'Địa phương quyết-làm-chịu trách nhiệm': Tư duy mới trong quản trị Nhà nước
Chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là bước tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, mà còn là sự chuyển đổi căn bản trong tư duy quản trị Nhà nước.
Từ hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã, cả nước chỉ còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã. 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền của Chính phủ đã được ban hành, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong kiến tạo một bộ máy hành chính minh bạch, gọn nhẹ, vận hành thông suốt và phục vụ hiệu quả hơn.
Nền quản trị lấy người dân làm trọng tâm
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Chính quyền địa phương 2 cấp là nơi mà mỗi cấp chính quyền không chỉ là cơ quan thực thi, mà còn là chủ thể được trao quyền quyết định, được ràng buộc trách nhiệm, được tổ chức lại để phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, mỗi cấp chính quyền thực sự là một trung tâm kiến tạo phát triển cho địa phương và cho đất nước trong giai đoạn phát triển mới, kỷ nguyên mới.”
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trong một thế giới ngày càng phức tạp, đòi hỏi chính quyền không chỉ kiểm soát tốt mà còn phải phản ứng nhanh, linh hoạt và thích ứng cao, thì việc tổ chức lại quyền lực theo hướng hiệu quả trở thành một tất yếu.
“Cấp nào gần dân hơn, hiểu vấn đề hơn, hành động nhanh hơn thì cấp đó cần được trao quyền nhiều hơn. Cấp nào có tầm nhìn và năng lực điều phối thì thực hiện vai trò hoạch định, điều chỉnh và bảo đảm thống nhất. Đây chính là tinh thần của nguyên lý bổ trợ (subsidiarity) - một nguyên lý được nhiều nền hành chính tiên tiến vận dụng thành công, trong đó có Nhật Bản,” ông Dũng nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, sát dân nhất và giải quyết cho Nhân dân cũng rất thuận tiện và nhanh nhất. Với chính quyền địa phương 2 cấp, người dân sẽ không cần phải lên huyện, lên tỉnh mà chỉ cần đến xã, như vậy, sẽ tạo hiệu lực, hiệu quả hơn nhiều.

“Tất cả chủ trương của Đảng sẽ được triển khai nhanh nhất có thể vì không phải qua cấp trung gian, nếu qua cấp trung gian thì dễ ‘rơi vãi.’ Đây chính là hành động cụ thể để minh chứng cho phương châm ‘lấy dân làm trung tâm’,” ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định.
Nhấn mạnh về tinh thần của Hiến pháp “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” của Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng việc tổ chức lại chính quyền địa phương đang hướng tới nền quản trị lấy người dân làm trọng tâm, nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả, gần dân, vì dân hơn và từ đó đem đến những lợi ích thiết thực hơn cho mọi người dân Việt Nam.
“Đây cũng là cơ hội to lớn để tăng cường sự tham gia của người dân và nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương với người dân, khi chính quyền địa phương ‘gần dân, sát dân’ hơn,” bà Ramla Khalidi chia sẻ.
Cấp xã - nơi hiện thực hóa mọi chính sách
Ở cấp địa phương, phân quyền cần được quán triệt theo một triết lý cụ thể hơn: "Cấp nào gần dân hơn thì cấp đó quyết, làm và chịu trách nhiệm trước dân." Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm, được thể hiện ngắn gọn mà sâu sắc qua phương châm: “Địa phương quyết - Địa phương làm - Địa phương chịu trách nhiệm.”
Ở cấp địa phương, phân quyền cần được quán triệt theo một triết lý cụ thể hơn: "Cấp nào gần dân hơn thì cấp đó quyết, làm và chịu trách nhiệm trước dân." Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm, được thể hiện ngắn gọn mà sâu sắc qua phương châm: “Địa phương quyết - Địa phương làm - Địa phương chịu trách nhiệm.”
Với Ủy ban Nhân dân cấp xã, nhiệm vụ, quyền hạn đã được thiết kế lại theo hướng rõ hơn về pháp lý, cụ thể hơn về chức năng, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn mới. Ủy ban Nhân dân cấp xã được xác định với hai chức năng chính: Cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân cấp xã và là cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện thi hành pháp luật tại địa phương.
So với các quy định trước đây, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân cấp xã tăng gấp đôi, với 10 nhóm nhiệm vụ cơ bản (phường là 11 nhóm). Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân cấp xã sẽ tiếp nhận 1.060 nhiệm vụ từ cấp huyện, cùng khoảng 12 nhiệm vụ được phân cấp từ Trung ương và thêm các nhiệm vụ do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh giao.
Chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là bước tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, mà còn là sự chuyển đổi căn bản trong tư duy quản trị Nhà nước. Trong đó, cấp xã – nơi gần dân nhất – được xác định là tuyến đầu thực thi chính sách, là trung tâm điều hành tại cơ sở, thay vì chỉ là “cánh tay nối dài” như trước đây.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Ủy ban Nhân dân cấp xã sẽ thực sự là tuyến đầu, là nơi thực hiện hóa mọi chính sách thành hành động cụ thể, là nơi mà người dân “chạm vào chính quyền hằng ngày.” Ủy ban Nhân dân cấp xã không còn là "cánh tay nối dài" mà là một “bộ não” điều hành tại cơ sở.
Vai trò “nhạc trưởng” của cấp tỉnh
Một điểm đáng chú ý trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (sửa đổi) đó là việc nâng tầm vị trí, vai trò, chức năng của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, từ một cơ quan quản lý hành chính thuần túy, trở thành một trung tâm điều hành thống nhất, thực thi pháp luật, chủ động và điều tiết phát triển bền vững tại địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được xác định là chủ thể quản trị địa phương toàn diện, điều hành trực tiếp toàn bộ hoạt động của hệ thống hành chính cấp tỉnh đến cấp xã; là đầu mối kết nối, tổ chức thực thi pháp luật, chính sách công, chiến lược phát triển trên không gian địa phương, liên thông phân tầng đa ngành, từ trung ương đến cấp tỉnh và tỉnh với cấp xã. Những nhiệm vụ cũng là nơi thể hiện rõ tư duy hành chính kiến tạo, hành động và phục vụ Nhân dân.”
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh không còn chỉ là người đứng đầu chính quyền hành chính cấp tỉnh, mà còn là “hạt nhân” điều hành, góp phần hiện thực hóa mô hình quản trị địa phương hiện đại. Đây là bước chuyển từ điều hành tập thể sang phát huy vai trò cá nhân, gắn với chế độ, trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, đồng thời là sự thay đổi tư duy thể chế - từ hành chính phân tán sang điều hành tập trung, đề cao trách nhiệm cá nhân.



“Trước đây vấn đề gì cũng phải chờ quyết định tập thể của Ủy ban Nhân dân rồi Hội đồng Nhân dân, vòng đi vòng lại thì mất cơ hội, không thể giải quyết công việc một cách kịp thời cho người dân và doanh nghiệp được,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh không còn chỉ là người đứng đầu chính quyền hành chính cấp tỉnh, mà còn là “hạt nhân” điều hành, góp phần hiện thực hóa mô hình quản trị địa phương hiện đại. Đây là bước chuyển từ điều hành tập thể sang phát huy vai trò cá nhân, gắn với chế độ, trách nhiệm rõ ràng, cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã mở rộng nhóm nhiệm vụ độc lập của chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh từ 11 lên 23, thể hiện rõ vai trò "nhạc trưởng” trong vận hành chính quyền địa phương. Trong đó, 5 nhóm nhiệm vụ tiêu biểu gồm: Tổ chức, chỉ đạo thi hành pháp luật; điều hành thống nhất bộ máy hành chính từ tỉnh đến xã; phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ và chủ động; quyết định thay mặt tập thể Ủy ban Nhân dân khi cần thiết và xử lý các tình huống phát sinh vượt quá khả năng giải quyết của cấp dưới.
“Khi chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xác định cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy thì chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyền xử lý,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.
Phân tích kỹ hơn về việc phân cấp, phân quyền trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chuyển giao quyền lực không chỉ là chuyện tổ chức mà đó là một tuyên ngôn về niềm tin. Đó là niềm tin vào chính quyền địa phương, vào năng lực của hệ thống và trên hết là vào khả năng tự chủ, tự cường của đất nước. Đã đến lúc phải tin tưởng và trao quyền để mọi cấp chính quyền cùng nhau kiến tạo một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ấm no hạnh phúc.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh triết lý cốt lõi của phân quyền trong quản trị quốc gia hiện đại là: “Giao quyền để tạo giá trị của một nền công vụ gần dân, đúng lúc và bền vững”./.
Trong "Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương" tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Quyết định 'sắp xếp lại giang sơn' là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về Nhân dân."