Dịch COVID-19 ở châu Phi: Lesotho ghi nhận ca nhiễm đầu tiên
Bộ Y tế Lesotho nêu rõ đã tiến hành 81 xét nghiệm COVID-19 đối với những người tới từ Nam Phi và Saudi Arabia, trong đó phát hiện một người có kết quả dương tính.
Ngày 13/5, Bộ Y tế Lesotho thông báo nước này đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên, qua đó trở thành quốc gia cuối cùng ở châu Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nguy hiểm này.
Trong tuyên bố, Bộ Y tế Lesotho nêu rõ đã tiến hành 81 xét nghiệm COVID-19 đối với những người tới từ Nam Phi và Saudi Arabia, trong đó phát hiện một người có kết quả dương tính. Bệnh nhân là công dân Lesotho đang theo học tại Saudi Arabia.
Trong thời gian qua, Vương quốc Lesotho, vốn nằm ẩn mình trên một dãy núi ở Nam Phi, đã tránh được dịch COVID-19, trong khi những quốc gia khác trong khu vực ghi nhận số ca nhiễm lên tới hàng nghìn người.
Kể từ ngày 29/3, Lesotho đã áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan từ nước láng giềng Nam Phi.
Vào ngày 6/5 vừa qua, Thủ tướng Lesotho Thomas Thabane đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, qua đó cho phép nối lại các dịch vụ không thiết yếu và các doanh nghiệp tạm thời mở cửa trở lại.
Trong khi đó, Niger đã thông báo chấm dứt lệnh giới nghiêm vào buổi tối tại thủ đô Niamey, mở lại các đền thờ vốn bị đóng cửa từ cuối tháng Ba vừa qua.
Thông báo nêu rõ quyết định trên được đưa sau khi Chính phủ Niger tham vấn với các chức sắc tôn giáo và ủy ban chuyên gia về COVID-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có diễn biến tích cực.
Theo thông báo, lệnh giới nghiêm tại thủ đô Niamey sẽ được dỡ bỏ từ ngày 13/5.
Trước đó, Chính phủ Niger đã nới lỏng một số biện pháp trong tháng lễ Hồi giáo Ramadan.
Nhà chức trách kêu gọi các chức sắc tôn giáo yêu cầu tín đồ tuân thủ các biện pháp phòng dịch như rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch rửa tay khô, khử trùng các đền thờ trước khi tín đồ đến cầu nguyện, đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội ít nhất 1m.
Thông báo nhấn mạnh trong trường hợp tình hình xấu đi do quyết định mở lại các địa điểm tôn giáo này, chính phủ có quyền cân nhắc lại.
Tính đến tối 12/5, Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã ghi nhận tổng cộng 854 ca nhiễm và 47 ca tử vong.
Tại Tunisia, Bộ Y tế nước này thông báo đã 3 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Cho đến nay, tổng số ca nhiễm tại quốc gia châu Phi này vẫn là 1.032 ca, trong đó có 45 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 740 người./.