Đi tìm đồng đội

Là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đã có lần tôi phỏng vấn một cựu chiến binh đi tìm hài cốt đồng đội, thấy ông nhòa lệ khi kể về một đêm nằm khóc trên mảnh đất từng là chiến trường xưa, bởi sau bao nỗ lực mà chưa tìm ra đồng đội.

Cũng có lần, trong một nghĩa trang liệt sĩ ở mảnh đất vùng biên, tôi thấy một thương binh cụt một chân, đứng im lặng như đá núi trước mộ đồng đội, xung quanh vấn vít khói hương.

Những tưởng, đi tìm đồng đội là chuyện của lớp cha ông, nhưng nghề nghiệp và những tình huống cụ thể cũng đã đưa tôi trở thành người đi tìm đồng đội.

Còn nhớ buổi chiều hôm đó, ngay sau khi sự cố xảy ra, có vài cuộc điện thoại của bạn bè, đồng nghiệp liên tiếp gọi cho tôi, bởi thi thoảng tôi đi tác nghiệp trên các máy bay vận tải quân sự. “Nghe thấy “ơi” là ổn rồi!”-khi tôi bắt máy, anh em đầu bên kia đều thở phào nói vậy. Tôi lặng lẽ mở tủ, lấy các đồ dùng cần thiết cho một chuyến đi dài ngày; sạc lại pin máy ảnh và im lặng chờ đợi.

Ảnh minh họa: Báo QĐND

Ảnh minh họa: Báo QĐND

Đúng như tôi phán đoán, gần 22 giờ, điện thoại đổ chuông. “Có lệnh cử phóng viên lên đường tác nghiệp phản ánh công tác tìm kiếm cứu nạn. Em lên đường nhé. Giấy tờ cần thiết đã được chuẩn bị. Xe cũng đã sẵn sàng. Em có 20 phút để cơ động sang cơ quan”, Trưởng phòng của tôi nhẹ nhàng nói.

Hơn 100km cơ động trên đường, khi tôi có mặt tại sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn thì kim đồng hồ treo trong phòng họp đã điểm sang ngày mới và tin tức đầu tiên lên báo điện tử lúc nửa đêm.

Bập bềnh trên sóng biển, mỗi ngày qua đi thật nặng, bởi kết quả tìm kiếm chưa được như mong đợi. Trong số những cán bộ, chiến sĩ còn đâu đó trong lòng biển, có một đồng đội đã công tác cùng đơn vị với tôi mấy năm trời; có một đồng đội là bạn học cùng khóa đại cương... Thế nên, khi biết chuyện, một sĩ quan trên tàu bảo tôi: “Vậy là cậu đang đi tìm đồng đội đấy”. Vâng, cùng là quân nhân thì ai cũng là đồng đội cả. Với nghĩa hẹp hơn, chúng tôi đã cùng một đội hình: Cùng một đơn vị, cùng một lớp đào tạo sĩ quan.

Vài ngày trôi qua, vào một buổi trưa, nhóm phóng viên nhận được lệnh do sĩ quan phụ trách công tác báo chí truyền đạt: Chuẩn bị cơ động trở lại đất liền. Lúc đó, tôi đang làm việc trên máy vi tính để cập nhật thông tin về hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Như một phản xạ tự nhiên, tôi bảo cậu sĩ quan cũng là đồng nghiệp của một cơ quan báo chí Quân đội đang ngồi bên cạnh: “Anh sẽ lên xin thủ trưởng cho ở lại”!

Tôi ôm máy vi tính leo cầu thang lên cabin tàu, cậu đồng nghiệp đi theo sau nói: “Em cũng xin ở lại cùng anh”. Tôi báo cáo với đồng chí Trung tướng-người chỉ huy cao nhất tại hiện trường tìm kiếm cứu nạn-rằng chúng em xin phép được ở lại cùng đoàn cho đến khi công tác tìm kiếm cứu nạn hoàn thành. Lời nói của tôi bị ngắt quãng bởi những cảm xúc mỗi lúc một dồn lên, chặn lấy lồng ngực. Mắt tôi cay xè. Những đồng đội của tôi vẫn chưa được tìm thấy. Hành trình đi tìm đồng đội của tôi chắc phải dừng lại giữa chừng.

Có lẽ, thấu hiểu cảm xúc của tôi lúc đó, thủ trưởng ôn tồn: “Đây là lệnh của trên. Hoạt động tuyên truyền đã có phương án cụ thể. Các cậu cứ yên tâm về bờ nhé”. Quân lệnh như sơn nên chúng tôi phải nghiêm túc chấp hành.

Xuống con tàu pháo của hải quân vừa cập mạn tàu chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, tôi lặng lẽ đi về phía đuôi tàu. Tàu pháo tách dần tàu lớn và chuyển hướng. Bất giác, tôi đứng dậy, làm động tác đứng nghiêm chào. Tôi chào những đồng đội tôi còn đang nằm dưới lớp sóng xanh. Tôi chào những người đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc... Đôi mắt tôi nhòa lệ, miệng mặn chát vị của nước mắt và vị sóng gió biển khơi.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng cứ đến dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) hằng năm, hình ảnh và những kỷ niệm trong chuyến tác nghiệp ngày ấy lại ùa về, nhắc nhớ tôi về sự tri ân đối với những hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ, trong đó có những đồng đội của tôi.

HOÀNG HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/tim-mo-liet-si/di-tim-dong-doi-736286