Đi tìm 'người đẹp Thành Đông' đầu tiên
Năm 1989, Thị đoàn Hải Dương là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức Cuộc thi người đẹp Thành Đông. Bà Phùng Thị Hương Xuân khi đó 20 tuổi đã giành giải cao nhất và trở thành 'người đẹp Thành Đông' đầu tiên.
Ngày chớm xuân, chúng tôi đến căn nhà yên bình nằm trên phố Minh Khai (TP Hải Dương) để tìm lại ký ức 35 năm về trước cùng người đẹp Thành Đông đầu tiên.
Ở tuổi 55, bà Xuân vẫn giữ được nét trẻ đẹp. Trong cuộc trò chuyện chừng 1 tiếng đồng hồ, bà Xuân đã "tua lại cuốn phim ký ức", cùng trở về những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp nhất của bà.
Năm 1989, khi ấy bà Xuân vừa tròn 20 tuổi, cao 1 m 62, nặng 50 kg, có khuôn mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt tròn long lanh, mái tóc đen dài, đang làm việc tại Phân xưởng IV, Nhà máy Sứ Hải Dương. Đoàn Thanh niên Nhà máy Sứ Hải Dương động viên, cử bà cùng một vài thanh niên công nhân trong nhà máy tham gia Cuộc thi người đẹp Thành Đông do Thị đoàn Hải Dương tổ chức.
Ông Phạm Công Định, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hải Dương là Bí thư Thị đoàn Hải Dương năm 1989 chính là tác giả, người lên ý tưởng tổ chức Cuộc thi người đẹp Thành Đông.
Ông chia sẻ ý tưởng tổ chức cuộc thi này xuất phát từ Cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong do Trung ương Đoàn tổ chức năm 1988, có Hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang.
“Hồi ấy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thế hệ thanh niên khát khao cái mới, yêu cái đẹp, thích sự lãng mạn nên tôi đã có ý tưởng tổ chức Cuộc thi người đẹp Thành Đông lần thứ nhất. Tôi đến Báo Tiền Phong để học hỏi kinh nghiệm tổ chức cuộc thi, sau đó về họp bàn với các đơn vị liên quan để lên kế hoạch tổ chức”, ông Định nhớ lại.
Cuộc thi người đẹp Thành Đông được phát động rộng rãi tới các tổ chức Đoàn cơ sở từ đầu năm 1989. Nhiều đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, trường học đã động viên, giới thiệu thanh niên công nhân, sinh viên đi thi.
Có hơn 50 thí sinh từ 19-22 tuổi đăng ký dự thi. Trải qua vòng sơ tuyển, ban tổ chức loại dần còn hơn 10 thí sinh xuất sắc tham gia vòng chung kết được tổ chức vào chiều 26/3/1989.
Đây là lần đầu tiên Thị đoàn Hải Dương tổ chức cuộc thi người đẹp và cũng là cuộc thi người đẹp đầu tiên tại tỉnh Hải Dương sau đổi mới. Vì vậy, cuộc thi là sân chơi mới lạ và thu hút sự tò mò của người dân thị xã khi đó.
Ban đầu, bố bà Xuân phản đối không cho đi thi bởi “không có chuyện con gái mặc áo tắm đi trình diễn cho người ta xem”. Đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên của nhà máy phải đến tận nhà vận động gia đình bà.
Từ những thanh niên công nhân hằng ngày chỉ quen với những chiếc bát, đĩa sứ, nay được cử đi thi, các chị em phải tranh thủ hết giờ làm tập luyện đi đứng, trình diễn trước đám đông.
Bà Xuân đi thi với tâm thế rất vô tư, thoải mái, theo phong trào của thanh niên chứ không bị áp lực về giải. Bà là một trong những thí sinh lọt vào vòng chung kết tổ chức vào chiều 26/3, mang số báo danh 22.
Học tập theo cuộc thi của Báo Tiền Phong, vòng chung kết có đủ các phần thi áo dài, áo tắm, trang phục tự chọn và vòng thi ứng xử. Ngày đi thi, bà Xuân cùng mấy anh em trong nhà máy tự chở nhau, người xe đạp, người xe máy đến hội trường trung tâm của tỉnh ở đường Hồng Quang, sau đó tự trang điểm cho nhau.
“Hôm đó, khán giả đông lắm, kín cả sân, phải huy động rất nhiều chiến sĩ công an để bảo đảm an ninh. Có những bạn sau cuộc thi kể lại với tôi rằng hôm đó còn trốn học, trèo tường để đi xem thi người đẹp”, bà Xuân kể.
Phần thi áo dài, bà trình diễn tà áo dài màu hồng, được thuê từ một cửa hàng áo cưới trên phố Hai Bà Trưng. Trang phục tự chọn là một bộ quần áo màu xanh, cổ chữ U được người bạn may cho. Còn trang phục áo tắm thì được một chị đồng nghiệp cùng nhà máy đi Đức về cho mượn.
“Đến phần thi áo tắm ngại lắm chứ, có bao giờ mặc thế đi ra chỗ đông người đâu, mấy chị em cứ đùn đẩy nhau mãi không ai dám ra sân khấu, lúc trình diễn chân cứ run bần bật”, bà Xuân vừa cười, vừa kể.
Đến phần thi ứng xử, các câu hỏi xoay quanh tình yêu quê hương, đất nước, nhận thức của lớp thanh niên. Bà Xuân nhận được câu hỏi “Khu di tích lịch sử ở Hải Dương nổi tiếng nhất là gì?”. Câu trả lời của bà là Côn Sơn - Kiếp Bạc và giới thiệu đôi nét về di tích.
Bà còn nhận thêm được câu hỏi vui ngoài lề, đó là “Nếu được giải, người bạn gặp đầu tiên ai?”. Bà cũng thật thà trả lời là gặp Giám đốc Nhà máy Sứ Hải Dương để cảm ơn vì đã quan tâm, tạo điều kiện cho đi thi.
Mấy ngày sau đăng quang, nhà máy tổ chức tiệc liên hoan chào đón người đẹp Thành Đông. Danh hiệu người đẹp Thành Đông tuy là của cá nhân bà nhưng đã đem lại niềm vui chung cho cả tập thể.
Phần thưởng cho người chiến thắng là chiếc vương miện được Ban tổ chức đặt mua từ Hà Nội, dải sash đỏ thêu nổi bật dòng chữ màu vàng “Người đẹp Thành Đông”. Phần thưởng tuy không giá trị về vật chất nhưng là món quà tinh thần ý nghĩa lớn với bà.
Cuộc thi người đẹp Thành Đông lần thứ nhất này cũng là tiền đề cho những cuộc thi người đẹp, học sinh, sinh viên thanh lịch của tỉnh Hải Dương sau này.
Năm 27 tuổi, bà Xuân lập gia đình cùng ông xã cũng là cán bộ Đoàn thời đó và có 2 người con. Năm 2001, bà chuyển công tác từ Nhà máy Sứ Hải Dương về Trường Tiểu học Tô Hiệu, làm nhân viên hành chính. Tháng 6/2024, bà Xuân nghỉ hưu.
Ở tuổi 55, bà Xuân vẫn giữ được vóc dáng thon gọn, cân nặng duy trì ở mức 55 kg nhờ chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Về hưu, bà có thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn, dành thời gian đi tập thể dục vào buổi sáng, dọn dẹp nhà cửa, cà phê với bạn bè, chăm sóc da bằng các sản phẩm thiên nhiên.
Trong một góc của căn nhà, bà vẫn còn lưu giữ những tấm ảnh đen trắng về cuộc thi năm đó. Bà còn giữ lại cả số báo danh, dải băng người chiến thắng như cất giữ lại một phần tuổi trẻ đẹp nhất của mình.
Riêng tấm ảnh cá nhân bà đội vương miện, đeo dải sash “Người đẹp Thành Đông” được con gái đem đi phục chế màu, in khổ lớn.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/di-tim-nguoi-dep-thanh-dong-dau-tien-401029.html