Người trẻ yêu văn hóa dân tộc
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết. Tại Quảng Ngãi, nhiều bạn trẻ đã và đang tiếp nối mạch nguồn, nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.


Giữa dòng chảy của xã hội hiện đại với sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, song nhiều bạn trẻ trong tỉnh vẫn luôn khát khao gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều bạn trẻ ở các địa phương đã có cách làm sáng tạo, thiết thực để gìn giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Anh Đinh Văn Đen (33 tuổi), ở thôn Gò Chu, xã Sơn Thành (Sơn Hà) là một tấm gương trẻ điển hình về ý chí vượt khó, theo đuổi đam mê thiết kế, may đo các trang phục dân tộc truyền thống.

Anh Đinh Văn Đen dành nhiều tâm huyết để tạo nên những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt.
Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh Đen đã sớm phải nghỉ học để vào miền Nam mưu sinh. Ban ngày, anh làm công nhân để tích lũy vốn, còn ban đêm học nghề tại một tiệm may. Dù gian nan, anh không bỏ cuộc để mở ra hướng tương lai cho mình. Sau 2 năm nỗ lực, anh trở về quê mở tiệm may. Nhận thấy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần mai một, hơn 4 năm qua, anh Đen đã chuyển hướng sang thiết kế và may đo trang phục dân tộc như áo dài, váy thổ cẩm với nhiều kiểu dáng đa dạng. Anh Đen chia sẻ, trang phục dân tộc truyền thống rất đẹp, nhưng chưa được nhiều người ưa chuộng. Đó là lý do tôi luôn trăn trở tìm cách lan tỏa niềm đam mê về trang phục này. Tôi đã dành thời gian nghiên cứu, từ phác thảo thiết kế đến phối thổ cẩm sao cho hài hòa và đẹp mắt. Một bộ trang phục đẹp không chỉ để ngắm mà còn phải tạo điểm nhấn, tôn lên nét đẹp của người mặc.

Bộ trang phục của dân tộc Hrê do anh Đinh Văn Đen, ở thôn Gò Chu, xã Sơn Thành (Sơn Hà) thiết kế, may được nhiều khách hàng yêu thích.

Thời gian đầu, anh Đen gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, do tiệm may nhỏ ở xóm làng xa xôi. Dù vậy, anh vẫn không nản chí, miệt mài thiết kế, thổi hồn vào các sản phẩm của mình. Anh cập nhật xu hướng để tạo ra những bộ trang phục cổ truyền cách điệu, hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống. Bên cạnh việc may đo áo dài, váy thổ cẩm, anh còn thiết kế váy cưới thổ cẩm để mở rộng phân khúc khách hàng. Tiệm may của anh dần trở thành thương hiệu được nhắc đến như một người trẻ “lội ngược dòng” tìm về vẻ đẹp trong trang phục truyền thống Việt Nam. Khi đã thành công trong việc theo đuổi đam mê, anh Đen còn nhiệt tình dạy nghề miễn phí cho các bạn trẻ.
“Đa dạng hóa trang phục cổ truyền là cần thiết, nhưng không được xa rời khuôn mẫu. Đây là tiêu chí để tôi sáng tạo thêm những mô tuýp áo dài, váy thổ cẩm mới, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Thông qua trang phục cổ truyền, tôi muốn quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc đến với giới trẻ”, anh Đen bộc bạch.
Đặt trọn tâm huyết và tình yêu vào trang phục dân tộc truyền thống, anh Đen luôn chăm chút từng đường kim, mũi chỉ trong từng bộ trang phục giao cho khách hàng. Với anh, khi khách hàng mặc những bộ trang phục này với tâm thế tự tin thì đó cũng là cách để thể hiện tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhờ làm mới trang phục dân tộc mà các sản phẩm do anh Đinh Văn Đen thiết kế, may đo được nhiều khách hàng yêu thích. Ảnh: NVCC

Mới đây, huyện Trà Bồng tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor Trà Bồng và hoạt động trưng bày cây nêu. Sự kiện không chỉ thu hút nhiều nghệ nhân lớn tuổi mà còn có sự tham gia của nhiều bạn trẻ, cùng chung tay làm cây nêu. Anh Hồ Văn Hữu (30 tuổi), ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) chia sẻ, trước đây, tôi không biết trang trí hay phân biệt các loại nêu sử dụng vào dịp cúng thần linh, cúng ông bà và cách làm phướn đúng nghi thức lễ. Qua thực hành với những nghệ nhân, tôi đã biết cách làm cây nêu cho dịp lễ hội. Tôi sẽ tiếp tục học hỏi để làm thuần thục hơn. Không chỉ biết làm cây nêu, từ khi tham gia Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cor, anh Hữu cùng gần 20 thanh niên ở địa phương học đánh cồng chiêng và thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội, hội thi.

Anh Đinh Văn Phước, xã Trà Tân (Trà Bồng) giới thiệu về cây nêu.
Nghệ nhân Hồ Ngọc An (67 tuổi), ở thôn 2, xã Trà Thủy cho biết, cây nêu của đồng bào Cor gắn liền với đời sống tâm linh, phong tục, lễ hội và sinh hoạt giải trí của cộng đồng. Tuy nhiên, thế hệ trẻ nhiều người chưa biết làm và trang trí cây nêu. Chúng tôi vừa làm cây nêu vừa dạy cho lớp thanh niên cách làm để di sản cha ông không bị mất đi. Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cor được thành lập từ tháng 8/2022, hiện có hơn 30 thành viên, phần lớn dưới 40 tuổi. Câu lạc bộ do Nghệ nhân Hồ Ngọc An làm chủ nhiệm. Trong những năm gần đây, các nghệ nhân lớn tuổi đã truyền dạy cho thanh niên ở địa phương cách đánh cồng chiêng, làm cây nêu, múa cà đáo, hát xà ru... Tại các hội thi và lễ hội, các thành viên trẻ của câu lạc bộ là lực lượng đắc lực tham gia biểu diễn trong và ngoài tỉnh, góp phần lan tỏa văn hóa dân tộc Cor.

Các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn sản sắc văn hóa Cor xã Trà Thủy (Trà Bồng) tập luyện đánh chiêng.
Huyện Trà Bồng đã tổ chức 15 lớp truyền dạy cồng chiêng, hát xà ru, a giới cho thanh thiếu niên, giáo viên và học sinh trên địa bàn. Tất cả 13 xã, thị trấn đều đã thành lập đội văn nghệ truyền thống. Toàn huyện có 21 thôn có đội cồng chiêng và đội văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc Cor. Cùng với đó, 7 trường học trong huyện cũng đã xây dựng đội cồng chiêng.

Phụ nữ dân tộc Cor bên cây nêu truyền thống.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh chia sẻ, vùng đất quế Trà Bồng tự hào khi nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor và cồng chiêng của dân tộc Cor được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các nghệ nhân, già làng tiếp tục truyền dạy nghệ thuật và các giá trị văn hóa dân tộc Cor nói chung và nghệ thuật trang trí cây nêu nói riêng cho thế hệ trẻ; duy trì tổ chức các cuộc thi dựng nêu và lễ hội. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về ý nghĩa và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cor, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy.