Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh: Cần những giải pháp đồng bộ

Thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) và giáo dục hướng nghiệp (GDHN), định hướng phân luồng học sinh (HS) trong giáo dục phổ thông (GDPT). Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.Thực hiện nhiều giải phápTừng bước khắc phục khó khăn, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm duy trì tỷ lệ đạt chuẩn XMC mức độ 2, đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn PCGD tiểu học và THCS mức độ 3. Một trong những hoạt động được tỉnh chú trọng là tăng cường việc gắn kết công tác GDNN với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm thu hút HS tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học tại các cơ sở GDNN thay vì cố gắng để vào các trường đại học khi không đủ năng lực, điều kiện.

Nhờ tập trung triển khai nhiều hoạt động, nhất là việc quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục (CSGD) các cấp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng mừng trong công tác PCGD, XMC, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tỉnh được Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học, THCS mức độ 3, XMC mức độ 2-đây là mức cao nhất theo quy định của công tác PCGD, XMC-là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đạt kết quả này.

Để có được thành tích trên, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác PCGD, XMC đối với việc đào tạo nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đến nay, hệ thống mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của HS và người lao động.

Học sinh được tiếp cận sớm với nghiên cứu khoa học, góp phần định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc học phổ thông.

Học sinh được tiếp cận sớm với nghiên cứu khoa học, góp phần định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc học phổ thông.

Đối với công tác GDHN, phân luồng HS trong GDPT, ngành GD-ĐT đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người học đối với việc chọn nghề, chọn ngành. Các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp HS có cái nhìn khách quan, toàn diện về việc chọn ngành, nghề trong tương lai.

Đặc biệt, hàng năm Sở GD-ĐT luôn tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh. Năm học 2023-2024, cuộc thi thu hút 28 đơn vị trực thuộc và 8 phòng GD-ĐT tham gia với 79 dự án được chọn trưng bày, giới thiệu, trong đó có 4 dự án đoạt giải nhất, 6 dự án đoạt giải nhì. 2 trong 4 dự án xuất sắc nhất tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia đều đạt giải (gồm 1 giải nhì và 1 giải tư). Thành công của cuộc thi không chỉ thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học trong các trường phổ thông mà còn định hướng cho HS biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần định hướng nghề nghiệp, mở ra cơ hội cho HS tiếp cận sớm với nghiên cứu khoa học.

Sở GD-ĐT còn tham mưu UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông. 100% trường phổ thông triển khai chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài việc tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền GDHN và định hướng phân luồng cho HS cuối cấp, các trường THCS, THPT còn tổ chức cho HS đi tham quan thực tế tìm hiểu các ngành nghề trên địa bàn tỉnh và tạo điều kiện cho các CSGD nghề nghiệp đến tận trường để tư vấn định hướng nghề nghiệp cho HS. Qua đó, huy động ngày càng nhiều HS sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các thị trường lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCGD, XMC và GDHN, định hướng phân luồng HS trong GDPT thời gian qua còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số trường học chưa bảo đảm phục vụ hoạt động dạy học, nhất là các trường ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học đối với con em cũng như ý nghĩa của công tác PCGD, XMC đối với việc nâng cao dân trí.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ phân luồng HS trong GDPT trên địa bàn tỉnh còn thấp (chỉ có 9,26% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các CSGD nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 25,81% HS tốt nghiệp THPT tham gia học ở các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng). Đa số HS sau trung học đều mong muốn học lên đại học, rất ít HS lựa chọn vào học ở các trường nghề.

Một trong những nguyên nhân của vấn đề trên là do các CSGD nghề nghiệp chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người học. Nhiều người sau khi hoàn thành chương trình học không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ công tác GDHN ở một nơi còn thiếu, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phân luồng HS sau THCS, THPT, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hồ Vũ Thường cho hay: Tuyên Hóa là địa bàn có nhiều xã thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, thế nên, nếu HS không đỗ vào lớp 10 để được học các trường đóng trên địa bàn thì nhiều gia đình không yên tâm cho con vào học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đóng ở thị trấn Đồng Lê. Thêm vào đó, việc học nghề tại địa phương cũng tồn tại nhiều bất cập do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị... Nhiều học viên sau khi học nghề không tìm được việc làm để ổn định cuộc sống.

Tương tự, huyện Bố Trạch cũng gặp nhiều rào cản trong việc phân luồng cho HS phổ thông.

Mặc dù huyện đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới hình thức đào tạo nghề phù hợp với địa phương, tập trung vào các nghề phục vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp…, nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế bởi thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đồng bộ…, trong khi HS các vùng khó khăn không thể vào tận Đồng Hới để học nghề…

“Huyện có nhiều xã xa trung tâm như Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch… nên HS khó tiếp cận với cơ sở đào tạo nghề chưa kể là học nghề xong cũng rất gian nan trên con đường tìm việc…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết.

Để thực hiện tốt công tác PCGD, XMC và GDHN, định hướng phân luồng HS trong GDPT, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm tiếp tục đầu tư nguồn lực, hoàn thiện mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện cho giáo dục mầm non, GDPT, giáo dục thường xuyên, GDNN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới trường lớp tại các địa bàn vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương thợ giỏi, làm nghề giỏi, giúp HS, phụ huynh HS có cái nhìn đúng về học nghề, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, cần mở rộng hình thức dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn nhằm giúp người lao động sau khi học nghề dễ tìm được việc làm phù hợp.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/giao-duc/202407/nang-cao-chat-luong-pho-cap-giao-duc-xoa-mu-chu-va-phan-luong-hoc-sinh-can-nhung-giai-phap-dong-bo-2219502/