Di tích quốc gia ở Hải Phòng thờ vị tướng dạy làm 'lương khô' hơn 1.000 năm trước

Cùng với thờ Phật, Di tích quốc gia Chùa Lạng Côn ở huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, còn thờ 2 vị thành hoàng làng. Trong đó, ông Chu Xích Công là người dạy dân làng cách làm bánh đa nướng từ hơn 1.000 năm trước.

Ngôi cổ tự giữa vùng quê bình yên của Hải Phòng

Vào Mồng một, ngày Rằm hằng tháng hay dịp lễ, Tết, rất đông người dân địa phương đến thắp hương lễ Phật và vãn cảnh tại Di tích quốc gia Chùa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ni sư Thích Đàm Chi - Trụ trì chùa Lạng Côn hơn 40 năm, thông tin, chùa đón bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia từ rất sớm (ngày 31/3/1993 - PV).

Theo các tài liệu còn lưu giữ và truyền ngôn trong vùng, chùa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 13 dưới thời Lý - Trần với có quy mô bề thế nhất vùng. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Trong đó, 4 lần trùng tu, tôn tạo lớn nhất vào các năm: 1683, 1802, 1925 và gần đây vào năm 1997.

Cổng Tam quan chùa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Cổng Tam quan chùa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Trước kia, đình và chùa Lạng Côn xây dựng trong một khuôn viên theo lối "tiền thánh hậu Phật". Tuy nhiên, do thay đổi của thời gian và chiến tranh tàn phá, hiện đình Lạng Côn không còn trong khuôn viên chùa.

Phía trước chùa Lạng Côn hiện vẫn còn ao sen. Tiếp đó, tòa Phật điện kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, quay hướng Tây, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Phía sau chùa có 3 tháp cổ, mỗi tháp 3 tầng.

Hiện chùa Lạng Côn còn lưu giữ 3 tấm bia đá và cây thạch đài trụ dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706). Hai tấm bia đá là Sùng Khánh tự bi ký dựng vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) và tấm bia Hậu Phật bi ký dựng vào năm Gia Long thứ nhất (1802) nói về việc hưng công xây dựng chùa. Cổng chùa hình nhất môn, có hai tầng tám mái đao cong.

Trung tâm vườn thiền trong khuôn viên chùa Lạng Côn đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trong tư thế đứng, cao xấp xỉ 5 m. Tay phải tượng cầm cành dương liễu giơ ngang vai, tay trái đặt trước bụng nâng bình quý.

Ngoài ra, hệ thống tượng pháp ở chùa khá đầy đủ gồm bộ Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, tượng Thích Ca niệm hoa, tượng Ca Điếp, A Nam Đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Cửu Long và Thích Ca sơ sinh, Hộ Pháp, tượng Tổ.

"Ông tổ" của nghề làm bánh đa nướng

Giống như nhiều ngôi chùa khác, chùa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, là nơi thờ Phật. Tuy nhiên, nơi đây còn thờ 2 vị thành hoàng làng có nhiều công lao đối với quê hương, đất nước. Đó là ông Chu Xích Công và Phò mã đô úy, Văn Định Vương, Lạng Giang trấn đô thống chế Văn nhượng hầu Trần Quốc Thi.

Tương truyền, ông Chu Xích Công là người nơi khác đến trang trại thôn Trà mở trường dạy học. Hơn 1.000 năm trước, do tài năng, ông được tiến cử vào triều Lê và được vua Lê Hoàn tin dùng làm tướng.

Khu vực ao sen phía trước chùa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Khu vực ao sen phía trước chùa Lạng Côn ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Sau đó, giặc Xiêm đến xâm lược bờ cõi, ông Chu Xích Công theo vua Lê Hoàn đi đánh trận. Trước đó, ông đã về Đại Trà lấy 10 người thân tín cùng đi. Đội quân do ông chỉ huy lập công lớn. Sau khi thắng trận, ông cáo quan về nghỉ tại trang Đại Trà. Sau khi ông mất, dân làng lập miếu thờ và tôn làm thành hoàng làng.

Người dân địa phương vẫn lưu truyền câu chuyện, trước khi ra trận, ông Chu Xích Công dạy người làng Lạng Côn cách làm bánh đa nướng để binh lính thuận tiện đem theo làm lương khô.

Sau này, người làng Lạng Côn giữ nghề và truyền lại đến ngày nay. Từ "lương khô" dành cho binh lính ra trận, bánh đa nướng Lạng Côn trở thành món ăn vặt nổi tiếng được ưa chuộng trong và ngoài huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/di-tich-quoc-gia-o-hai-phong-tho-vi-tuong-day-lam-luong-kho-hon-1000-nam-truoc-20424080417165622.htm