Đi xe điện có lo thiếu trạm sạc?
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư trạm sạc để theo kịp tốc độ phát triển nhanh của thị trường ô tô điện. Thậm chí, nhiều khách sạn, quán cà phê cũng sẵn sàng cung cấp trụ sạc cho ô tô điện.
Có cầu ắt có cung
Sau mẫu ô tô điện đầu tiên ra mắt cuối năm 2020, đến nay có khoảng 7 hãng xe cung cấp các dòng ô tô thuần điện cho người tiêu dùng trong nước, thuộc cả phân khúc phổ thông và hạng sang gồm: VinFast, Hyundai, Wuling, Haima, Mercedes-Benz, BMW và Porsche.
Thị trường trạm sạc xe điện Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng nhưng cần chính sách, quy định cụ thể để thực sự phát triển (Trong ảnh: Trạm sạc xe điện VinFast).
Hiện có trên dưới 19 mẫu ô tô điện đang được những thương hiệu kể trên phân phối với đủ loại kích cỡ từ nhỏ đến lớn. Mẫu rẻ nhất giá chưa tới 250 triệu đồng, còn mẫu đắt nhất lên đến hơn 7 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến giữa tháng 11/2023, có 22.000 xe điện đang lăn bánh, cao gấp hơn 131 lần con số 167 xe ghi nhận năm 2021. Xe điện phát triển mạnh kéo theo hàng loạt doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực hạ tầng trạm sạc.
VinFast hiện có hơn 1.000 trạm sạc và hơn 150.000 cổng sạc độc quyền trên khắp 63 tỉnh, thành. Tại TP.HCM, Audi đã khai trương thêm một phòng trưng bày đô thị với định hướng phục vụ xe điện đặt tại Phú Mỹ Hưng. Đây là đại lý Audi đầu tiên trang bị sạc nhanh công suất 160kW.
Porsche hiện có ba trạm sạc tại TP.HCM, Hà Nội và Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu). Riêng trạm ở Hà Nội theo mô hình phòng chờ với không gian nghỉ ngơi cho khách. Mercedes-Benz cũng có kế hoạch xây dựng trạm sạc theo kiểu phòng chờ, tiếp tục phát triển trạm sạc tại các đại lý, khách sạn, khu nghỉ dưỡng...
Không chỉ các nhà sản xuất ô tô, một số doanh nghiệp bên thứ ba cũng tham gia vào lĩnh vực này với các hình thức như tự mở trạm sạc; Hợp tác mở trạm với các đối tác có mặt bằng; Cung cấp giải pháp sạc và phần mềm quản lý hệ thống sạc cho các đội xe kinh doanh vận tải và hãng xe. Ví dụ như EV One, EverEV, Eboost, EVN...
Theo số liệu Eboost công bố, đến năm 2022, công ty này có hơn 700 điểm sạc khắp Việt Nam cho cả xe máy và ô tô điện. Sau ba năm kể từ khi ra đời, Eboost hiện phục vụ hơn 2.500 khách hàng đã đăng ký trên toàn quốc.
Không lo thiếu chỗ sạc
Anh Phùng Thế Trọng (Hà Nội), người vừa thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe điện VinFast VF 5 Plus cho biết, không gặp khó khăn gì về việc sạc trên hành trình từ Thủ đô tới đất mũi Cà Mau.
Theo anh Trọng, số lượng trạm sạc đặt dọc các tuyến quốc lộ tương đối nhiều và dễ dàng tiếp cận. Với nhu cầu dừng nghỉ và sạc xe sau mỗi 4 tiếng di chuyển (khoảng từ 200-250km), một chiếc xe với phạm vi vận hành 300km như VF 5 Plus có thể đi hết hành trình mà không cần lo thiếu nơi sạc.
Có những khách sạn, resort, thậm chí cả quán cà phê hiện đã trang bị trụ sạc cho ô tô điện. Một số nơi sẵn ổ điện công nghiệp công suất cao để sạc nhanh, song chủ xe cần mang theo bộ sạc. Nếu sạc chậm bằng điện dân dụng, gần như mọi khách sạn và nơi nghỉ dưỡng đều hỗ trợ, chi phí dựa trên số điện dùng để sạc xe.
Nhiều chủ xe điện VinFast tại các thành phố lớn cho biết, với nhu cầu đi lại hàng ngày, số lượng trạm sạc hiện đủ đáp ứng. Vẫn có trường hợp thiếu chỗ sạc do taxi điện lấn chiếm song không nhiều.
Đại diện một hãng xe sang có phân phối ô tô điện tại Việt Nam cho biết, khách hàng không quá bận tâm việc thiếu nơi sạc do xe điện hạng sang có phạm vi di chuyển dài (trên dưới 500km) và hầu hết đều lắp trạm sạc tại nhà.
Chưa có khung pháp lý cụ thể
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thiết bị và Giải pháp sạc điện EV One cho biết, với số lượng xe điện tăng nhanh, các doanh nghiệp cung cấp trạm sạc bên thứ ba đã bắt đầu đẩy mạnh hơn xây trạm, tuy nhiên hiện vẫn chưa phải thời điểm để đầu tư toàn lực. Lý do bởi lượng ô tô điện bán ra tăng mạnh nhưng phần lớn là xe VinFast - thương hiệu đã có mạng lưới trạm sạc riêng.
Các doanh nghiệp rất cần Nhà nước đưa ra quy hoạch cho hạ tầng trạm sạc với con số cụ thể (ảnh minh họa).
Một khó khăn khác trong việc xây dựng trạm sạc là tìm địa điểm phù hợp và hạ tầng điện đủ đáp ứng. Một số nơi có nguồn điện không đạt yêu cầu khiến việc hạ thế, kéo dây trở nên rất tốn kém.
Cũng theo ông Đạt, việc chưa có khung pháp lý cụ thể về quy hoạch, tiêu chuẩn hạ tầng sạc cũng là rào cản với các doanh nghiệp. Để xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trạm sạc xe điện hiện không khó. Tuy nhiên, mỗi nơi đặt trạm lại có những quy định liên quan khác nhau và chưa có tiêu chuẩn chung.
Ví dụ, khi đặt trạm tại khu dân cư, có trường hợp bị ban quản lý từ chối với lý do chưa có hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Hay khi lắp ở trung tâm thương mại, việc chưa có quy định PCCC riêng cho trạm sạc cũng khiến quy trình xin cấp phép kéo dài hơn.
"Các doanh nghiệp rất cần Nhà nước đưa ra quy hoạch cho hạ tầng trạm sạc với con số cụ thể, chẳng hạn số lượng trạm và cổng sạc ở mỗi khu vực là bao nhiêu để phù hợp với mật độ dân cư, hay khoảng cách tối thiểu từ vị trí trạm đến mặt đường lớn ra sao...", ông Đạt nói.
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã có quy định về lắp trạm sạc tại khu dân cư. Cuối năm 2021, Anh ban hành điều luật yêu cầu các tòa nhà, công trình xây mới hoặc cải tạo phải có trạm sạc cho xe điện.
Đầu năm 2023, Đức công bố dự luật bắt buộc lắp trạm sạc xe điện tại các khu chung cư. Bang California (Mỹ) quy định khi xây nhà có gara riêng hoặc chung cư, trung tâm thương mại, tòa nhà công cộng... chủ đầu tư phải có sẵn hạ tầng để lắp trạm sạc xe điện. Từ năm 2025, thành phố Tokyo (Nhật Bản) yêu cầu các tòa chung cư xây mới phải trang bị cổng sạc xe điện.