Di tích chùa Xẻo Cạn

Chùa Sirivansa - Xẻo Cạn được thành lập vào mùa xuân năm 1962 tại ấp Cạn Vàm A, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Chùa Xẻo Cạn từng là nơi hội họp, nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ yêu nước.

Chùa Xẻo Cạn được thành lập theo yêu cầu của Mặt trận giải phóng khu Tây Nam bộ và nguyện vọng của chư tăng, phật tử địa phương. Năm 1962, các bô lão người Khmer huy động đồng bào phật tử khai phá rừng hoang, đào đắp nền chùa, huy động sức người, sức của để xây chùa Xẻo Cạn bằng cây, lá.

Ông Danh Đen - Trưởng Ban quản trị chùa Xẻo Cạn kể: “Chùa được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân theo đạo phật; đồng thời là nơi hội họp, nuôi chứa các vị sư và phật tử yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Năm 1964, máy bay địch bắn phá chùa dữ dội làm chánh điện bị hư hỏng nặng, tượng phật bị gãy một cánh tay, liêu các sư ở cũng bị sụp đổ. Năm 1965, địch mở cuộc càn quét, nhiều đồng bào sơ tán vào chùa ẩn nấp. Một tốp máy bay giặc bay phía trên nóc chùa và nổ súng.

Nghe tiếng súng, Đại đức Danh Chuối - trụ trì chùa Xẻo Cạn đứng giữa sân chùa với áo cà sa vàng óng ánh, mục đích để cho địch thấy và biết đây là chùa, nơi tu hành nhưng máy bay địch vẫn nhả đạn.

Dù nguy hiểm nhưng Đại đức Danh Chuối vẫn đứng giữa sân chùa. May mắn không một viên đạn nào bắn trúng Đại đức mà chỉ làm rách áo cà sa. Khi máy bay địch đi xa, người dân chạy ra đón đại đức vào.

Đại đức Danh Hoàng Nan - phó trụ trì chùa Xẻo Cạn và phật tử ôn lại truyền thống cách mạng của chùa.

Đại đức Danh Hoàng Nan - phó trụ trì chùa Xẻo Cạn và phật tử ôn lại truyền thống cách mạng của chùa.

Năm 1969, máy bay địch bay thành từng đàn, chúng cẩu pháo đặt trên nền chùa rồi cho quân nhảy dù xuống chiếm đất chùa để xây dựng thành trận địa pháo dã ngoại nhằm bắn phá sâu hơn vào khu căn cứ U Minh. Trong trận địa đó, máu của một vị sư và hai trẻ thơ nhuộm đỏ sân chùa.

Ông Danh Tường - thành viên Ban quản trị chùa Xẻo Cạn kể: “Lúc ấy, trong chùa có nhiều người dân và trẻ nhỏ, tôi là một trong những người may mắn thoát nạn trong đợt ấy. Vị sư bị giặc nã pháo tử vong là phó trụ trì chùa và là chú ruột của tôi. Sau đợt đó, phật tử càng căm thù hành động dã man của địch”.

Giữa năm 1969, khi giặc đến càn quét, phật tử và tu sĩ tản cư đi nơi khác, lúc địch rút thì sư sãi và phật tử trở về chùa. Đến cuối năm 1969, tình hình tạm ổn và phật tử tiếp tục trở về với chùa. Năm 1974, các vị sư chùa Xẻo Cạn và một số phật tử cùng tham gia cuộc biểu tình lớn của sư sãi và phật tử ở 72 chùa Khmer trong tỉnh để chống lại lệnh bắt sư sãi đi lính.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chùa Xẻo Cạn còn là nơi nuôi chứa và bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng. Các vị sư và phật tử còn tham gia giao liên, binh vận, rải truyền đơn, treo cờ cách mạng và đóng góp lúa gạo, tiền bạc phục vụ kháng chiến đến đại thắng mùa xuân năm 1975.

Ông Danh Thuận, ngụ ấp Cạn Vàm A, xã Thạnh Yên nói: “Tôi nhớ vào ngày giải phóng người dân vui mừng kéo ra đường rồi đi đến chùa làm lễ, chúc mừng nhau trong niềm vui thống nhất nước nhà”.

Từ ngôi chùa nhiều lần bị giặc bắn phá, chùa Xẻo Cạn được xây dựng kiên cố và khang trang. Chùa Xẻo Cạn được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/di-tich-chua-xeo-can-13907.html