Địa phương xây dựng dự toán ngân sách năm 2025 phải sát đúng thực tiễn

Chiều 19/7, tại cuộc làm việc với các địa phương về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị địa phương phải dự toán được các nguồn thu- chi; dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để khi lập dự toán sát, đúng với thực tiễn 'tiên liệu nguồn thu ngân sách phải đáp ứng tương ứng mục tiêu tăng trưởng của địa phương và cả nước'.

Chiều 19/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với địa phương về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.

Hội nghị theo hình thức trực tuyến, kết nối với 62 điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự toán chính xác các nguồn thu ngân sách

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Tân- Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính đã thông tin những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 49/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành, hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Việc lập dự toán NSNN năm 2025 và cho 3 năm tới là vô cùng quan trọng. Ảnh: Đức Minh.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Việc lập dự toán NSNN năm 2025 và cho 3 năm tới là vô cùng quan trọng. Ảnh: Đức Minh.

Lưu ý các địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2024, ông Nguyễn Minh Tân đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật về thu ngân sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, đánh giá đầy đủ mọi khoản thu thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác của NSNN.

Phấn đấu, thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7%

Theo ông Nguyễn Minh Tân, về xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu, thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thực hiện thu NSNN 6 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện 6 tháng cuối năm 2024, trong đó tập trung làm rõ những thuận lợi, khó khăn; kiến nghị giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và Hội đồng nhân dân các cấp quyết định.

Đối với giai đoạn năm 2021-2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đánh giá tổng thể 4 năm đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Ngoài ra, địa phương phải đánh giá được chính sách ảnh hưởng tới thu NSNN.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, về xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu, thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát lồng ghép, bãi bỏ các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả.

Ngoài ra, chỉ đề xuất ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cân đối được nguồn thực hiện; dự kiến đầy đủ nhu cầu NSNN theo phân cấp thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi NSNN đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật NSNN và Luật Đầu tư công. Không bố trí dự toán chỉ cho các chính sách, chế độ chưa ban hành.

“Tiên liệu được nguồn thu ngân sách theo đúng mục tiêu tăng trưởng”

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã báo cáo sơ lược tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 7 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2024. Theo đó, cơ quan Thuế, Hải quan sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN đề ra trong năm 2024.

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính lưu ý các địa phương về những vấn đề mới khi triển khai Luật Đất đai năm 2024 tác động đến thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Hội nghị được triển khai trực tuyến tại 63 điểm cầu. Ảnh: Đức Minh.

Hội nghị được triển khai trực tuyến tại 63 điểm cầu. Ảnh: Đức Minh.

Tại các điểm cầu, lãnh đạo một số địa phương đã báo cáo sơ lược tình hình thực hiện nhiệm vụ thu- chi NSNN 6 tháng đầu năm và đưa ra mục tiêu phấn đấu cho cả năm 2024; đồng thời gửi một số kiến nghị tới Bộ Tài chính, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, thu NSNN cơ bản đạt kế hoạch dự toán, đảm bảo đạt 63,6% dự toán. Tính đến nửa tháng 7, thu NSNN đã đạt 68,5% dự toán, tăng khoảng 15% so với năm 2023.

Về cơ bản, từ nay đến cuối năm phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao, từ đó có nguồn để thực hiện các nhiệm vụ trong dự toán và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Bộ trưởng cho biết, 4 năm qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và có nhiều sáng kiến, sáng tạo, toàn ngành Tài chính đã vượt thu ngân sách. Nếu như năm 2021 thu NSNN vượt gần 15%, đến năm 2022 thu NSNN đã vượt 26,4%. Năm 2023 thu NSNN vượt hơn 8% với số tiền tương đương là hơn 131 nghìn tỷ đồng phân bổ cho các dự án đầu tư.

Nhờ thu vượt dự toán nên có thêm nguồn lực chi đầu tư phát triển.

Nhờ thu vượt dự toán nên có thêm nguồn lực chi đầu tư phát triển.

Do đó, theo người đứng đầu ngành Tài chính, việc lập dự toán NSNN năm 2025 và cho 3 năm tới là vô cùng quan trọng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương dự toán được các nguồn thu- chi; dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để khi lập dự toán phải sát, đúng với thực tiễn “tiên liệu nguồn thu ngân sách phải đáp ứng tương ứng mục tiêu tăng trưởng của địa phương và cả nước”.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đánh giá cao các địa phương đã nỗ lực vào cuộc, cùng với Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp góp phần tăng thu ngân sách. Trong đó, có những sáng kiến, sáng tạo trong quản lý thu, ứng dụng công nghiệp thông tin, chuyển đổi số nhằm tăng thu về NSNN đối với các khoản thu lâu nay chúng ta chưa thu được, như thu từ kinh doanh thương mại, nền tảng số…

Về chi NSNN, người đứng đầu ngành Tài chính đặc biệt lưu ý các địa phương phải đảm bảo nguồn chi cho con người, nguồn cho các khoản chi ổn định trong thời kỳ ngân sách. Đồng thời, phải đánh giá được những khoản chi có thay đổi, khoản chi phải tiết giảm như giảm 5% chi thường xuyên; các khoản chi tăng lên như chi cho cải cách tiền lương… “Do đó, phải rà soát dự toán chi NSNN để lý giải, dự báo chính xác nhất, phù hợp điều kiện thực tế”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Hay như khoản chi liên quan đến quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, khi Nghị định được ban hành, sau một thời gian dài ngừng thực hiện thì dự báo các khoản chi này sẽ tăng lên. Do đó, Bộ trưởng lưu ý các địa phương phải tính toán đầy đủ các khoản chi NSNN, theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đã nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng qua và tiếp tục phấn đấu thực hiện cho được các nhiệm vụ về tài chính- NSNN đã đề ra trong năm 2024./.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng đã nêu cụ thể một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm lưu ý các địa phương triển khai thực hiện. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024 theo đúng quy định, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính; trên cơ sở đó, dự toán sát đúng NSNN năm 2025 và 3 năm (2025-2027).

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dia-phuong-xay-dung-du-toan-ngan-sach-nam-2025-phai-sat-dung-thuc-tien-155317.html