Dịch bệnh sởi ở khu vực phía Nam diễn biến phức tạp

Chiều 4-12, PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng, chống dịch năm 2024 khu vực phía Nam. Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng chủ trì.

Biểu đồ thể hiện số ca mắc sởi của các địa phương khu vực phía Nam trong năm 2024, Đồng Nai đang dẫn đầu. Ảnh: Viện Pasteur

Biểu đồ thể hiện số ca mắc sởi của các địa phương khu vực phía Nam trong năm 2024, Đồng Nai đang dẫn đầu. Ảnh: Viện Pasteur

Đồng Nai dẫn đầu số ca mắc sởi của khu vực

Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết ngày 2-12, các tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận hơn 19 ngàn ca mắc sởi. Đối tượng mắc sởi nhiều nhất là trẻ từ 1-10 tuổi, chiếm khoảng 60% tổng số ca mắc. Nhóm đối tượng dưới 9 tháng tuổi bị bệnh sởi cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Đồng Nai đang dẫn đầu khu vực phía Nam về số ca mắc sởi với hơn 3,2 ngàn ca. Kế đó là Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu…

Về chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella, các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc chiến dịch được 4-7 tuần. Kết quả tiêm chủng đạt hơn 95%. Tuy nhiên, số ca bệnh từ 1-10 tuổi (thuộc chiến dịch tiêm) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhiều trẻ trong độ tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine với nhiều lý do như: thay đổi nơi ở, sống cùng ông bà, trẻ bị bệnh vào kỳ tiêm chủng, khi cha mẹ đưa trẻ đến trạm tiêm thì lại không đúng ngày tiêm…

Mô hình lây lan dịch bệnh sởi bao gồm: trẻ bị mắc bệnh sau khi đến cơ sở khám, chữa bệnh để khám một bệnh khác; lây lan trong trường học, cộng đồng, trong khu công nghiệp, doanh nghiệp.

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo các địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác rà soát trẻ trong độ tuổi để triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi của chiến dịch tiêm bổ sung trước đó. Đặc biệt, cần lưu ý tiếp tục bảo vệ nhóm trẻ từ 1-10 tuổi và nhóm trẻ từ 6-9 tháng tuổi.

Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, giai đoạn dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine sởi rất thấp. Sự thiếu hụt vaccine trong những năm tiếp theo dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine sởi.

Đồng Nai đã thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi từ rất sớm. Tỉnh dự kiến sẽ tiêm cho hơn 83 ngàn người. Kết quả đến nay đã tiêm cho hơn 82,3 ngàn người, đạt tỷ lệ 97,4%. Ngoài ra, hơn 2,8 ngàn nhân viên y tế có nguy cơ cao tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh cũng đã được tiêm vaccine trong chiến dịch lần này.

Đến ngày 4-12, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 1 bệnh nhân sởi nặng đang phải thở CPAP tại Khoa Cấp cứu; 12 bệnh nhân nằm ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc (trong đó có 8 bệnh nhân đang phải thở máy, 4 bệnh nhân thở oxy); 228 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (trong đó có 30 bệnh nhân thở oxy và CPAP).

Cần sự chung tay của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự chủ động của người dân

Tất cả 11 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai đều đã ghi nhận ca bệnh sởi. Trong đó, thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca bệnh sởi nhiều nhất với hơn 1,2 ngàn ca.

Bác sĩ chuyên khoa II Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa cho hay, Biên Hòa là địa phương có đông dân, đặc biệt là dân nhập cư, tình trạng di biến động dân cư rất lớn. Khó khăn lớn nhất là còn nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc tiêm chủng của con, bận đi làm không đưa con đi tiêm. Công tác truyền thông mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa tiếp cận được một bộ phận người dân.

Bác sĩ Đậu Ngọc Trung, Trung tâm y tế thành phố Biên Hòa báo cáo công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh sởi. Ảnh: Hạnh Dung

Bác sĩ Đậu Ngọc Trung, Trung tâm y tế thành phố Biên Hòa báo cáo công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh sởi. Ảnh: Hạnh Dung

“Chúng tôi thống kê, đa số trẻ chưa được tiêm vaccine là những trẻ vãng lai, theo cha mẹ từ các địa phương khác đến Đồng Nai làm ăn. Ngành y tế đang tiếp tục phối hợp để rà soát các đối tượng trong độ tuổi, kể cả đang đi học và không đi học để triển khai tiêm vét” - bác sĩ Trung nói.

Trong khi đó, tại huyện Vĩnh Cửu, số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất ở 3 xã đông dân là Thạnh Phú, Thiện Tân và Tân An. Đây cũng là 3 xã có tình trạng di biến động dân cư lớn.

Khó khăn của huyện Vĩnh Cửu khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi là sự thờ ơ của nhiều phụ huynh. Mặc dù đã được nhân viên y tế giải thích, vận động, kêu gọi nhưng phụ huynh vẫn chủ quan, chưa đưa con đi tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch chưa có sự tham gia nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn, chủ yếu vẫn là ngành y tế thực hiện.

“Lực lượng y tế tuyến cơ sở rất mỏng, không thể rà soát, điều tra hết được những ca mắc sởi. Trong khi đó, còn nhiều trẻ ở ngoài cộng đồng chưa được tiêm vaccine nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao” - bác sĩ Nguyễn Thị Hà, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu báo cáo.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo công tác thu dung, điều trị sởi tại bệnh viện. Ảnh: Hạnh Dung

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo công tác thu dung, điều trị sởi tại bệnh viện. Ảnh: Hạnh Dung

Về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sởi, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, trong 24h qua, bệnh viện khám cho 214 bệnh nhân bị bệnh sởi, trong đó chỉ định nhập viện với 30 bệnh nhân, cấp cứu 7 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nghĩa, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2 ngàn bệnh nhân khám ngoại trú, hơn 700 bệnh nhân nội trú. Trong đó, tổng số ca bệnh sởi chiếm 20%. Bệnh viện có hệ thống thu dung, điều trị sởi khá hoàn chỉnh, có khu phòng khám riêng dành cho bệnh nhân phát ban, có phòng xét nghiệm, lấy mẫu tại chỗ, có phân cấp điều trị với đầy đủ các loại máy móc, thiết bị, kể cả máy ECMO.

Khu điều trị nội trú bệnh sởi là một tòa nhà riêng. Bệnh viện đã mở rộng khu điều trị lên công suất 250-300 giường. Bệnh nhân sởi có lối đi riêng, đảm bảo chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

“Với lượng bệnh tăng như hiện nay, bệnh viện hơi quá tải. Tuy nhiên, khi được Sở Y tế điều động thêm 10 điều dưỡng, chúng tôi có tổng cộng 20 bác sĩ và 60 điều dưỡng tham gia điều trị sởi. Ngoài ra, bệnh viện có một khu tiêm ngừa tất cả các loại vaccine, trong đó có vaccine sởi, hoạt động tất cả các ngày trong tuần.

Những trẻ bị các bệnh nền nặng như bệnh tim nếu những cơ sở tiêm chủng khác không chích ngừa được thì bệnh viện sẽ khám tầm soát và chích ngừa, đảm bảo an toàn tiêm chủng” - bác sĩ Nghĩa cho hay.

PGS-TS NGUYỄN VŨ TRUNG, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung, bệnh sởi nói riêng. Trong đó, tích cực rà soát những trẻ chưa được tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng. Nâng cao hiệu quả thu dung, điều trị bệnh nhân sởi, hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202412/dich-benh-soi-o-khu-vuc-phia-nam-dien-bien-phuc-tap-a984ae6/