Địa danh Gia Hòa xưa và nay
Vào đầu thế kỷ XIX, trên vùng đất mà ngày nay thuộc 2 xã Gia Hòa 1 và Gia Hòa 2 của huyện Mỹ Xuyên, đã có những nông dân nghèo khổ, tiên phong đến Gia Hòa, vùng đất đầy hoang vu và khắc nghiệt để khẩn đất, mở mang địa bàn sinh tụ. Bằng sức lao động, cần cù và sáng tạo, nhân dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, biến vùng đất không có bóng người này thành làng xóm quần cư, biến rừng rậm và đất hoang đầy cỏ, năn, lác, lau, sậy… thành ruộng đồng màu mỡ, lúa, tôm đầy ắp.
Bị lầm than, tủi khổ trong chế độ phong kiến tập quyền, những dân cư từ các tỉnh miền ngoài, người đi theo sự đốc bắt của tướng lĩnh, quan lại, kẻ lẩn trốn tìm đất dung thân đều là chủ nhân của vùng đất hoang rừng rậm này. Hàng ngày, đàn ông có sức khỏe thì đốn cây, diệt cỏ mở rộng ruộng đồng, đàn bà mò cua, bắt cá, hái rau, nuôi con, nuôi chồng cùng chung sức lập cơ nghiệp mới. Từ lao động cực nhọc, dần dần con người làm chủ thiên nhiên, sự sống sinh sôi, đời này qua đời khác ở xứ sở Gia Hòa.
Những tên làng, tên xóm ra đời còn mang nặng tính cách tượng trưng mộc mạc như: xóm Lò Gạch, xóm Xẻo Nai, xóm Ổ Ó, xóm Rạch Rừng… Và đến khi quần tụ cư dân ở đây trở nên đông đúc, sự học hành đã được phát triển thì những kiến thức sách vở đã làm đổi thay cả những tên làng, tên xóm hoang sơ. Từ những tên xóm gắn liền với tên ấp như: Ổ Ó (ấp Trung Hòa), Bà Cai (ấp Công Hòa), Lung Sen (ấp Long Hòa), Rạch Rừng (ấp Định Hòa), Lái Banh (ấp Vĩnh Hòa), Xẻo Nai (ấp Tam Hòa), Xẻo Bần (ấp Tân Hòa), Cầu Xéo (ấp Phước Hòa), Lò Gạch (ấp Thạnh Hòa), Cà Lâm (ấp Bình Hòa), Rạch Gốc (ấp An Hòa), Xẻo Muối (ấp Nhơn Hòa), Chất Đốt (ấp Thuận Hòa), Hàm Rồng (ấp Hiệp Hòa), được những ông Cử, ông Tú làng quê sáng tác, ghép cho 14 xóm làng của xã Gia Hòa thành 2 câu liễn nhằm ca ngợi và biểu dương tinh thần nhân ái vốn có của người Việt Nam ở Gia Hòa là:
“Trung – Công – Long – Định – Vĩnh – Tam – Tân - Phước – Thạnh – Bình – An – Nhơn – Thuận – Hiệp”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, để tiện cho việc sinh hoạt, quản lý, chính quyền nhân dân xã Gia Hòa chia ấp Vĩnh Hòa thành 2 ấp: Vĩnh Hòa A và Vĩnh Hòa B và tách thêm 2 ấp Đại Hòa và Nghĩa Hòa tạo nên 17 ấp của xã Gia Hòa. Đến năm 1950, địch đóng đồn tại ấp Đại Hòa thì Đại Hòa và Nghĩa Hòa hợp lại với các ấp khác, xã Gia Hòa lúc bấy giờ còn 15 ấp.
Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, ngày 7-7-1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 111-QĐ/HĐBT, tách xã Gia Hòa thành 2 xã Gia Hòa và Gia Hòa Đông; đến ngày 16-9-1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 128-QĐ/HĐBT, đổi tên xã Gia Hòa thành Gia Hòa 1, Gia Hòa Đông thành Gia Hòa 2 cho đến hôm nay.
Xã Gia Hòa (Gia Hòa 1 và Gia Hòa 2) có diện tích tự nhiên 52,05km2, gồm 15 ấp, trong đó Gia Hòa 1 có 8 ấp: Tam Hòa, Định Hòa, Trung Hòa, Công Hòa, Long Hòa, Phước Hòa, Vĩnh A, Vĩnh B. Xã Gia Hòa 2 có 7 ấp: Tân Hòa, Nhơn Hòa, An Hòa, Hiệp Hòa, Thạnh Hòa, Bình Hòa, Thuận Hòa. Dân số hiện nay gần 16.000 người chủ yếu là người Kinh (98,5%). Người dân Gia Hòa sống rất thuần phác và đôn hậu. Họ sống chủ yếu bằng nghề nông, do đó cái chất “có sao nói vậy, có gì ăn nấy” đã trở thành cái đức của người Gia Hòa. Quan hệ sống của họ là thương yêu nhau “lá lành đùm lá rách”, chung lưng đấu cật, đoàn kết chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm.
Kế tục truyền thống chống đế quốc và phong kiến của người Việt Nam, nhân dân Gia Hòa cùng với Chi bộ, Đảng bộ viết nên trang sử hào hùng trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, với phương châm “Dân bám đất, Đảng bám dân; một tấc không đi, một ly không rời”. Từ đó, nhân dân Gia Hòa cùng với nhân dân miền Nam làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975. Với thành tích to lớn trong suốt 45 năm (1930 - 1975) đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, Đảng bộ, quân và dân xã Gia Hòa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.
Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của “đất thép” Gia Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Gia Hòa không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đã hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công trong giai đoạn đầu và sẽ đưa Gia Hòa tiến về đích nông thôn mới nâng cao.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dia-danh-gia-hoa-xua-va-nay-40152.html