Dịch Covid-19 có giết chết ngày Black Friday?
Mua sắm trực tuyến đem đến sự nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn thích đến cửa hàng ngắm và thử đồ, thậm chí tận hưởng không khí lễ hội vào ngày Black Friday.
Theo The Guardian, Black Friday từ lâu đã được coi là ngày bắt đầu cho mùa mua sắm nghỉ lễ ở Mỹ. Khi bình minh ló rạng sau Lễ Tạ ơn, hàng dài người cố giành giật những chương trình ưu đãi tốt nhất tại các cửa hiệu và trung tâm thương mại.
Trong ngày này, hầu hết mặt hàng, kể cả những mặt hàng đắt khách và ít giảm giá nhất, cũng giảm trung bình từ 10-30%. Các thương hiệu từ bình dân đến nổi tiếng như Apple, Nike đều có ưu đãi lớn. Hàng năm, người mua phải xếp hàng, chen lấn, giành giật để mua những món hàng ưng ý với mức giá hời.
Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ đã khác.
Đại dịch đã thay đổi ngày Black Friday năm nay. Virus Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao ở những không gian đông đúc, chật chội. Nhiều chính quyền bang và địa phương ban hành các quy định giãn cách xã hội, bao gồm hạn chế số lượng khách hàng trong cửa hàng.
Xu hướng trực tuyến
Dù vậy, điều ngày không đồng nghĩa với việc ngày mua sắm lớn nhất trong năm bị hủy bỏ. Ngay cả khi bị ảnh hưởng kinh tế vì tác động của đại dịch, nhiều người Mỹ vẫn sẵn sàng chi tiền để mua sắm, nhất là khi họ đã giảm chi cho việc đi du lịch, xem phim và đến những buổi hòa nhạc.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã tăng trong suốt mùa hè và mùa thu. Một cuộc khảo sát của National Retail Foundation chỉ ra ngân sách của người Mỹ cho dịp lễ chỉ giảm 50 USD so với năm ngoái.
Tuy nhiên, ngày Black Friday năm nay có vẻ ảm đạm hơn đối với các nhà bán lẻ Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, hàng loạt hãng bán lẻ lớn, bao gồm J Crew, Neiman Marcus và JC Penney, đã nộp đơn xin phá sản. Trong khi đó, những gã khổng lồ như Amazon và Walmart phát triển mạnh.
Dịch Covid-19 cũng thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến đã có trong vài năm trở lại đây. Các đại gia bán lẻ đạt doanh thu bán hàng trực tuyến lớn nhờ nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thay vì đến cửa hàng. Chẳng hạn, Best Buy chỉ bán máy chơi game mới như PS5 trực tuyến.
Walmart và Target cũng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến Black Friday từ tháng 11. Trong khi đó, Home Depot cung cấp nhiều ưu đãi Black Friday suốt mùa lễ. "Các ưu đãi đều có sẵn và bạn không cần chờ đợi. Bạn không phải tập trung mua sắm chỉ trong ngày cuối tuần", bà Katherine Cullen, giám đốc bộ phận bán lẻ và người tiêu dùng tại National Retail Federation, nhận định.
Theo bà Cullen, việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến sẽ tránh tình trạng đông đúc tại các cửa hàng. Bên cạnh đó, nhờ kéo dài chương trình ưu đãi, áp lực xử lý đơn đặt hàng trực tuyến cũng giảm bớt.
Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ nhỏ sẽ phải chật vật trong việc tận dụng ngày Black Friday để tăng doanh số. Năm nay, không ít cửa hàng nhỏ lao đao vì xu hướng mua hàng trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Theo nền tảng Yelp, vào tháng 9, 17.503 doanh nghiệp Mỹ đã phải đóng cửa vĩnh viễn, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ.
Các cửa hàng bách hóa từng là những nhà bán lẻ quyền lực nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây, họ sẽ phải đối mặt với một kỳ nghỉ lễ khó khăn khi người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến.
Với thương mại điện tử, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn, so sánh và mua hàng chỉ bằng một cú click chuột. Cùng với Neiman Marcus và JC Penney, Lord & Taylor và Century 21 đã nộp đơn xin phá sản vì đại dịch.
"Các cửa hàng bách hóa vốn đã yếu và chắc chắn đang ngày càng yếu hơn", ông Brian Wieser, chủ tịch toàn cầu về trí tuệ kinh doanh của hãng truyền thông GroupM, bình luận.
Truyền thống không biến mất
"Các bạn hãy nghĩ đến những điều này và khả năng nhiều nhà bán lẻ trong số đó phải ngừng kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là liệu ngày Black Friday cũ có thể quay lại nữa hay không", ông Wieser đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo The Guardian, một số dấu hiệu chỉ ra trải nghiệm mua sắm truyền thống sẽ không mất đi vì đại dịch. Trong cuộc khảo sát của công ty tư vấn Deloitte, nhiều người cho biết có thể mua sắm trực tuyến thay vì đến cửa hàng. Nhưng vẫn có đến 54% người khẳng định đã lên kế hoạch mua sắm trực tiếp vào ngày cuối tuần.
Nhiều nhà bán lẻ đã sẵn sàng chào đón khách hàng vào ngày Black Friday. Họ cũng chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn như giới hạn số lượng khách, đeo khẩu trang bắt buộc và tăng cường khử trùng. Walmart tiết lộ sẽ mở cửa lúc 5h sáng ngày Black Friday với công suất 20% mỗi cửa hàng.
Target cũng cho phép khách hàng tự thực hiện thanh toán trên ứng dụng để tránh phải xếp hàng dài đợi chờ thanh toán. Hầu hết cửa hàng truyền thống đều tạo điều kiện thuận lợi cho những người mua sắm trực tuyến.
Theo bà Cullen, người tiêu dùng thích sự tiện lợi và nhanh chóng của mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, họ cũng muốn được xem và thử qua sản phẩm trước khi mua. Vì thế, việc mua sắm tại cửa hàng sẽ không mất đi.
Đặc biệt, một số khách hàng còn muốn đến các cửa hàng để tận hưởng không khí "điên cuồng" của dịp lễ hội, nhất là trong ngày Black Friday.
"Đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ, chúng tôi nhận thấy mọi người thích mua sắm tại cửa hàng hơn. Đó là một hoạt động xã hội. Họ có thể ngắm nghía đồ trang trí, chọn lựa các món quà", bà nói thêm.
"Mùa lễ đang cận kề, chúng ta sẽ lại thấy thích thú khi đến các cửa hàng để mua sắm, ngay cả khi nhiều người thích những tiện ích của mua sắm trực tuyến", bà Cullen khẳng định.
"Và có lẽ những hàng dài người đứng xếp hàng sẽ trở lại vào năm sau", cây bút Lauren Aratani của The Guardian nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-covid-19-se-khong-giet-chet-ngay-black-friday-post1157164.html