Di tích Dốc Gạo: Lưu dấu giá trị đàn đá Khánh Sơn

Sau nhiều nỗ lực, Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) đã được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ đây, mở ra những hướng đi mới đối với việc giữ gìn, phát huy giá trị một di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của đồng bào huyện Khánh Sơn.

Địa điểm Dốc Gạo gắn liền với đàn đá Khánh Sơn

Ngày 18-1, hai bộ đàn đá Khánh Sơn, cùng 28 hiện vật, nhóm hiện vật khác trong cả nước đã được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Hai bộ đàn đá có niên đại cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Đây không chỉ là niềm tự hào đối với đồng bào huyện Khánh Sơn, mà còn là niềm vui chung của nhân dân toàn tỉnh. Đi tìm hiểu về nguồn gốc của bảo vật quốc gia đàn đá Khánh Sơn, các nhà khoa học đã chứng minh được sự gắn bó mật thiết với Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo. Theo các tài liệu còn lưu lại, hai bộ đàn đá Khánh Sơn có ký hiệu A và B với 12 thanh kích thước khác nhau, được gia đình ông Bo Bo Ren (người dân tộc Raglai) tìm thấy ở núi Dốc Gạo, xã Trung Hạp (nay là thị trấn Tô Hạp), huyện Khánh Sơn. Đầu năm 1979, ông Bo Bo Ren đã bàn giao lại 2 bộ đàn đá này cho chính quyền địa phương. Sau khi tiếp nhận hai bộ đàn đá Khánh Sơn từ chính quyền tỉnh Phú Khánh, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin) đã cử cán bộ đi cùng đoàn của Ty Văn hóa và Thông tin tỉnh Phú Khánh lên Khánh Sơn để tiếp tục điều tra sưu tầm đàn đá.

Lãnh đạo huyện Khánh Sơn đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo.

Lãnh đạo huyện Khánh Sơn đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo.

Năm 1980, Ban Khảo cổ học của Viện Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam đã tiến hành 2 đợt khảo sát tại núi Dốc Gạo và phát hiện hơn 500 mảnh tước cùng loại đá của đàn đá Khánh Sơn, trong đó có một số thanh đàn đá còn đang chế tác dở dang và bị vỡ. Bước đầu nghiên cứu đá, các nhà khoa học đã xác định đó là những mảnh tước được ghè đẽo ra từ các thanh đàn đá Khánh Sơn. Loại đá đó là đá Rhyolite Porphyre có sẵn tại chỗ và rất nhiều ở núi Dốc Gạo. Điều này chứng minh, bộ đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại chỗ, bằng chất đá tại chỗ, chứ không phải từ nơi khác đưa đến. Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho rằng, Dốc Gạo trong một giai đoạn lịch sử nhất định từng là một công xưởng chế tạo đàn đá, một trung tâm làm đàn đá đầu tiên được phát hiện.

Tiếp tục phát huy giá trị di tích

Mới đây, tại buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo do huyện Khánh Sơn tổ chức, ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trải qua quá trình sinh sống lâu đời, đồng bào Raglai trên địa bàn huyện đã bồi tụ nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân huyện Khánh Sơn đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, lễ tạ ơn, sử thi Raglai, mã la, đàn đá... Địa phương cũng có nhiều hoạt động để phát huy giá trị các di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Căn cứ cách mạng Tô Hạp, thắng cảnh thác Tà Gụ. Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo được xếp hạng di tích cấp tỉnh là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm của nhân dân, chính quyền huyện Khánh Sơn. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của huyện sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích này; giới thiệu, quảng bá di tích gắn với hoạt động du lịch; xây dựng các chuyên đề về lịch sử, văn hóa địa phương gắn với di tích để hướng dẫn học sinh tìm hiểu và nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát huy giá trị di tích...

Chị Cao Thị Thanh Thảo - Phó Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn cho biết, tiếp nối các hoạt động góp phần giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ cách mạng, thời gian tới, các cấp bộ đoàn sẽ thực hiện những việc làm thiết thực như: Hành trình tôi yêu Tổ quốc tôi; lễ kết nạp đội viên, đoàn viên mới; đặt mã QR... tại Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo. Bên cạnh đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên sẽ đóng vai trò tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu để nơi đây trở thành một địa chỉ quen thuộc của khách du lịch trong, ngoài tỉnh, các tầng lớp nhân dân địa phương để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Raglai.

Được biết, sau khi Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo được xếp hạng di tích cấp tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ phối hợp với huyện Khánh Sơn trong việc xác định vị trí xây dựng và quy cách của bia di tích; thực hiện khoanh vùng cắm mốc di tích. Bên cạnh đó, huyện Khánh Sơn cũng sẽ rà soát, kiểm tra hiện trạng di tích để kịp thời trùng tu, tôn tạo, bảo vệ phát huy giá trị của di tích; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại di tích.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202406/di-tich-doc-gaoluu-daugia-tri-dan-da-khanh-son-9925b40/