Di tích lịch sử Đền Hùng
“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”.
Hằng năm, vào dịp giỗ Tổ, hàng triệu người Việt Nam thuộc các thế hệ “con Rồng cháu Tiên” lại nô nức về với đất Tổ để dâng hương tại Đền Hùng nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân đến tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc, cầu mong bình an, sức khỏe cùng những điều tốt đẹp.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các di tích thờ cúng Hùng Vương được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ, trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, thể hiện tình cảm, sự tri ân công ơn các vua Hùng và tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đền Hùng - vùng đất Tổ linh thiêng.
Đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Trong khu vực đền Hùng có 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng và một số hạng mục kiến trúc khác, được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi khí thiêng của non sông hội tụ.

Cổng đền được xây dựng vào thời nhà Nguyễn, năm Khải Định thứ 2 (1917). Trên vòm cổng, ở chính giữa có bức đại tự khắc 4 chữ Hán được phiên âm là: “Cao Sơn Cảnh Hành” dịch nghĩa: Núi cao đường lớn.

Đền Hạ được xây dựng khoảng thế kỷ XVII - XVIII trên nền đất cũ. Kiến trúc của đền theo hình chữ “nhị”, gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi tòa có 3 gian. Kiến trúc đền khá đơn sơ không có nhiều họa tiết mỹ thuật trang trí cầu kỳ.

Ngay chân đền Hạ là nhà bia với kiến trúc hình lục giác, xây dựng năm 1917. Trong nhà bia hiện nay đặt một bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm đền Hùng ngày 19/9/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bên trái Đền Hạ là chùa Thiên Quang, trước đây gọi là Sơn cảnh thừa long tự. Đây là chùa thờ Phật theo hệ phái Đại thừa. Trước sân chùa có tháp sư hình trụ cao 4 tầng thờ cúng các vị hòa thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. Trong chùa còn có một gác chuông, được xây dựng vào thế kỷ XVII.

Đền Trung - còn gọi là Hùng Vương Tổ miếu được tương truyền là nơi các Vua Hùng ngắm cảnh và luận bàn việc nước cùng chư vị Lạc hầu, Lạc tướng. Đây cũng chính là nơi gắn liền với sự tích vua Hùng thứ 6 truyền ngôi cho Lang Liêu - vị hoàng tử đã làm ra bánh chưng, bánh dày.

Đền Thượng.
Đền Thượng là đền cao nhất trong quần thể Đền Hùng, nằm trên đỉnh núi, có tên chữ là Kính Thiên Lĩnh điện (Điện cầu trời) hoặc Cửu trùng thiên điện (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền rằng khi xưa đây là nơi các vua Hùng tổ chức lễ tế trời đất và thần lúa để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Đồng thời, đây cũng là nơi gắn với sự tích Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh thắng giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng dẹp giặc và bay về trời, vua cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi. Về sau, nhân dân đặt bài vị vua Hùng vào để thờ cúng.
Kiến trúc đền Thượng theo kiểu chữ “vương”, trang trí đơn giản, không chạm trổ cầu kỳ và gồm có 4 cấp: cấp I - nhà chuông trống, cấp II - đại bái, cấp III - tiền tế và cấp IV - hậu cung.

Bên trái đền Thượng là cột đá thề, tương truyền cột đá này do An Dương Vương Thục Phán dựng lên để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước và đời đời trông nom miếu vũ họ Vương khi được Hùng Vương thứ 18 truyền ngôi đã thề: ‘‘Noi gương các vua Hùng quyết giữ vững cơ đồ Hùng - Thục”.

Phía đông Đền Thượng là Lăng Hùng Vương, có địa thế đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt hướng về phía Đông Nam. Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6. Ban đầu là mộ đất, đến năm Tự Đức thứ 27 (1870) được xây mộ dựng lăng và trùng tu lại vào năm Khải Định thứ 7 (1922).

Giếng cổ (còn gọi là giếng rồng), tương truyền sau khi tổ mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành 100 người con trai đã dùng nước giếng này tắm cho các con. Năm 2002 các nhà khoa học tiến hành khai quật tại khu vực giếng cổ đã phát hiện trong lòng giếng những dấu tích văn hóa của các thời kỳ: Lý - Trần - Lê - Nguyễn.

Đền Giếng.
Đền Giếng ở Đền Hùng có tên chữ là Ngọc Tỉnh, tương truyền là nơi hai vị công chúa của Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, vấn tóc. Hai bà có công lớn trong việc dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được lập đền thờ phụng muôn đời tại đây.
Đền được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, có kiến trúc kiểu chữ “công”, mặt hướng về phía Đông Nam với ba nhà: tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian). Nhà tiền bái và nhà hậu cung được nối liền bởi phương đình. Ngoài ra, cổng đền có kiểu cách gần giống cổng chính nhưng nhỏ hơn và thấp hơn.
Tại đền Giếng, ngày 19/9/1954, trước khi cùng Đại đoàn quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bức phù điêu lớn tại khuôn viên khu di tích được đúc bằng chất liệu đồng, có hình vòng cung với chiều dài 28,16m; cao 10,99 m. Đây là bức phù điêu mới được thay từ cuối năm 2024, do bức phù điêu bằng đá cũ đã xuống cấp, cũng là điểm các đoàn khách checkin trong cuối hành trình dâng hương tại đền Hùng.

Trở về nguồn cội là khát vọng tâm linh của mỗi người dân Việt Nam. Về với đất Tổ đền Hùng là dịp để các thế hệ “con Rồng cháu Tiên” bày tỏ lòng thành kính, tri ân đến tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc và cầu mong sức khỏe, bình an cùng những điều tốt đẹp.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/di-tich-lich-su-den-hung-3176241.html