Dịch Covid-19 khiến nguy cơ trẻ bị bạo hành tăng

TS Trần Thành Nam nhận định dịch Covid-19 khiến trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo hành hơn, đặc biệt khi trường đóng cửa, thiếu sự theo dõi từ giáo viên.

Bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị “dì ghẻ" đánh chết. Bé 6 tuổi ở Hà Nội tử vong vì đòn roi của bố lúc học online. Một bé gái khác, 3 tuổi, rơi vào nguy kịch khi bị người tình của mẹ ghim 9 dị vật vào đầu. Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra. Kẻ thủ ác lại chính là người thân, người quen của trẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết thực tế, không phải gần đây, xã hội mới nảy sinh các vụ bạo hành, xâm hại xuất phát từ người quen biết với trẻ.

“Bất cứ hoàn cảnh nào có sự chênh lệch quyền lực sẽ có nguy cơ xâm hại. Trong gia đình, trẻ thường là đối tượng yếu thế nhất. Vì vậy, chúng ta phải dự báo, có ý thức, kỹ năng để nhận diện dấu hiệu sớm về nguy cơ trẻ bạo hành, kể cả về thể chất lẫn tinh thần”, ông Nam nói.

 Bé gái 6 tuổi ở Hà Nội bị tử vong sau khi bị bố đánh. Ảnh: H.N.

Bé gái 6 tuổi ở Hà Nội bị tử vong sau khi bị bố đánh. Ảnh: H.N.

Khi những đứa trẻ thành nơi trút giận

TS Trần Thành Nam cho rằng dịch Covid-19 đang khiến nguy cơ trẻ bị bạo hành tăng cao.

Theo ông, ở mỗi giai đoạn khủng hoảng, an sinh xã hội trở nên khó khăn, nguy cơ này bùng phát. Trẻ là đối tượng yếu thế nhất, chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch.

Ông phân tích ở thời điểm thuận lợi, người lớn lo nghĩ việc kiếm sống. Khi gặp khủng hoảng như hiện tại, nhiều người lớn không có phẩm cách, phẩm chất, họ trút giận lên những đứa trẻ. Đương nhiên, bạo hành trẻ em không phải vấn đề mới. Nó xuất hiện từ trước dịch, nhưng ít hơn.

Nhiều phụ huynh vẫn thiếu kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, quản lý tích cực, quản lý cảm xúc. Trong khủng hoảng, thậm chí, không ít người bị tổn thương sức khỏe tinh thần, dẫn đến bạo hành trẻ.

Cùng với đó, dưới tác động của đại dịch, cộng đồng cũng stress. Mức độ thấu hiểu, quan tâm, ra tay giúp đỡ, bảo vệ trẻ yếu thế giảm sút vì nhiều người bận rộn lo cho cuộc sống của chính họ, không nghĩ tới nhu cầu của người khác.

“Thực tế, ở đây còn có yếu tố tâm lý người qua đường. Tôi nhận thấy những việc xảy ra trong môi trường nhiều người chứng kiến thường có xu hướng không ai can thiệp vì ai cũng nghĩ người khác sẽ ngăn cản bạo lực”, ông nói thêm.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, đứng trước giai đoạn khó khăn, nhiều nghiên cứu, tổ chức đã dự báo về nguy cơ trẻ bị bạo hành trong gia đình tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không có biện pháp kịp thời để ứng phó. Thời gian qua, xã hội tập trung vào vấn đề y tế, chưa quan tâm đến yếu tố tâm lý, dẫn đến nhiều hậu quả, như nạn trộm cắp, bạo hành trẻ em… tăng lên. Điều này thể hiện bức tranh chung xã hội khi người ta mất khả năng kiểm soát cảm xúc, bị tổn thương sức khỏe tinh thần.

Bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội, có nhiều dị vật trong đầu, xác định do người tình của mẹ ghim đinh vào đầu em. Ảnh: Đ.X.

Tăng cường giám sát nguy cơ trẻ bị bạo hành

Trước những tác động của dịch bệnh lên sức khỏe thể chất, tinh thần trẻ cùng thực tế nhiều vụ bạo hành xảy ra, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng đưa trẻ trở lại trường có thể là một trong những biện pháp để bảo vệ các em.

Theo ông, với một số gia đình, trẻ bị nhốt ở nhà, thiếu sự giám sát từ người khác có thể chịu nhiều nguy cơ bị bạo hành từ người thân hay tai nạn thương tích.

“Quay trở lại trường là cách thức để bảo vệ trẻ vì có người để mắt đến các em. Giáo viên có thể phát hiện nhiều hơn các bất thường ở trẻ”, ông nói.

Cùng với việc mở cửa trường học, chuyên gia này kiến nghị cần tăng cường năng lực nhận thức về tổn thương sức khỏe tinh thần cho giáo viên, cộng đồng, đưa nội dung vào nhà trường.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tuyên truyền cho cộng đồng về trách nhiệm nguy cơ báo cáo hành vi bạo hành trẻ, xây dựng đường dây nóng có tính nặc danh hơn để họ báo cáo khi có vấn đề.

“Kể cả những tố cáo khó tin đến mấy, chúng ta cũng không được không tin. Điều đó có nghĩa người nhận tin lúc nào cũng nghĩ đấy là nguy cơ, phải kiểm tra, báo cáo, thà nhầm còn hơn để đến khi phát hiện ra, tổn hại đã rất lớn”, ông nhấn mạnh.

Ông nói thêm kỹ năng nhận diện hành vi vi phạm quyền trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, tìm kiếm sự giúp đỡ… đều được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới, ở môn Giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo.

Tuy nhiên, nội dung dạy chỉ hướng tới người ngoài, không phải để ứng phó với người thân. Ông thừa nhận cái khó là khi làm sách, tác giả không thể đưa ra những hình ảnh mang tính tiêu cực như bố mẹ bạo hành con vào sách, dẫn đến bỏ sót trường hợp người bạo hành trẻ lại chính là bố mẹ các em.

Ngoài ra, trẻ còn thiếu kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo hành. Nhiều học sinh lớp 1, lớp 2 vẫn chưa biết đến đường dây nóng để bảo vệ quyền trẻ em. Theo ông Nam, lẽ ra, thông tin về đường dây nóng cần được công khai trong chung cư, trường học, những nơi mà mọi người, trong đó có trẻ em, biết, nhận thức kịp thời.

Ngoài ra, ông cho rằng cần có thay đổi trong cách tiếp nhận, xử lý các vụ bạo hành trẻ. Nước ta có nhiều điều luật, quy định để bảo vệ trẻ em nhưng chưa tới được những đứa trẻ có nguy cơ bị bạo hành.

Với hình thức bạo hành tinh thần hay khi chưa xác định mức độ trẻ tổn thương về thể chất, người vi phạm nhìn chung chỉ cần nộp phạt hành chính.

Vì thế, ông kiến nghị cần phạt từ hành vi nhỏ và hình phạt mang tính giáo dục. Ví dụ, người lớn tiếng quát mắng con cái phải học khóa rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc, làm cha mẹ tích cực, hoàn thành khóa học mới được đi làm bình thường. Nếu không, họ phải chịu hình phạt nặng hơn.

Ông nêu thêm thực tế hiện nay, nhiều hành vi bạo hành trẻ xuất hiện nhưng chưa được xử lý phù hợp. Trong nhiều tình huống, các tổ chức cộng đồng như hội phụ nữ, tổ dân phố… thấy trẻ bị hành hạ kinh khủng, nhận được lời cầu cứu từ các em. Song họ lại đưa trẻ về gia đình, khuyên bố mẹ nhẹ nhàng hơn với con cái.

Cách làm đó là trả lại trẻ về môi trường bị bạo hành trong khi lời khuyên đối với những người thiếu năng lực nhận thức, kỹ năng nuôi con hoàn toàn không có tác dụng.

Ông cũng cho rằng cần có đường dây tiếp nhận phản ánh, yêu cầu người liên quan lên làm việc thay vì cách làm như hiện nay - tổng đài 111 nhận điện thoại phản ánh trẻ bị bạo hành, còn nhận diện có nguy cơ hay không, rồi gọi đến các cơ quan khác để xác minh. Ông đánh giá cách xử lý như vậy quá nhiều chặng.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-covid-19-khien-nguy-co-tre-bi-bao-hanh-tang-post1291220.html