đoạn sông. Đi chừng vài trăm mét thì tới cửa động Phong Nha. Đó là một vòm hang rộng và cao thoáng, khi thuyền vừa chui qua cửa hang thì nhân viên điều khiển thuyền tắt máy. Người điều khiển thuyền nhanh chóng cầm lấy tay chèo. Tôi hỏi cô hướng dẫn viên khu du lịch đi hướng dẫn cho đoàn: “Sao không chạy máy cho nhanh, cho đỡ mệt?”. Cô hướng dẫn viên nhỏ nhẹ trả lời (Chao ơi giọng con gái Quảng Bình nghe sâu lắng thế): “Dạ. Theo quy định thì đã vào động là phải chèo tay. Chạy máy thì sóng nước sẽ tác động xấu đến động ạ”.
Bấy giờ tôi mới hiểu: Được tạo nên bởi một dòng sông ngầm (dài 13.969m), động Phong Nha dài 7.729m, có 14 hang. Có nghĩa là động Phong Nha là một hang động hoàn toàn “nằm” trên một dòng sông. Đây chính là nét riêng của động Phong Nha. Tôi hỏi cô hướng dẫn viên: “Thế đoạn sông trong động được gọi là tên là gì?”. Cô hướng dẫn viên vẫn giọng trả lời nghe sâu lắng: “Đây là sông Son các cô chú ạ”.
Rồi cô tranh thủ không gian khá yên ắng bắt đầu câu chuyện của mình. Theo đó, sông Son bắt nguồn từ mạch ngầm trong lòng núi, hay còn được người dân địa phương gọi là “nguồn Son” hay “sông Troóc” theo cách phát âm của người bản địa. Sông đã “âm thầm” chảy ngầm như thế suốt hàng triệu năm. Chúng tôi còn được cô cho nghe truyền thuyết về tên gọi Sông Son: Có truyền thuyết cho rằng vì vào đầu thế kỷ 19, quânTây Sơn bị quân của Nguyễn Ánh giết chết nhiều tại sông này, máu loang ra đỏ cả dòng sông. Lại có truyền thuyết khác kể về một chuyện tình giữa một cô gái con nhà giàu và một chàng trai con nhà nghèo. Mặc dù bị gia đình phản đối do không môn đăng hộ đối, cô gái vẫn sắt son. Cuối cùng hai người dẫn nhau tới dòng sông này tự vẫn. Người dân quanh vùng cảm động trước mối tình của hai người nên đặt tên là sông Son. Tuy nhiên nhiều người địa phương nói rằng gọi là sông Son vì vào mùa mưa lũ, nước sông rất đỏ.
Cô hướng dẫn viên cho biết: “Sông Son chỉ “hiện hình” chảy giữa đôi bờ như các dòng sông khác khi qua cửa Động Phong Nha. Sông Son là một chi lưu của sông Gianh, sông sẽ nhập vào sông Gianh tại thị xã Ba Đồn”.
Con thuyền vẫn cần mẫn ngược sông Son, không gian càng ngược sâu vào trong động càng trở nên đầy bí hiểm. Ánh sáng trong động vẫn đủ để mọi người quan sát bởi nó được nguồn sáng từ cửa động hắt vào. Không gian thoáng đãng và lòng động khá rộng rãi. Tôi hỏi thêm khi mọi người đang yên lặng ngắm nhìn bức tranh đá muôn hình muôn vẻ trên vòm động, như những bức tranh nổi được thiên nhiên chạm khắc nên: Tôi hỏi thêm cô hướng dẫn viên: “Tên gọi Phong Nha có ý nghĩa gì?”. Cô hướng dẫn viên cho biết: “Dạ. Gọi là động Phong Nha bởi động này nằm trên đất làng Phong Nha ạ”. Vẫn chưa hài lòng nên tôi cự lại: “Sao không gọi là Động Son cho trúng với tên sông?”. Cô hướng dẫn viên vẫn kiên nhẫn trả lời: “Dạ. Cái tên “động Phong Nha” nghe đầy thi vị đấy chú”, rồi cô lấy tay che miệng cười: “Tên Phong Nha có nghĩa là “gió luồn qua kẽ răng” vì những thạch nhũ nhỏ xuống ở cửa động nhìn từa tựa như những chiếc răng ạ”.
Càng đi vào sâu bên trong động thì dòng sông Son nhỏ hẹp dần lại. Nước ở đây chảy êm đềm, nhẹ nhàng nên người đẩy tay chèo cũng đỡ phải gồng lên, đỡ mất sức bởi con thuyền này cũng không hề nhỏ, nó có sức chứa đến mấy chục người chứ đâu có ít. Cô hướng dẫn viên cho hay: “Sông Son chảy trong động nên không bị tác động của gió hay của bất cứ thứ gì khác nên dòng chảy mới êm vậy”.
“Tôi khỏa tay xuống mặt nước lạnh tê tê/ Thấy cái níu/ Rất chi là thân thiện Một sợi dây có lẽ là ứng nghiệm/ Người Việt xưa đang thủ thỉ dặn dò”. Tôi bật lên câu thơ ấy sau khi mạnh dạn cúi người thò tay xuống nước, cái hay khi chọn vị trí ngồi trên thuyền lúc này được thêm lợi thế ấy. Tôi cứ để bàn tay mình lâu lâu dưới làn nước sông Son và chợt nhận ra: Mình được cảm nhận về vẻ đẹp của những thạch nhũ trong Động Phong Nha và cảm nhận được cái thi vị của dòng sông chảy ngầm trong núi. Hai cảm nhận ấy đã tạo cho tôi một cảm nhận mới, đó là: Như thấy được cái hồn của Động Phong Nha.
Đã đến điểm mà thuyền phải quay đầu trở lại, muốn đi tiếp hay muốn vào sâu trong Động Phong Nha phải được phép của Ban quản lý, phải có thuyền nhỏ hơn và người trên thuyền phải được trang bị những thiết bị đặc biệt, vì càng vào sâu càng tối, càng ít không khí và rất nguy hiểm.
Con thuyền nhẹ nhàng cua một vòng vừa đủ để quay đầu, tôi ngẩn người tiếc rẻ vì không được vào sâu thêm chút nữa. Cô hướng dẫn viên kể thêm cho chúng tôi nghe về câu chuyện của động. Cô cho biết: “Động Phong Nha cũng có “linh hồn” đấy các cô các chú ạ”. Nghe cũng hay hay nên tôi đề nghị cô nói rõ hơn, cô hướng dẫn viên kể: “Đất hay sông đều có “chủ” của nó. Ngày xửa ngày xưa ở động này có vị Thần chủ luôn bảo trợ người dân nơi đây, Ngài đã được các thế hệ cư dân quanh vùng trang (làng) Phong Nha trao truyền cho nhau sự kính ngưỡng, thờ phụng, Ngài còn được triều đình nhà Nguyễn phong thần, ban thần hiệu. Hiện người dân và ngành du lịch đã tôn dựng cho Ngài một ngôi đền riêng để tá túc mà làm yên lòng du khách. Ngôi đền chùa đó được gọi là “Tiên Sư tự” có nghĩa là “Thầy Tiên”.
Đã ra tới gần cửa động, thuyền ghé neo vào dải bờ cát ngay đó, chúng tôi đã có khoảng thời gian ngắn để vừa đi bộ vừa ngắm thêm những thạch ngũ muôn hình kỳ thú. Ở đây không chỉ có những thạch nhũ rủ xuống mà còn vô số những thạch đá nổi trên mặt đất, tạo nên những hình thù đa diện. Những thạch đá này như bức tranh nổi mô tả cuộc sống của người tiền sử vậy? Chúng tôi không chỉ được ngắm, được sờ mà còn được tạo dáng bên nhưng thạch đá để check in nữa. Vừa đi bộ vừa ngắm cảnh do thiên nhiên tạo dựng nên ai ai đều không thấy mệt, lại thấy hân hoan với những phát hiện đầy ngỡ ngàng. Đến cửa động đã thấy thuyền neo bờ chờ đợi. Quả thực vẻ đẹp của Động Phong Nha cũng chỉ biết nói bốn chữ: “Quá là tuyệt vời”.
Lại lên thuyền, lần này thì thuyền chạy xuôi. Sau khi ra khỏi cửa động, sông Son tựa như dải lụa mềm mại, chảy uốn lượn theo chân núi, ôm lấy làng quê và bờ bãi. Nước sông xanh ngắt được điểm thêm những bóng những dãy núi đá phủ đầy rêu in xuống mặt sông tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và đầy thơ mộng.
Cô hướng dẫn viên nói: “Nếu như có điều kiện, các cô chú sẽ đi thuyền dọc sông Son, đi tới tận sông Gianh”. Cô im lặng vì thấy vẻ mặt tiêng tiếc của tôi, rồi nói tiếp: “Dạ. Sông Son không chỉ mang nét đẹp nhẹ nhàng mà còn giữ được vẻ hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng miền tây Quảng Bình đấy ạ”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/di-thuyen-tren-song-son-i734311/