Địa phương chung tay với cơ sở giáo dục đại học giải bài toán khó

Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và chính quyền địa phương ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Trà Vinh thành công cấy phôi dừa sáp. Ảnh: TVU

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Trà Vinh thành công cấy phôi dừa sáp. Ảnh: TVU

Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và chính quyền địa phương ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia đã chỉ ra sự cần thiết của liên kết này để thúc đẩy phát triển bền vững và đối mặt với thách thức thực tế.

Những bài toán của địa phương

Đại học Kinh tế TPHCM vừa tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở các địa phương”, nhằm triển khai Nghị quyết 57. GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, bên cạnh việc thực hiện tái cấu trúc ranh giới hành chính, các địa phương này đang nỗ lực nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những chuyển động mạnh mẽ trong khu vực được thể hiện qua việc tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và số hóa các lĩnh vực trọng yếu như quản trị công, sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế và dịch vụ công.

Trong những tháng đầu năm 2025, sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển ổn định, với đầu ra nông sản tiêu thụ thuận lợi. Giá trị sản xuất toàn ngành trong quý I năm 2025 ước đạt 16.631 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 3,3% tương đương 530 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này đạt 100,1% kế hoạch quý I và 31,6% kế hoạch năm 2025.

Bốn ngành hàng chủ lực của tỉnh gồm lúa gạo, xoài, hoa kiểng và cá tra đều ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lúa gạo, hoa kiểng và cá tra vượt kế hoạch đề ra cho quý I. Riêng ngành hàng sen ghi nhận mức sụt giảm trong giai đoạn này.

Ưu thế về kinh tế nông nghiệp được Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh tại buổi làm việc mới đây với Đại học Quốc gia TPHCM về triển khai Nghị quyết 57.

Theo ông Lê Quốc Phong, cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay chủ yếu dựa vào nông nghiệp - một lĩnh vực nhiều dư địa tiềm năng để ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển. Việc áp dụng các yếu tố này không chỉ giúp nâng cao giá trị ngành nông nghiệp mà còn góp phần tạo động lực cho các lĩnh vực kinh tế khác.

Đề cập đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng trong 5 lĩnh vực chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và sen), khâu chế biến sau thu hoạch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Chẳng hạn, cá tra hiện được tận dụng từ nguồn nguyên liệu tươi đến các sản phẩm chế biến sẵn, nhưng tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu để mở rộng giá trị khai thác từ loài cá này. Đối với cây sen - một sản phẩm truyền thống mang giá trị kinh tế cao, ngoài tiềm năng làm dược liệu quý, tỉnh cũng cần tìm hướng phát triển thêm giá trị gia tăng từ cây trồng đặc trưng.

Ông Lê Quốc Phong cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu đến năm 2030, Đồng Tháp phải trở thành tỉnh dẫn đầu về nông nghiệp thông minh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2045, phát triển các ngành kinh tế mới dựa trên nội lực như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Trước yêu cầu đó, bài toán lớn đặt ra là nên tiếp cận thế nào, bắt đầu từ đâu. Trong quá trình tìm lời giải, vai trò đồng hành, hợp tác và hỗ trợ từ các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TPHCM được đánh giá rất quan trọng, góp phần giúp Đồng Tháp xác định đúng hướng đi và triển khai hiệu quả các chiến lược phát triển.

Tại Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai các mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết 57. Theo đó, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh phải dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực và chuyển đổi số làm công cụ then chốt.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số, với hạt nhân là Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành - còn gọi là Khu công nghiệp công nghệ số Long Thành.

Song song đó, Đồng Nai hướng đến xây dựng hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số với các lĩnh vực chiến lược gồm: Công nghiệp bán dẫn, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), chuỗi khối (Blockchain)…

Đây được xem là những trụ cột quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời kỳ mới. Đồng Nai mong muốn hợp tác với cơ sở giáo dục đại học phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển trên cơ sở liên kết chính quyền - doanh nghiệp - cơ sở giáo dục đào tạo.

 Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công Thương TPHCM thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: HUIT

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công Thương TPHCM thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: HUIT

Cũng trong khuôn khổ triển khai Nghị quyết 57, lãnh đạo các địa phương nhấn mạnh tầm quan trọng việc tăng cường phối hợp và nhận được sự hỗ trợ từ các trường đại học cũng như cộng đồng doanh nghiệp. TPHCM được xác định là cửa ngõ kết nối quốc tế, trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước, tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước. Từ vị thế này, TPHCM đối mặt với yêu cầu cần xây dựng các chiến lược phát triển mang tính khác biệt, đột phá và phù hợp với tiềm năng sẵn có.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW nhằm phát triển nhanh chóng và bền vững khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, coi đây là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Nghị quyết đặc biệt kêu gọi sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm tạo ra những chuyển biến sâu rộng trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia, với những định hướng và giải pháp này, Nghị quyết 57 kỳ vọng sẽ tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học và các địa phương, giúp giải quyết những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho rằng, một trong những yếu tố then chốt trong phát triển khoa học - công nghệ của thành phố chính là sự “cộng sinh” giữa ba thành tố: Nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước. Lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong việc phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tư vấn, phối hợp xây dựng Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM…

Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: “Đi một mình thì nhanh nhưng không xa được, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, đồng thời nhấn mạnh việc cần tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong phát triển khoa học công nghệ, điều này có thể dẫn đến sự thiếu liên kết giữa các bên liên quan.

Ông cho biết, mặc dù Nhà nước có nhu cầu trong một số lĩnh vực, nhưng doanh nghiệp lại không nắm bắt được thông tin này, trong khi các nhà khoa học lại tự nghiên cứu theo hướng của riêng mình mà không thể “gắn” với nhu cầu thực tế của xã hội. “Đó là điểm yếu của chúng ta so với thế giới”, ông Được nhận xét.

So sánh với quốc tế, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng ở các quốc gia phát triển, các giáo sư, viện nghiên cứu và trường đại học đều có mối liên kết chặt chẽ với các tập đoàn lớn. Các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp không chỉ kết nối với nhau mà còn giải quyết những “bài toán” mà Nhà nước đặt ra.

Theo đó, chính quyền đóng vai trò là bên đặt hàng, còn trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp là những người trực tiếp giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ.

 Sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại trong canh tác lúa tại Kiên Giang. Ảnh: Thành Thật

Sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại trong canh tác lúa tại Kiên Giang. Ảnh: Thành Thật

Phối hợp với đại học và liên kết vùng

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội), nhận định TPHCM cần có những chương trình, kế hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn và thống nhất với các tỉnh trong khu vực. Không nên để mỗi địa phương thực hiện các chương trình riêng lẻ dẫn đến chồng chéo và phân tán nguồn lực.

“Trung ương đã ban hành Nghị quyết phát triển vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Từ những định hướng đó, TPHCM có thể phối hợp với các tỉnh xây dựng đề án phát triển, tận dụng các nguồn lực từ liên kết vùng, nhưng cần đặt mục tiêu vì sự phát triển chung”, ông nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, PGS Bình cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: Doanh nghiệp - nhà trường - Nhà nước, tạo thành “liên kết xoắn” chặt chẽ nhằm triển khai các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, việc Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo được xem là điểm lõi, với đối tác trọng yếu là Khu Công nghệ cao TPHCM - một nhân tố kết nối để thúc đẩy các mục tiêu phát triển.

PGS Bình cũng đề xuất khi thành phố xây dựng đề án Trung tâm Tài chính quốc tế cần tính đến việc liên kết với các viện, trường và doanh nghiệp để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các bên.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Thị Cành - nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng, để tăng cường liên kết địa phương và vùng, cần xây dựng các đề án nghiên cứu quy mô lớn theo chuỗi, từ nghiên cứu cơ bản, triển khai, sản xuất thử nghiệm đến sản xuất hàng loạt và thương mại hóa.

Trong chuỗi đó, khâu nghiên cứu cơ bản cần có vai trò lớn của Nhà nước vì là nền tảng cho các công trình khoa học. Đối với các giai đoạn tiếp theo như sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa, Nhà nước và doanh nghiệp cần cùng đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư.

Theo GS Cành, Nhà nước cần xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa các bên trong hoạt động nghiên cứu - phát triển, tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội. “Tôi nhận thấy với cơ chế hiện nay, hoạt động kết nối giữa viện, trường và doanh nghiệp chưa đủ mật thiết để chia sẻ thông tin và nhu cầu. Do đó, cần xây dựng cơ chế đủ mạnh để tăng cường hợp tác, liên kết, tìm ra mục tiêu chung và cùng thực hiện, thúc đẩy sự phát triển toàn vùng”, GS Cành nhấn mạnh.

Ngày 3/4, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thỏa thuận hợp tác hướng đến việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của ba đại học, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của từng cơ sở trong đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Mục tiêu là xây dựng 3 đại học trở thành các trung tâm hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, nghiên cứu phục vụ các lĩnh vực công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và khu vực, với sự đồng hành chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Phúc Uyên - Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dia-phuong-chung-tay-voi-co-so-giao-duc-dai-hoc-giai-bai-toan-kho-post727996.html