Địa phương vay nợ ngân sách phải có 'tư duy như vay ngân hàng'
Xung quanh băn khoăn về việc nới trần dư nợ vay của ngân sách địa phương lên 120% số thu có thể khiến địa phương 'dày nợ', Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, địa phương khi vay nợ phải có tư duy 'như khoản vay ngân hàng'.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
Đã tính toán rất kỹ ảnh hưởng đến nợ công
Phát biểu góp ý Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sáng nay (26/5), nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định liên quan tới mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, song cũng cảnh báo nguy cơ địa phương “dày nợ”.
Theo dự thảo, địa phương tự cân đối thu chi được vay tối đa 120% số thu ngân sách được hưởng (quy định hiện hành là 60%).
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), quy định trên sẽ khiến các địa phương rất phấn khởi. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cùng với tăng trần nợ vay của địa phương thì phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng trả nợ vay, tránh tình trạng không trả nổi sau khi vay, khiến ngân sách trung ương phải bù, làm nợ công tăng cao.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cảnh báo "dễ vay thì dày nợ" và lo ngại, quy định trên có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương, không tập trung được nguồn lực cho các công trình dự án lớn quốc gia trong thời gian tới.
Ngược lại, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì cho rằng, quy định trên là rất cần thiết vì các địa phương đang rất cần nguồn lực để đầu tư phát triển, dù có thể sẽ làm nợ công tăng. Thậm chí, đại biểu còn đề nghị, đối với các đô thị đặc biệt như TP.HCM, Hà Nội - nơi tập trung nhiều dự án lớn có thể nâng trần nợ vay lên 150 - 200%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Hồi âm ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, quy định trên đã được Bộ Tài chính nghiên cứu rất kỹ. Hiện nay, trần nợ công Quốc hội cho phép là 60%. Đến hết năm 2024, tỷ lệ này mới là 34,7% GDP. Do đó, việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tới đây, dự kiến tại dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, bội chi ngân sách nhà nước sẽ ở mức 5% và ngân sách địa phương sẽ ở mức 0,7 % GDP.
Đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc nâng trần nợ công, nhưng phải kiểm soát được, Bộ trưởng nhấn mạnh hai vấn đề lớn.
Một là, kiểm soát nợ công, bội chi trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Hai là, kiểm soát chất lượng chất lượng các dự án, tránh trường hợp ở một số giai đoạn, một số địa phương sử dụng không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cần “tư duy như khoản vay của ngân hàng”. Dù là khoản vay ODA, vay từ Trung ương, vay nước ngoài, phát hành trái phiếu hay những khoản vay của địa phương đều phải tính toán đảm bảo hiệu quả về kinh tế - xã hội và và hiệu quả vốn vay.
Tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: Sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết
Về phân chia thu ngân sách giữa trung ương và địa phương, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành phương án hai trong dự thảo (trao quyền cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt để đảm bảo linh hoạt trong điều kiện kinh tế luôn biến động).
“Để tạo sự chủ động trong điều hành ngân sách, kịp thời thực hiện các nhiệm vụ được giao thì nên giao cho Chính phủ xây dựng phương án rồi trình Quốc hội quyết là phù hợp. Nếu quy định cụ thể từng tỷ lệ đối với từng địa phương vào trong dự thảo luật như phương án một khi có một thay đổi dù rất nhỏ cũng phải sửa luật, quy trình sẽ rất lâu, không phản ứng kịp thời với những diễn biến thực tế”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cũng đồng tình với phương án 2 là chỉ quy định các nguồn thu phân chia, không quy định cụ thể tỷ lệ phân chia tại dự thảo Luật và giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh để phù hợp với quan điểm mới về xây dựng pháp luật là chỉ quy định nguyên tắc, bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách.
Riêng đối với quy định khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đại biểu đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo là điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để góp phần giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, về lâu dài cần giảm dần tỷ trọng nguồn thu từ tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách địa phương. Thay vào đó yêu cầu các địa phương cần có giải pháp quy hoạch và quản lý đất đai một cách bền vững, minh bạch; Nhà nước thực hiện đa dạng hóa nguồn thu ngân sách trên cơ sở khai thác hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách thuế tài sản, thuế môi trường, đẩy mạnh thu ngân sách từ khu vực kinh tế số, công nghệ cao…
Tuy vậy, theo đại biểu, trong ngắn hạn, đối với các địa phương hiện nay chưa cân đối được ngân sách thì khi quy định chi tiết, Chính phủ nên căn cứ tình hình từng địa phương để phân chia cho phù hợp.
Nâng dự phòng ngân sách lên 5%
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) nâng tỷ lệ dự phòng ngân sách trung ương lên 5% (hiện là 2-4%). Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, quy định này không có nghĩa là phải trích dự phòng đầy đủ ở mức 5% mà là để khi có nhu cầu đột xuất thì sẽ bố trí nguồn để thực hiện việc phân bổ.
Những năm gần đây, nguồn phân bổ vào dự phòng đều được sử dụng hết, không lãng phí, không để lại. Nếu không tăng dự phòng lên 5% sẽ có nhiều lúc bị vướng trong thực tế. Chẳng hạn như vừa qua Bộ Chính trị chỉ đạo tăng thêm 1% chi cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tức là thêm khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có những trường hợp đột xuất có thể xảy ra mà nếu không bố trí, hết “room” thì không chi được. Vì vậy, nâng "room" thêm 1% là dự phòng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tiếp thu theo hướng chưa quy định tỷ lệ phân chia giữa các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong Luật, trừ khoản thu tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026. Trong năm 2026, khi luật có hiệu lực, sẽ giao Chính phủ xây dựng trình Quốc hội để quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho phù hợp và đảm bảo ổn định lâu dài.
Giải thích thêm một số ý liên quan đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, Bộ trưởng khẳng định điều này đã được Trung ương chỉ đạo tại Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 93 của Bộ Chính trị. Theo đó, ngân sách trung ương phải giữ vai trò chủ đạo. Đến năm 2030, ngân sách trung ương phải chiếm từ 58% đến 60% trong tổng chi ngân sách. Để đạt yêu cầu này thì phải triển khai thực hiện từ năm 2026.
Về nội dung phân chia tiền đất giữa Trung ương và địa phương, theo Bộ trưởng, việc này thực hiện theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để triển khai các nội dung liên quan đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ Tài chính sẽ rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi quy định để Thành phố Hà Nội được giữ lại 100 % tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật Thủ đô, trong bối cảnh thành phố đang tập trung vào rất nhiều dự án, công trình trọng điểm.