Dịch giả Châu Hải Đường: Thấy tiếng nói ông cha từ một nguồn sử khác
Dịch giả Châu Hải Đường nổi tiếng với những dự án nghiên cứu lịch sử - văn hóa Trung Quốc trong cái nhìn đối chiếu với Việt Nam. Cuốn 'An Nam truyện' của anh biên soạn tỉ mỉ, hệ thống những ghi chép về Việt Nam từ chính sử Trung Quốc từ đời Hán tới đời Thanh và là một trong những tác phẩm được những người yêu sử Việt tìm kiếm khá nhiều.
Tôi đọc “An nam truyện” từ vài năm trước, khi cuốn sách mới ra đời và ngay lúc đó đã có ý tưởng ngồi đối thoại với anh, nhưng phải tới gần đây, thông qua một nhà nghiên cứu Hán Nôm, tôi mới được diện kiến anh. Bỏ qua một vài câu chào hỏi xã giao đơn thuần, tôi lập tức “truy vấn” dịch giả Châu Hải Đường về những vấn đề đã tích tụ trong mình từ lâu.
Những ghi chép bất ngờ
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh, tại sao anh lại có cái bút danh rất ấn tượng - Châu Hải Đường?
- Dịch giả Châu Hải Đường (Cười...): Chuyện là, khi còn là học sinh, tôi có đọc bài thơ “Bài ca chiếc roi song” của Cao Bá Quát, trong đó có một câu thơ nhắc đến hoa hải đường, Cao Bá Quát đã tự có chú thích rằng: Tất cả các loài hoa hải đường đều không có hương, duy chỉ có hoa hải đường của Ôn Xương Châu (Ôn Đình Quân làm quan ở đất Xương Châu, Trung Quốc) là có mùi hương thôi... Nhưng, trong cuốn sách đó, có lẽ do nhầm lẫn trong quá trình biên tập mà họ lại ghi là “ông Xương Châu”, khiến tôi - lúc ấy cũng chưa hiểu nhiều về Hán Nôm cho lắm - đã nghĩ Xương Châu là tên của người ấy, chứ không biết thực ra đó là Ôn Đình Quân ở Xương Châu. Tôi đã rất lấy làm lý thú với câu ấy và thầm nghĩ, nếu như sau này có viết báo hay sách vở sẽ lấy bút danh là Châu Hải Đường - mà nếu tôi được hiểu rõ như bây giờ thì có lẽ tôi phải lấy chữ Ôn đứng đầu – Ôn Hải Đường mới đúng ý... Thành ra, ba chữ Châu Hải Đường không được chính xác ý nghĩa như mong muốn ban đầu của tôi. Tuy nhiên, kể từ những bài viết đăng báo đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học đến nay, tôi vẫn luôn dùng bút danh này.
- Phải nói sâu xa một chút về duyên khởi của việc tôi đi nghiên cứu sử Việt trong sử liệu Trung Quốc. Hồi tôi còn nhỏ, ở nhà có bộ “Đại Việt sử kí toàn thư” – mà có lẽ chúng ta ai cũng biết bộ này rồi, khi đọc chú thích của những dịch giả, nhà nghiên cứu trong bộ sách, tôi thấy các cụ luôn có những đối chiếu nhất định với sử liệu Trung Quốc. Điều ấy khiến tôi tò mò không biết toàn bộ những sự kiện, nhân vật ấy đã được ghi lại trong chính sử Trung Quốc như thế nào. Đấy! Duyên khởi của việc này vốn bắt đầu từ sự tò mò từ xưa của tôi như thế. Nhưng, mãi gần đây, khi sự giao lưu văn hóa, kinh tế, công nghệ thông tin giữa các nước trở nên phát triển thì tôi mới có điều kiện tiếp cận với những nguồn sử Trung Quốc một cách đầy đủ, từ đó dần thỏa mãn những tò mò ngày xưa của mình.
- Tôi hiểu đơn giản thế này: Khi Internet và công nghệ thông tin chưa phát triển, muốn tìm hiểu những thứ này thì phải trực tiếp sang các thư viện Trung Quốc, còn bây giờ, với vốn tiếng Trung rất thâm hậu của mình thì anh có thể chủ yếu tra cứu trên mạng?
- Đúng rồi! Tôi đã tìm đọc lại những bộ chính sử Trung Quốc để xem họ viết về Việt Nam như thế nào. Tôi xin nhấn mạnh, phạm vi tìm hiểu lần này của tôi là những bộ chính sử vì những bộ tư sử hoặc những ghi chép cá nhân thì ở Việt Nam đã từng xuất bản một vài cuốn rồi, ví dụ như “An Nam chí lược”, “An Nam chí nguyên”, “Hải ngoại kỷ sự”... của các cá nhân ghi chép về Việt Nam.
Tôi bắt đầu đi tìm kiếm những bộ chính sử Trung Hoa, mà như chúng ta hay nói là “Nhị thập tứ sử” ấy. Song, thực tế nếu tính cả những bộ sử đời Thanh như “Thanh sử cảo” và bộ “Tân Nguyên sử” thì tổng cộng phải là 26 bộ. Tuy nhiên, không phải tất cả 26 bộ sử đó đều có ghi chép về Việt Nam. Ví dụ như “Liêu sử” - ghi chép lịch sử của nước Liêu, “Kim sử” - ghi chép lich sử của nước Kim hay “Ngụy thư” - sử Bắc Ngụy là những nước ít tiếp xúc liên quan với Việt Nam nên những bộ sử đó không có ghi chép gì về nước ta cả. Cho nên, để biên tập được “An Nam truyện” thì tôi nghiên cứu chủ yếu 17 bộ sử Trung Quốc, từ “Sử kí Tư Mã Thiên”, “Hán thư”, “Hậu Hán thư”... cho đến “Thanh sử cảo”.
- 17 bộ sử, trải qua cả trăm, cả ngàn năm - một độ nén thời gian khủng khiếp đấy chứ!
- Trong 17 bộ sử ấy, không phải bộ nào cũng có những ghi chép về các vị vua Việt Nam một cách đầy đủ, chi tiết đâu, mà có những chỗ chỉ gợi ra một vài điểm đáng chú ý nào đó thôi.
- Anh có thể lấy một ví dụ được không?
- Chẳng hạn, trong bộ “Tống sử” có ghi lại một bản tấu của Tống Cảo - sứ giả nhà Tống – khi sang xứ nước ta. Trong bản tấu đó, Tống Cảo đã có những ghi chép khá chi tiết về Vua Lê Hoàn, ví dụ: Khi yến tiệc diễn ra, vua bá vai cùng ca hát với các quan hoặc vua sẵn sàng xắn quần lội xuống nước để đâm cá, còn quần thần ở trên thì hò reo cổ vũ. Nếu không đọc những tư liệu như thế thì tôi khó tưởng tượng được một vị vua lại có thể dân dã, hòa đồng mang đậm văn hóa phóng khoáng của sông nước phía Nam như vậy.
- Những ghi chép rất đặc biệt, mở thêm một góc nhìn về những đấng quân vương mà trong hình dung lâu nay của chúng ta luôn là những người mũ cao áo dài hết sức nghiêm trang.
- Trước đây, khi đọc sách Nho giáo hoặc đọc sách sử nước ta, thực sự tôi - mà không phải mình tôi đâu, hầu hết chúng ta đều nghĩ đã là vua thì phải có sự uy nghiêm hoặc theo quan điểm Nho giáo là “quân thần phụ tử”.
Thế nhưng, khi đọc những nguồn tư liệu như vừa kể trên thì tôi thấy sự tiếp nhận Nho học hay sự phát triển của phong kiến Việt Nam vẫn có những nét riêng đặc trưng của dân tộc mình, chứ không hoàn toàn giống Trung Quốc. Tôi cho rằng, đây là một điểm cần đặc biệt lưu ý, nhất là với những nhà làm phim hay đạo diễn sân khấu để làm sao chúng ta có thể đem được cốt cách Việt Nam vào việc xây dựng hình tượng nghệ thuật. Đó chính là những suy nghĩ đầu tiên của tôi khi đọc ghi chép về vua Việt Nam từ chính sử Trung Quốc.
- Khó khăn lớn nhất của anh trong quá trình biên soạn “An Nam truyện” là gì? Có bao giờ anh hiểu nhầm/hiểu chưa đúng về một điều gì đó, sau đó phải viết lại hoặc đính chính/cải chính lại không?
- Làm việc với các văn bản cổ chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ dịch giả hay nhà nghiên cứu nào cả. Khó khăn có thể nói rất nhiều, từ việc cú đậu (tức ngắt chấm câu) thế nào - vì sách xưa in không có dấu câu; đến việc mặt chữ thì như vậy, nhưng cổ âm của chữ ấy trong trường hợp cụ thể ấy lại phải đọc theo âm khác;... Có thể nói, một trong những khó khăn nhất đó là dịch các bản chiếu chỉ, tấu chương xưa. Vì người xưa viết văn chương đã khó, mà các văn bản hành chính mang tính trang trọng ngoại giao như chiếu chỉ,... lại càng được viết bằng lối văn phong cô đọng, súc tích, nhiều điển cố từ sách vở kinh điển cho đến văn hóa lịch sử... đòi hỏi người dịch phải có sự hiểu biết, tìm hiểu kỹ lưỡng. Đôi khi chỉ một dòng, một câu, mà tìm đọc cả nửa buổi mới có thể dịch nổi. Ngoài ra, “An Nam truyện” được biên soạn từ các bộ sử lớn, trước thời Tống thì chưa có mục ghi chép riêng về Giao Chỉ - An Nam
- Việt Nam, buộc phải tìm kiếm từ truyện của các cá nhân, từ đời Tống về sau thì ngược lại, có truyện riêng về nước ta, tất cả các truyện cá nhân nếu có liên quan đến nước ta thì cũng được chép lại trong truyện riêng về Việt Nam rồi. Thế nhưng, đôi khi cũng có những điểm các nhà làm sử khi ấy đã lược bớt hay ghi giản dị hơn. Vì vậy, thực sự khó tránh khỏi có thể có những chỗ còn bị bỏ sót trong quá trình biên soạn.
Với ngần ấy khó khăn nên thực sự là không thể không có nhầm lẫn. Nói cho cùng thì, như tôi vẫn từng tự động viên mình hay những bạn bè làm việc về sách vở khác, là: Nếu muốn không sai thì chỉ có cách không làm gì. Chúng ta chỉ nên cố gắng tối đa để ít sai lầm nhất, ít lỗi nhất mà thôi. Đối với cuốn “An Nam truyện” ngay khi in lần đầu chính tôi cũng đã thấy một vài lỗi của mình, từ đó đến nay thi thoảng cũng được các bạn hiểu biết góp ý cho điểm này, điểm khác và mỗi lần tái bản, tôi đều cho sửa chữa thêm cả. Rất may mắn, cũng không có lỗi gì quá nặng.
- Các ông vua Trung Quốc ngày xưa tự cho mình ở vị trí trung tâm thế giới. Họ coi mình là thiên tử (con trời), có thiên mệnh cai quản toàn bộ thiên hạ. Họ tự đặt mình ở vị trí trung tâm thiên hạ, từ đó nhìn về bốn phía với con mắt của người ở trên: Bắc địch - Tây nhung - Đông di - Nam man. Trong cái nhìn đó, phía Nam là man di, lạc hậu. Vậy nên trong cách viết sử của mình, chắc chắn họ cũng sẽ nhìn về bốn phía thiên hạ, đặc biệt là phía Nam với con mắt kẻ cả của người tự cho mình đứng trên. Chắc chắn là khi nghiên cứu, anh phải tiếp xúc/đụng chạm với cách nhìn này. Cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?
- Tôi đã lường trước điều này trong quá trình tiếp cận chính sử, tư sử hay những ghi chép cá nhân của Trung Quốc. Phải lường trước, phải hiểu rõ để không bị bất ngờ khi đọc cách hành văn hoặc cách ứng đối trong một số tình huống cụ thể nào đó của họ. Thực ra, điều này cũng dễ hiểu thôi, “ai vì chủ nấy” mà. Họ phải viết dựa trên quan điểm của triều đình chính thống của họ. Từ quan điểm chính thống của họ, không có gì là lạ khi thấy họ tự đặt mình ở vị trí trung tâm, vị trí cao hơn để nhìn về bốn phía. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải hiểu rõ bản chất những sự kiện, chi tiết, nội dung ở đằng sau lớp vỏ của ngôn từ. Phải vượt qua lớp vỏ đó để hiểu bản chất của một con người, sự kiện. Ví dụ, những cuộc khởi nghĩa, nổi dậy của nhân dân ta thì họ cho là “làm phản”. Những người anh hùng lịch sử của ta rất dũng mãnh, mưu trí thì sử Trung Quốc lại gọi là gian hùng, nhẹ hơn thì là kiệt hiệt. Hoặc, nếu chúng ta có cách ứng đối, xử lí khôn khéo thì họ lại gọi đấy là dối trá. Vậy nên khi đọc những dòng ghi chép đó, tôi cho rằng chúng ta không nên bám vào từng câu, chữ, không nên chấp vào câu chữ, mà phải vượt qua lớp vỏ ngôn từ ấy để nhìn được cái cốt lõi sâu xa của vấn đề.
- Ở trên chúng ta vừa nhắc tới Vua Lê Đại Hành. Có một câu chuyện thế này về Vua Lê Đại Hành, đó là khi sứ nhà Tống sang nước ta, lẽ ra Vua Lê Hoàn phải quỳ xuống tiếp sứ. Nhưng, vua không muốn quỳ, vì không muốn mất thể diện. Tuy nhiên, nếu không quỳ thì lại làm mất lòng sứ, từ đó có thể gây ra những xích mích không đáng có. Và, vua đã xử trí tình huống này như sau: Buổi chiều trước ngày gặp sứ, vua đã cưỡi ngựa, rồi ngã ngựa. Hôm sau, vua nói với sứ rằng mình bị ngã ngựa, đau chân, không quỳ được. Nhờ thế vua vừa không phải quỳ trước sứ nhà Tống lại vừa không bị quở trách. Nhưng, tới khi đọc sử nhà Tống, ta mới hiểu, hóa ra họ cũng biết cả, nhưng biết mà không làm gì được. Cho nên họ mới dùng những từ như “dối trá”, hay “không trung thực”. Phải thoát khỏi những lớp vỏ từ ngữ như thế này, nhìn vào cái lõi bản chất của các hành động mới thấy ông cha ta đã khéo léo, tinh tế ra sao trong việc thực hiện chính sách ngoại giao với các nước lớn!
- Chính xác! Nếu đọc toàn bộ “An Nam truyện” anh sẽ thấy không phải chỉ riêng Vua Lê Hoàn đâu mà quan niệm về sự phản kháng của cha ông ta là xuyên suốt chiều dài lịch sử ngay từ triều đại quân chủ chuyên chế đầu tiên đến mãi sau này. Vua Lê Hoàn lấy cớ ngã ngựa đau chân không quỳ. Các vị vua nhà Trần thì thậm chí chẳng những không quỳ mà còn lui vào biệt điện và biện bạch rằng “lệ nước tôi như thế”. Nói về sự khéo léo trong ngoại giao, thì có lẽ đó là sự thống nhất suốt nhiều triều đại của chúng ta. Mặc dù chiến thắng nhưng sau đó chúng ta vẫn sai sứ giả sang “tạ lỗi” và thông hảo. Thậm chí, tìm cách kê bậc thang để cho đối phương có thể bước xuống. Ví dụ, sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi thậm chí còn phải nói với nhà Minh rằng đã tìm được Trần Cảo - hậu duệ của nhà Trần - lập lên làm vua để giữ vững nền độc lập. Nhà Minh dù biết rõ mười mươi đó là giả, nhưng vẫn phải chấp nhận và rút quân khỏi nước ta. Tôi cho rằng đó là một cách ngoại giao khôn khéo để vừa đạt được mục đích của mình, đồng thời vẫn giữ thể diện cho thiên triều để tránh những can qua không đáng có.
Những công văn qua lại
- “An Nam truyện” kể rất kỹ những công văn qua - công văn lại của nhà Nguyên với nhà Trần, mà ở đó các vua Trần đã lấy đủ mọi lý do để không phải sang Trung Quốc. Đọc đến chương này, tôi thấy rất bất ngờ và lý thú. Anh có thể chia sẻ để độc giả hiểu kỹ hơn được không?
- Vâng! Công văn là từ chúng ta gọi bây giờ, cho độc giả dễ hiểu. Còn thời đó người ta không gọi là công văn mà là chiếu thư, tấu sớ. Đúng là nhà Nguyên luôn đòi vua Trần phải trực tiếp sang Trung Quốc diện kiến nhưng qua mấy đời vua Trần đều không sang, ngay cả con cái của các tôn thất, công khanh cũng không sang. Các vua Trần cứ thư từ biện luận qua lại cho rằng họ không thông thuộc thủy thổ, đường sá, nên không đi được.
Hay như việc cống voi của nước ta sang Trung Quốc thì đã có từ thời nhà Lý rồi, nhưng khi nhà Nguyên đòi cống voi thì vua Trần lại nói con vật đó quá to lớn, đi lại chậm chạp, không được như ngựa của quý quốc, đồng thời quản tượng cũng không ai chịu đi. Tóm lại rất nhiều lí do đã được đưa ra để chống chế.
- Cứ sau một lí do như thế thì bên kia lại có một chiếu thư đưa sang, rồi bên này lại tìm cách giải thích...
- Vâng! Thậm chí, nhà Nguyên còn đòi nhà Trần phải đưa hai người Trung Á, gọi là Hồi Hột khi ấy sang buôn bán ở nước ta sang để nhà Nguyên hỏi han thông tin của vùng Trung Á. Nhưng, nhà Trần cũng không đưa mà viện lí do là họ ốm bệnh, đã qua đời. Thời đó nhà Trần còn liên tục đòi bãi bỏ chức Đạt lỗ hoa xích - chức quan nhà Nguyên lập nên để quản lí các nước lân bang. Hay, nhà Trần chỉ muốn đưa cống phẩm tới Thiện Xiển (Vân Nam, Trung Quốc) chứ không chịu đưa sang tận Bắc Kinh nữa. Tất nhiên, sau những lần giải thích, thư từ qua lại, cũng có những chỗ chúng ta phải chấp nhận sau khi tìm mọi cách để kéo dài thời gian, nhưng về cơ bản, chúng ta cũng đều làm được theo ý của mình.
- Ngoài những chi tiết đó, có những chi tiết ấn tượng nào trong “An Nam truyện” anh có thể chia sẻ?
- Có một câu chuyện rất hay đó là từ đời nhà Trần về sau, các vua nước ta khi quan hệ với Trung Quốc đều lấy một cái tên khác. Mọi người có thể sẽ cho rằng việc đó rất bình thường, nhưng nó không bình thường đâu, mà rất đáng để suy nghĩ đấy. Trong lời tựa “Việt kiệu thư”, tác giả Lý Văn Phượng đã ghi lại rằng các ông vua Việt thường lấy hai tên, một tên để viết vào vào bản tấu đưa lên triều đình trung ương Trung Quốc, còn một tên dùng để ban chiếu lệnh trong nước. Việc đó nhằm thể hiện không bao giờ chịu thần phục thiên triều. Chúng ta dùng tên giả để tấu lên thiên triều, còn tên thật sẽ được dùng vào việc cúng tế ở tôn miếu hoặc ban bố sắc lệnh quốc gia. Ông Lý Văn Phượng còn lấy một ví dụ nữa đó là Vua Lê Trang Tông (tức Lê Ninh) ngay cả trong lúc bôn tẩu giữa cuộc chiến với nhà Mạc thì khi dâng tấu sang bên Trung Quốc vẫn cứ dùng tên giả.
- Lê Trang Tông chính là...chúa Chổm?
- Đúng vậy! Vua Lê Trang Tông khi ấy đang vô cùng khó khăn giữa cuộc chiến, nhưng ngay cả khi phải cho sứ thần sang gửi thư xin viện binh thì vẫn sử dụng tên giả, vẫn có ý thức tự tôn dân tộc như dòng máu người Việt nói chung. Mà đây là nguồn sử liệu ghi chép của chính Trung Quốc, chứ không phải sử liệu của chúng ta.
Vẻ đẹp của sự soi chiếu
- Vẻ đẹp đích thực của lịch sử nằm ở đâu, thưa anh?
- Trong lời dẫn của cuốn “An Nam truyện”, tôi có nói rằng tìm hiểu lịch sử là nhu cầu tự thân của mỗi người. Từ lịch sử gia đình, lịch sử dòng họ cho đến lịch sử làng xã..., rộng hơn nữa là lịch sử dân tộc, đất nước. Tôi cho rằng, vẻ đẹp lớn nhất của lịch sử là chúng ta được soi chiếu giữa hiện tại và quá khứ, thậm chí là cả tương lai.
- Khi chúng ta không có bến bờ để soi chiếu thì đó là lúc chúng ta đau khổ. Một dân tộc không có những di sản quá khứ để soi chiếu thì dân tộc ấy rất dễ bị diệt vong. Nhưng, khi có bến bờ để soi chiếu, có di sản để tìm hiểu mà lại không chịu soi chiếu, không chịu tìm hiểu thì vô cùng lãng phí, phải không anh. Cho nên nói chuyện lịch sử ông cha mình, những kẻ hậu sinh chúng ta chợt nhận ra mình là những người hạnh phúc, vì chúng ta là công dân của một dân tộc có chiều sâu lịch sử rất đáng tự hào.
- Đọc sử từ những trang viết của cha ông hay từ một nguồn nào đó bên ngoài như phương Tây, như Trung Quốc hay bây giờ có nhiều bạn nghiên cứu lịch sử qua góc nhìn của sử Nhật Bản, tôi đều thấy rất thú vị. Với riêng tôi, quá trình tìm hiểu và được thấy tiếng nói của cha ông luôn dâng trào trong tôi cảm xúc và niềm tự hào lớn lao. Ví dụ thế này, khi tìm hiểu chính sử Trung Quốc, tôi lại tìm thấy được những câu văn Nôm của chúng ta. Trong “Thanh sử cảo” chẳng hạn, tôi thấy có đoạn ghi chép về tờ biểu của Nguyễn Huệ đưa sang xin phong cho một vị vua khác của dòng dõi nhà Lê sau khi Lê Chiêu Thống đã chạy sang Trung Quốc. Dòng chữ Nôm ấy là “ông hoàng tư Duy Cẩn”. Đây rõ ràng là một câu được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm. Nhìn lại lịch sử Nguyễn Huệ thì ông là người có tư tưởng muốn sử dụng toàn bộ chữ Nôm trong văn thư hành chính và việc học tập ở thời đại của mình. Điều đó chứng tỏ bản tấu của Nguyễn Huệ gửi sang nhiều khả năng ông không viết bằng chữ Hán mà viết bằng chữ Nôm và cần một người dịch lại cho nhà Thanh, vì một lý do gì đó mấy chữ Nôm “ông hoàng tư Duy Cẩn” đã không được người phiên dịch dịch ra mà để nguyên như vậy. Tôi cho rằng điều đó đã nâng thêm một bậc nữa về tính độc lập dân tộc mà ông cha ta luôn gìn giữ.
Hoặc, trong một số sử liệu khác của Trung Quốc, tôi cũng đã thấy những ghi chú về âm đọc của dân tộc. Ví dụ như “Việt kiệu thư”, trong mục Sản vật, khi chép về cây tô mộc, họ có ghi chú thêm: “Cũng gọi là đa bang”. Cây tô mộc ta vẫn gọi là cây gỗ vang và nếu bạn nghiên cứu về ngôn ngữ thì sẽ thấy ngay chữ “đa bang” chính là cổ âm của chữ “vang”. Hay khi ghi về sông Thiên Đức, tức sông Đuống thì họ ghi chú: “Một tên khác là: Đình Uẩn”. Nếu nghiên cứu về ngôn ngữ, ta cũng sẽ thấy rằng nhiều khả năng “Đình Uẩn” là họ đã ghi âm của chữ “Đuống” mà ra. Rõ ràng, ngoài những hình ảnh, chi tiết, sự kiện thì tiếng nói của dân tộc cũng được ghi lại trong chính sử hoặc tư sử của Trung Quốc như thế. Được tiếp xúc tiếng nói của dân tộc mình từ những văn bản đó thực sự thú vị và rất đáng tự hào.
- “Tiếng ta còn thì nước ta còn”! Bảo vệ được tiếng nói, bảo vệ được văn hóa, bảo vệ được giá trị dân tộc cũng có nghĩa là bảo vệ được nền độc lập tự do, cho dù quá trình bảo vệ đó là thiên nan, vạn nan, không hề đơn giản?
- (Gật đầu).
- Xin cảm ơn anh về cuộc đối thoại này!