Địa phương yêu cầu nộp giấy xác nhận cư trú khi đăng ký đi học: Đừng để 'sống lại' chuyện đã khai tử

Dư luận hoan nghênh Công an TP.HCM đã khẩn cấp ra văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức về tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn, sau phản ánh của báo chí.

Nguyên do trước đó một số UBND cấp xã và trường tiểu học, THCS yêu cầu phụ huynh phải có giấy xác nhận thông tin về cư trú (XNTTVCT) - còn gọi là CT07, mới có thể thực hiện thủ tục đăng ký cho con theo học tại các trường tiểu học, THCS.

Tái diễn “phép vua thua lệ làng”?

Động thái chấn chỉnh kịp thời của ngành chức năng, đã nhận được “cơn mưa” lời khen từ bạn đọc. Đồng thời, những việc làm “khác” với tinh thần công văn số 04/VP-KSTT, ngày 2.1.2025 của Văn phòng UBND TP.HCM bị nhắc đến.

Quan điểm của chính quyền TP.HCM, không gì khác hơn mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các yêu cầu chính đáng. Không riêng lĩnh vực giáo dục, lãnh đạo thành phố còn mong muốn phát huy tối đa các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện trên “tổng kho” VNeID. Nhất là khi ứng dụng Công dân số TP.HCM, vừa được triển khai năm 2024, các cấp các ngành đang khuyến khích người dân tải app này để sử dụng.

Dĩ nhiên, các cơ quan yêu cầu phụ huynh nộp giấy XNTTVCT cũng có lý do riêng. Một vài trường hợp học sinh (HS) và gia đình có hộ khẩu tại địa chỉ này, nhưng thực tế cư trú lại là địa chỉ khác. Mục đích nắm rõ nơi ở hiện nay của HS cũng thật dễ hiểu.

Thế nhưng, nhu cầu mưu sinh tại các đô thị, câu chuyện giấy tờ một nơi, người ở một nẻo là chuyện khá bình thường. Dù xảy ra việc chưa trùng khớp giữa nơi đăng ký thường trú và nơi cư trú hiện tại, thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể liên thông với nhau. Tiến hành tự xác minh, cập nhật, bổ sung, để hoàn chỉnh hồ sơ mà người dân và đơn vị quản lý nhân hộ khẩu, vẫn không phải lặp lại điệp khúc “xin - cho”.

Tình trạng “phép vua thua lệ làng” cũng không hiếm gặp ở một vài lĩnh vực khác. Quyển sổ hộ khẩu đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” và trở thành quá khứ. Ai đó còn giữ lại trong nhà cũng chỉ xem nó như là “kỷ niệm”. Vậy nhưng, thỉnh thoảng vẫn còn phải mang đi photo, kẹp vào hồ sơ cho “đủ thủ tục”. Yêu cầu nộp giấy CT07, quả thật tương tự như buộc người khác phải “đào bới” đống phế liệu, tìm lại món đồ vật đã đi vào lãng quên.

Chấn chỉnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Mã số định danh cá nhân cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp các ngành thuận tiện trong việc khai thác, phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đi khám bệnh giờ đây không còn phải xuất trình thẻ BHYT, đi máy bay không cần mang theo thẻ căn cước hoặc giấy khai sinh (đối với trẻ em). Tài xế đổi giấy phép lái xe, trong lúc chờ nhận bản cứng vẫn hành nghề được, nhờ đã tích hợp vào tài khoản định danh điện tử (mức 2). Ngay cả chuyện hệ trọng của cả đời người là đăng ký kết hôn, cũng không cần nộp giấy xác nhận độc thân nữa.

Tóm lại, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và có… mạng, giờ đây đi du lịch cũng không phải mang nhiều giấy tờ như trước. Thời đại “4.0” đang đáp ứng đời sống nhiều mặt của con người. Thế nên, cần bắt công nghệ phục vụ cho người dân, đừng “làm khó” nhau, hoặc đẩy cái khó cho người khác chỉ vì một thủ tục đã đi vào dĩ vãng.

Nhiều trường học khuyến khích người dân thực hiện đăng ký cho con nhập học trên ứng dụng, theo hướng dẫn của ngành giáo dục

Nhiều trường học khuyến khích người dân thực hiện đăng ký cho con nhập học trên ứng dụng, theo hướng dẫn của ngành giáo dục

Chúng ta đã đầu tư rất nhiều, để có được vô số tiện ích mang tên công nghệ như hiện nay. Vì thế, khi sử dụng chưa hết lại còn “vẽ” thêm yêu cầu mang tính thủ công như trước đây, cũng có thể xem là lãng phí. Phụ huynh tốn công sức đến trực tiếp làm thủ tục cấp giấy xác nhận “bằng giấy”. Cơ quan có thẩm quyền cấp cũng mệt mỏi, mất thời gian vô ích, bởi đáng lẽ không cần dùng đến “động tác thừa” này. Ngành giáo dục vừa được khen ngợi, vì áp dụng phương pháp tuyển sinh rất nhân văn, dựa trên tiêu chí địa giới: “nhà gần trường”.

Chấm dứt tình trạng có trường học nằm rất gần nơi ở nhưng lại phải đi học trường xa. Vậy nên, để tốt hơn nữa cần thực hiện phối hợp nhịp nhàng giữa các trường và chính quyền cấp xã. Thông tin phụ huynh đăng ký nếu có chi tiết nào chưa trùng khớp (chiếm tỉ lệ rất ít), những đơn vị liên quan cần chủ động trao đổi, xác minh, bổ sung, thay vì để các bậc cha mẹ phải khổ sở đi xin cấp tờ CT07.

Mới đây, việc cấp thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử, đã được triển khai tại nhà ga tuyến metro số 1. Những chuyển động mang đầy tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, rất đáng khích lệ và ủng hộ. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn lược bớt, xóa hẳn những công đoạn không cần thiết, để cụm từ “số hóa” thực sự đi vào đời sống, thay thế cho cách làm xưa cũ, lạc hậu và tốn kém. Nhiều trường học cũng đang vận dụng thế mạnh của chuyển đổi số, nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh và HS.

“Chúng tôi khuyến khích người dân thực hiện đăng ký cho con nhập học trên ứng dụng, theo hướng dẫn của ngành giáo dục. Những trường hợp phụ huynh ở địa phương khác, nhưng có nguyện vọng cho con học ở trường này, đều được đề xuất Phòng Giáo dục và đào tạo TP.Thủ Đức giải quyết”.

Bà Lê Thị Kim Ngân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thạnh, TP.Thủ Đức

Thanh Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dia-phuong-yeu-cau-nop-giay-xac-nhan-cu-tru-khi-dang-ky-di-hoc-dung-de-song-lai-chuyen-da-khai-tu-231233.html